Nhận dạng các ‘siêu thực vật’ làm sạch không khí ven đường

Các nhà khoa học cho biết, nhiều loài cây bụi rậm rạp giúp làm sạch không khí ở những khu vực giao thông đông đúc, trong khi một số loài cây khác có thể làm mát những tòa nhà hoặc hạn chế lũ lụt.


Cây cotoneasteri chống ô nhiễm hiệu quả hơn ít nhất 20% so với những loài cây bụi khác.

Theo các chuyên gia làm vườn, cây cotoneaster là một loài cây bụi, lá có lông, được biết đến như một “siêu thực vật” giúp chống lại ô nhiễm ở những con phố sầm uất. 

Các nhà khoa học thuộc Hiệp hội Làm vườn Hoàng gia Anh (RHS) đã xem xét hiệu quả của những bờ giậu cây xanh trong việc chống ô nhiễm không khí. Cụ thể, họ so sánh các loại cây bụi khác nhau bao gồm cotoneaster, táo gai và tuyết tùng đỏ phương Tây. Nghiên cứu này là một phần hoạt động của dự án nhằm giảm bớt các vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí, lũ lụt và sóng nhiệt, thúc đẩy lợi ích của các khu vườn và không gian xanh. 

Các nhà nghiên cứu cho biết, trên những con đường đông đúc xe cộ, loài cây bụi Cotoneaster franchetii chống ô nhiễm hiệu quả hơn ít nhất 20% so với những loài cây bụi khác. Tuy nhiên, ở những con phố yên tĩnh hơn, giữa các loài cây này không có sự khác biệt.  


Lượng bụi mà cây cotoneasteri hút vào.


Lượng bụi mà cây thông đỏ hút vào. 

TS Tijana Blanusa, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Trên những con đường lớn của thành phố, nơi giao thông đông đúc, chúng tôi nhận thấy những loài có tán phức tạp, dày đặc, lá xù xì và nhiều lông như cotoneaster mang lại hiệu quả nhất.” 

“Chỉ trong vòng 7 ngày, một hàng rào rậm rạp với chiều dài 1 mét, được chăm sóc cẩn thận, sẽ quét sạch lượng ô nhiễm mà một chiếc ô tô thải ra trong suốt quãng đường 500 dặm”. Cô cho rằng cotoneaster sẽ là loài cây lý tưởng để trồng ven theo những con đường đông đúc tại các điểm nóng về ô nhiễm, trong khi ở những khu vực khác – nơi hòa hợp với thiên nhiên – thì nên kết hợp trồng nhiều loài. 

Một cuộc khảo sát với 2.056 người tham gia của RHS cho thấy ô nhiễm không khí đã tác động tiêu cực đến cuộc sống của một phần ba (33%) những người tham gia, nhưng chỉ 6% trong số đó đang thực hiện các bước tích cực bên trong khu vườn của mình để khắc phục điều đó. 

Trong số những người mà YouGov khảo sát, 86% cho biết họ quan tâm đến các vấn đề môi trường, trong khi 78% lo lắng về biến đổi khí hậu. RHS hy vọng họ có thể khai thác sự quan tâm đó, khuyến khích mọi người nghĩ đến việc cải thiện môi trường sông thông qua khu vườn của mình. 

GS Alistair Griffiths, giám đốc khoa học của RHS, chia sẻ: “Chúng tôi vẫn đang liên tục xác định các ‘siêu thực vật’ mới với những đặc tính độc đáo, mà khi kết hợp với các thảm thực vật khác, chúng sẽ mang lại lợi ích cao hơn nữa. Đồng thời chúng cũng sẽ cung cấp môi trường sống cần thiết cho động vật hoang dã.” 

“Chẳng hạn, chúng tôi nhận thấy rằng lớp thường xuyên phủ kín bức tường có tác dụng làm mát các tòa nhà, táo gai và thủy lạp giúp giảm bớt sự dữ dội của các cơn mưa mùa hè cũng như giảm lũ lụt cục bộ. Nếu trồng chúng trong các khu vườn và không gian xanh, nơi các vấn đề môi trường đang là vấn đề nhức nhối, chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.”  

Anh Thư dịch

NguồnExperts identify ‘super-plant’ that absorbs roadside air pollution

Tác giả