Nhân giống cá tra chịu mặn thành công

Mới đây, các nhà khoa học ở Đại học Cần Thơ, Đại học Liège và Đại học Namur (Bỉ) đã phát triển thành công giống cá tra chịu mặn để thích ứng với xâm nhập mặn ở ĐBSCL.

Xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn đến việc nuôi cá tra. Ảnh: angiang.dcs.vn

Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trong bài báo “Selective breeding of saline-tolerant striped catfish (Pangasianodon hypophthalmus) for sustainable catfish farming in climate vulnerable Mekong Delta, Vietnam” (Nhân giống chọn lọc cá tra chịu mặn để nuôi cá tra bền vững ở ĐBSCL) trên tạp chí Aquaculture Reports.

Là một trong những giống cá nước ngọt bản địa quan trọng nhất ở vùng ĐBSCL, tính đến năm 2018, cá tra Việt Nam đã đạt sản lượng gần 1,42 triệu tấn (trong tổng diện tích sản xuất khoảng 5400 ha) và được xuất khẩu sang hơn 140 quốc gia và các vùng lãnh thổ với giá trị xuất khẩu khoảng 2,26 tỷ USD, đóng góp khoảng 1% GDP của Việt Nam. Song, hiện nay cá tra đang phải đối mặt với mối đe dọa lớn khi biến đổi khí hậu đã và đang gây ra tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Một minh chứng điển hình là trong các năm 2016 và 2020, ĐBSCL đã trải qua các đợt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng ở những khu vực cách bờ biển lên đến 55 – 100 km, dẫn đến thiệt hại lớn cho việc sản xuất lúa và nuôi trồng thủy hải sản.

Trước thực tế này, từ năm 2017, các nhà khoa học ở Đại học Cần Thơ, Đại học Liège và Đại học Namur đã tiến hành nghiên cứu lai tạo chọn lọc giống cá tra chịu mặn để hướng tới việc duy trì nghề nuôi cá tra bền vững trong bối cảnh môi trường biến đổi liên tục như hiện nay. Mục tiêu mà nhóm nghiên cứu hướng đến là đánh giá hiệu quả của việc chọn lọc khả năng chịu mặn của cá tra thông quả các chỉ số về tăng trưởng và tỷ lệ sống sau một thế hệ trong môi trường nước có độ mặn 10 ‰. Bên cạnh đó, để hiểu hơn về cơ chế di truyền, nhóm nghiên cứu cũng tìm hiểu sự khác biệt về các thông số sinh lý giữa những con cá được chọn lọc và nhóm đối chứng.

Để tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học đã tập hợp cá giống từ ba trang trại ở vùng nước ngọt tại các tỉnh An Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ, trong đó mỗi trang trại lấy 10 con đực và 10 con cái khỏe mạnh để sinh sản chéo và tạo ra 900 gia đình cá tra (thế hệ G1). Tiếp đó, những con cá con chất lượng tốt được chọn để ương ở các ao nước ngọt. Sau 47 ngày, 21.550 con cá bột được chọn ngẫu nhiên để tiến hành thuần hóa trong điều kiện nước nhiễm mặn 10‰ ở hệ thống bể tuần hoàn. Đồng thời, 550 con cá còn lại cũng được chuyển sang nuôi ở một hệ thống bể nước ngọt khác để làm “nhóm nước ngọt” đối chứng.

Trong quá trình nuôi kéo dài một năm, đàn cá tra ở bể nhiễm mặn được trải qua ba lần chọn lọc, trong đó các nhà khoa học sẽ giữ lại 50% những con cá lớn nhất trong đàn, song song với đó, lựa ra một nhóm ngẫu nhiên để làm đối chứng với đàn cá chọn lọc và đàn cá nước ngọt. Hết một năm, những con cá này tiếp tục được chuyển sang nuôi ở môi trường nước có độ mặn 5‰ cho đến khi trưởng thành để làm cá bố mẹ cho thế hệ tiếp theo (thế hệ G2). Nhằm đánh giá khả năng chịu mặn của những con cá sau chọn lọc, đàn cá G2 cũng được so sánh với cá tra nước ngọt khi cùng ương nuôi ở các độ mặn khác nhau (5, 10, 15 và 20‰).

Kết quả cho thấy, nhóm cá tra được chọn lọc và thuần hóa ở bể nhiễm mặn phát triển tốt hơn cá tra nước ngọt. Khi ở môi trường có độ mặn 5 và 10‰, cá tra chịu mặn cũng tăng trưởng tốt. Thêm vào đó, khi cùng được nuôi trong nước ngọt, nhóm cá tra chịu mặn có tỷ lệ sống và tăng trưởng bằng hoặc tốt hơn nhóm cá tra vốn được nuôi trong nước ngọt ngay từ ban đầu.

“Các kết quả từ nghiên cứu này đã chứng minh rằng việc nhân giống chọn lọc để tăng khả năng chịu mặn của cá tra có thể có hiệu quả ngay sau một thế hệ chọn lọc trong môi trường mặn”, nhóm nghiên cứu viết trong bài báo. Đàn cá được chọn lọc từ dự án cũng trở thành một nguồn gene có giá trị cho các nghiên cứu tiếp theo để hiểu rõ hơn về đặc điểm sinh lý và bộ gene, cũng như các cơ chế thích nghi với nước mặn của cá tra.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)