Nhạc sĩ Nguyên Lê: Tìm tâm hồn ở những chốn thâm sâu
Tối 23 và 24/2, nghệ sĩ nhạc Jazz người Pháp gốc Việt Nguyên Lê sẽ cùng đồng nghiệp Ngô Hồng Quang biểu diễn ra mắt album mới nhất của ông tại Hà Nội, trước khi giới thiệu album này ở châu Âu.
Trong “Hanoi Duo”, những bản nhạc do Nguyên Lê sáng tác được thể hiện trên nền những nhạc cụ truyền thống Việt Nam và những sáng tác mang âm hưởng dân ca Tày của Ngô Hồng Quang được kết hợp cùng chiếc guitar điện của Nguyên Lê.
Đây không phải là lần đầu tiên Nguyên Lê đưa âm nhạc truyền thống vào các sáng tác nhạc jazz của mình. Từ năm 1996, ông đã thực hiện năm album dùng giai điệu dân ca Việt với sự phối khí giữa các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam (tranh, cò, bầu, kìm, sinh tiền, bộ gõ) và các nhạc cụ Jazz. Có thể lấy gốc gác Việt Nam của ông để lý giải cho sự kết hợp này, nhưng nếu nhìn rộng ra thì sẽ thấy, việc đưa âm nhạc truyền thống của nhiều vùng đất trên thế giới vào sáng tác nhạc jazz đã trở thành bản sắc của Nguyên Lê – âm hưởng Bắc Phi, Ấn Độ, Nhật Bản … đều đã xuất hiện trong các tác phẩm của ông, “chỉ còn thiếu mỗi khu vực Mỹ Latin,” như ông nói.
“Muốn tìm hiểu tâm hồn một dân tộc thì ta phải tìm đến những chốn thâm sâu, âm nhạc truyền thống là một trong những chốn đó,” ông lý giải sự lựa chọn phong cách của mình.
Trước đây, ông thường phối khí lại các bản nhạc truyền thống của Việt Nam, nhưng gần đây, ông chuyển sang sáng tác những bản nhạc jazz mà thoạt nghe người ta cũng có thể nhận ngay ra bóng dáng âm nhạc truyền thống Việt Nam ở trong đó. Để sự kết hợp đương đại-truyền thống không trở nên gượng ép, ông cho biết thường chọn chất liệu âm nhạc của người dân tộc miền núi vì có những nét tương đồng nhất định, “chứ như cải lương thì rất khó hòa âm”.
Kể từ năm 2011, khi có những dự án âm nhạc sâu tại Việt Nam, ông thật sự thấy mình là người Việt Nam, là một phần của đời sống âm nhạc Việt Nam.
Trong “Hanoi Duo”, cây guitar của Nguyên Lê sẽ hòa điệu cùng giọng hát và các ngón đàn tính, đàn bầu, đàn nhị, đàn cò, k’ny, đàn goong của nghệ sĩ Ngô Hồng Quang, một người trẻ mà ông hết sức quý mến bởi “tài năng và trí tò mò âm nhạc”.
Sinh năm 1959, là nhạc sĩ tự học, Nguyên Lê cho rằng điều thú vị nhất là được tự mình khám phá mọi điều về âm nhạc, như một nhà thám hiểm. “Trong khi các sinh viên trường nhạc có thể chia sẻ việc chơi nhạc của mình với bạn bè thì nhiều lúc tôi cảm thấy khá đơn độc. Tôi đã phải mất nhiều năm trước khi có thể chia sẻ âm nhạc của mình với mọi người, và điều đó thật tuyệt vời,” ông kể.
Khi được hỏi, mỗi ngày ông dành bao nhiêu thời gian cho âm nhạc, ông nói, “tôi dành 90% cuộc đời mình cho âm nhạc, dù có lúc mệt mỏi, nhưng những khi không chơi đàn thì tôi sáng tác hoặc vẫn suy nghĩ về âm nhạc”.