Nhân tài Trung Quốc rời bỏ Thung lũng Silicon để hồi hương lập nghiệp

Làn sóng kỹ sư Trung Quốc rời bỏ Thung lũng Silicon, bang California (Mỹ) để trở về đất nước làm việc đang gia tăng khi ngành công nghệ Trung Quốc ngày càng phát triển, thu hút được nguồn tiền đầu tư dồi dào và tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp.

Wang Yi từ bỏ công việc quản lý sản phẩm ở Google để về nước lập nghiệp. Ảnh: Bloomberg

Cách đây một vài năm, Wang Yi đang sống với giấc mơ Mỹ. Anh tốt nghiệp đại học danh tiếng Princeton, kiếm được một công việc với mức lương hậu hĩnh ở Google và mua được một căn hộ cao cấp ở Thung lũng Silicon.

Nhưng rồi đến một ngày vào năm 2011, anh tâm sự với vợ rằng anh muốn trở về Trung Quốc vì đã chán với công việc quản lý sản phẩm ở Google và khát khao lập một công ty riêng ở quê nhà.

Tuy nhiên, phải mất nhiều tuần, anh mới thuyết phục vợ từ bỏ cuộc sống ổn định ở California để về Thượng Hải, một thành phố đầy bụi mù.

Năm 2012, anh sáng lập Công ty Liulishuo sở hữu ứng dụng học tiếng Anh dựa vào công nghệ trí tuệ nhân tạo. Trong vòng gọi vốn mới nhất vào tháng 7-2017, Liulishuo huy động được 100 triệu đô la Mỹ. Điều này đưa Wang Yi lọt vào hàng ngũ những cựu kỹ sư công nghệ thành công sau khi trở về từ Thung lũng Silicon.

Trước đây, nhiều du học sinh Trung Quốc sau khi tốt nghiệp đại học ở nước ngoài khao khát một công việc danh giá ở các nước phát triển và nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng hiện nay, nhiều người trong số họ đang có xu hướng tìm các cơ hội nghề nghiệp ở quê nhà, nơi nguồn vốn đầu tư mạo hiểm đang ngày càng dồi dào và chính phủ đang dành nhiều hỗ trợ tài chính cho các hoạt động nghiên cứu các công nghệ tân tiến.

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ khoa học và toán ở Đại học bang Miami (Mỹ), Yang Shuishi, một người gốc ở thành phố Trùng Khánh, kiếm được một công việc kỹ sư phần mềm đáng mơ ước ở trụ sở của Microsoft ở Redmond, gần thành phố Seattle, bang Washington. Dù anh được ngồi vào các vị trí công việc cao hơn sau khi nhảy việc qua Google và Facebook nhưng cuộc sống ở Mỹ vẫn là một trải nghiệm đơn độc. Cuối cùng, anh đã trở về Trung Quốc và làm việc cho Công ty Kuaishou chuyên về ứng dụng chia sẻ hình ảnh thay vì ở lại.

“Ngày càng có nhiều nhân tài trở về vì Trung Quốc thực sự tạo được động lực trong lĩnh vực sáng tạo. Xu hướng này chỉ mới bắt đầu”, Ken Qi, một chuyên gia săn đầu người từ Công ty Spencer Stuart (Mỹ), cho biết .

Từ lâu, những người Trung Quốc học tập và làm việc nước ngoài rồi sau đó trở về nước lập nghiệp được gọi là “hải quy” (rùa biển).

Cuộc khảo sát do trang web tuyển dụng việc làm Zhaopin.com và Trung tâm toàn cầu hóa Trung Quốc thực hiện cho thấy 15,5% “hải quy” trong năm 2016 làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Con số này tăng so với con số 10% trong cuộc khảo sát vào năm 2015.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy số du học sinh Trung Quốc tốt nghiệp các trường đại học nước ngoài, chủ yếu là Mỹ, trở về Trung Quốc tăng vọt lên 432.500 người trong năm 2016, tăng hơn 22% so với năm 2013.

Đối với các kỹ sư Trung Quốc không muốn từ bỏ các điều kiện tiện nghi của cuộc sống Mỹ, các công ty Trung Quốc đang “câu” họ bằng các cách khác. Điển hình như Alibaba, Tencent, Didi Chuxing và Baidu là một trong số các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc đang xây dựng hoặc mở rộng các phòng thí nghiệm ở Thung lũng Silicon để tận dụng nguồn lực nhân tài ở đây, đặc biệt là các kỹ sư Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu chấp nhận trở về, cơ hội nghề nghiệp của các “hải quy” sẽ phong phú hơn. Trong lúc, các kỹ sư gốc Hoa hiện diện đông đảo ở Thung lũng Silicon nhưng rất ít người trong số họ leo lên đến các chức vụ lãnh đạo cao cấp.

Theo TBKTSG – Nguồn: Thegioihoinhap

Tác giả