Nguy cơ xuống dốc của Australia?

Australia bầu quốc hội mới. Không khí trong dân chúng nước này khá phấn khởi vì kinh tế Australia đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính thế giới khá êm xuôi. Tuy nhiên sự chấm dứt bùng nổ tài nguyên và sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc có nguy cơ trở thành dấu chấm hết cho những thành công của quốc gia này.

Không như phần lớn các nước công nghiệp, Australia đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính thế giới một cách diệu kỳ. Ở đây có hai nguyên nhân: sự giàu có về nguồn tài nguyên của Australia và vị trí địa lý của đất nước này. Australia nằm gần các nền kinh tế phát triển năng động ở Đông Á. Nhưng giờ đây sự tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ của Trung Quốc dường như đã chấm dứt và nhu cầu cao của thế giới đối với các nguồn tài nguyên dường như cũng đã kết thúc. Ngành khai mỏ của Australia đang chiếm 10% năng lực kinh tế và chiếm 30% xuất khẩu của nước này, nay điều này nay đang bị đe dọa.

Có thể nói trong tương lai người Australia sẽ bị thua thiệt, mất mát khá nhiều. Mới tháng năm vừa qua, tổ chức OECD trong một nghiên cứu về “Better-Living” còn cho Australia điểm cao nhất. Trong số 35 quốc gia công nghiệp không nơi nào người dân có mức sống tốt hơn, an toàn hơn và hạnh phúc hơn so với người Australia. Trong 21 quý gần đây, nền kinh tế Australia liên tục phát triển, Australia được tất cả các hãng đánh giá cho điểm tốt nhất, tỷ lệ thất nghiệp ở đây cũng chỉ ở mức 5,7 %.

Cơn đói tài nguyên của Trung Quốc

•    Nhôm: Trung Quốc tiêu thụ trên 39,8 % nhôm của toàn thế giới
•    Chì: Trung Quốc tiêu thụ 45,6% chì trên thị trường thế giới,
•    Dầu mỏ: Trung Quốc đứng hàng thứ hai thế giới sau Mỹ về tiêu thụ dầu mỏ
•    Đồng: Trung Quốc tiêu thụ 38% đồng của thế giới, bỏ xa Mỹ ở vị trí thứ hai.
•    Nicken, Trung Quốc tiêu thụ 39,3% nicken trên thị trường, bỏ xa Mỹ và Nhật Bản
•    Sắt: Trung Quốc nhập khẩu sắt nhiều nhất thế giới, khoảng một nửa số sắt trên thị trường thế giới
•    Than đá: Trung Quốc tiêu thụ than đá nhiều nhất thế giới, bỏ xa Mỹ và Ấn Độ ở vị trí thứ hai và ba
•    Lẽm: Trung Quốc mua 42,5% lượng kẽm trên thị trường, bỏ xa Mỹ và Hàn Quốc
•    Thiếc: Trung Quốc mua 42,5% thị phần thế giới, bỏ xa Mỹ và Nhật Bản

Nhưng trên thực tế, tương lai của Australia lại phụ thuộc vào những đối tác thương mại quan trọng. Gần 30% xuất khẩu của Australia – chủ yếu là các nguyên liệu quặng sắt, than, vàng và dầu mỏ – xuất sang Trung Quốc. Nếu trong những năm tới, theo dự báo, tăng trưởng của Trung Quốc chỉ đạt 5% chứ không phải là 8 hay 10% như thời gian qua, thì theo các phân tích của Standard & Poor’s, Australia sẽ lâm vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng.

Trong khi đó, từ giữa 2011 giá quặng sắt và than đá lại giảm, từ đó đầu tư vào khai mỏ ở Australia cũng giảm theo. Theo Bureau of Resources and Energy Economics ở Canberra, đến năm 2017, tổng số tiền đầu tư vào Australia chỉ còn khoảng 70 tỷ AUD, trong khi đó năm 2012 khoản đầu tư này lên tới 268,4 tỷ.

Cùng với việc kết thúc bùng nổ về tài nguyên của ngành công nghiệp khai khoáng Australia, bản thân Australia trở nên đắt đỏ đến mức khó lòng kham nổi. Theo ông Peter Coleman, Chủ tịch tập đoàn dầu khoáng Woodside Petroleum, lương của một kỹ sư ở bang Tây Australia, địa bàn tập trung phần lớn các mỏ, cao hơn từ 30 đến 50% so với các đồng nghiệp Mỹ làm việc tại Houston, thủ phủ ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ. Andrew MacKenzie, CEO của doanh nghiệp mỏ lớn nhất thế giới, công ty BHP Australia và Anh Quốc, than phiền về gánh nặng thuế má ở Australia, lên đến 45%.

Hệ quả của nguy cơ suy thoái đã hiển hiện tại các thị trường ngoại hối. Cách đây không lâu, một AUD tương đương 1,05 USD, hiện nay chỉ còn dưới 0,90 USD, và theo các chuyên gia của St. George Bank ở Sydney thì đến năm 2014 chỉ còn 0,83 USD. Thực ra điều này cũng có mặt tốt: nếu đồng AUD về lâu dài giảm giá thì khả năng cạnh tranh của nước này sẽ tăng không chỉ trong ngành công nghiệp khai khoáng như cho đến nay.

Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)