Nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997: Trông người, nghĩ đến ta

Mười năm đã trôi qua, những hậu quả nặng nề do cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ vào năm 1997-1998 đem lại cho các nước Đông Á đã được giải quyết phần nào, nhưng những bài học rút ra dường như vẫn còn mới nguyên giá trị cho nhiều quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Hơn thế, đối với Việt Nam, nước tiến hành cải cách kinh tế sau và hiện đang phải trải qua những gì mà các nước Đông Á đã đi qua cách đây một vài thập kỷ, việc nhìn nhận đúng bản chất những gì đã xảy ra là một cách thức tốt để có thể tránh được những vết xe đổ.

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng và những vấn đề liên quan đến Việt Nam bạn đọc có thể tham khảo trong bài viết “Hệ thống tài chính Việt Nam: Những vấn đề tiềm ẩn nhìn từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Đông Á năm 1997-1998” trên Tạp chí Tia Sáng số 05/07/2005, ở đây tác giả chỉ xin đề cập thêm hai vấn đề mà nó đang nổi lên trong thời gian gần đây, đó chính là dòng vốn nước ngoài đổ vào và các khoản vay bằng ngoại tệ.

Dòng vốn nước ngoài, những điều cần chú ý
Cách đây hai năm những quan ngại về dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam quá lớn gây ra sự lo lắng hay những bất ổn cho nền kinh tế là điều chưa xảy ra, nhưng chỉ trong sáu tháng đầu năm 2007 này khi mà có một lượng vốn gián tiếp rất lớn chảy vào trong khi nền kinh tế chưa kịp chuẩn bị để hấp thu hết đã gây ra những rắc rối nhất thời như việc Ngân hàng Nhà nước phải tung ra một lượng lớn tiền VND để mua vào ngoại tệ tạo sức ép không nhỏ lên lạm phát gây bất lợi cho nền kinh tế.
Câu chuyện của dòng vốn gián tiếp không đơn thuần nằm ở vấn đề nêu trên mà nếu các dòng vốn chảy vào không được đưa vào nền kinh tế một cách kíp thời để tạo ra giá trị gia thực sự thì trong dài hạn sẽ gây tác động không tốt cho Việt Nam vì điều hiển nhiên là khi các nhà đầu tư bỏ tiền vào Việt Nam nói riêng, các nước đang phát triển nói chung sẽ suất sinh lợi yêu cầu tối thiểu cũng phải là 15% vì nếu đầu tư vào cổ phiếu ở các thị trường đã ổn định nếu tính bình quân theo chỉ số chứng khoán thì suất sinh lợi bình quân cũng trên 10% một năm.
Nếu tiền chỉ được bỏ vào các dự án bất động sản hay những nơi không tạo ra giá trị gia tăng thực sự thì về lâu về dài sẽ không có tiền để “trả nợ”. Nếu không đảm bảo được suất sinh lợi mong muốn thì khả năng dòng vốn sẽ chảy ngược là điều khó tránh khỏi. Đây chính là điều đã xảy ra ở nước láng giềng, nhất là Thái Lan vào năm 1997. Với những diễn biến gần đây, không loại trừ khả năng tương tự sẽ xảy ra đối với Việt Nam.

Các khoản vay bằng ngoại tệ, nguy cơ tiềm ẩn
Trong một thời gian dài, tỷ trọng huy động vốn bằng ngoại tệ của các ngân hàng Việt Nam luôn chiếm khoảng 30% tổng vốn huy động, nhưng nhu cầu vay của các doanh nghiệp không cao nên có sự thặng dư và phần này chủ yếu là đem gửi nước ngoài. Tuy nhiên, sau một thời gian dài quan sát thấy việc vay vốn bằng ngoại tệ có vẻ rẻ hơn vay bằng tiền đồng, nên nhu cầu vay theo hình thức này đã gia tăng với bằng chứng là hầu hết các ngân hàng phải đồng loạt tăng lãi suất huy động bằng đồng USD để thu hút tiền gửi trong khi FED vẫn giữ lãi suất ổn định trong mấy tháng qua.
Dưới góc độ doanh nghiệp, việc vay bằng đồng ngoại tệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hay doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ thì dường như không có vấn đề gì, nhưng nếu các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong nước không có nguồn thu bằng ngoại tệ thì rủi ro sẽ rất lớn.
Ở thời điểm hiện nay khi số dư nợ bằng ngoại tệ còn thấp, áp lực chưa cao cộng với việc tỷ giá ổn định, thậm chí là có xu hướng tăng làm cho hầu hết mọi người đều nghĩ rằng chẳng có điều gì xảy ra trong vòng 3 đến 6 tháng tới, thậm chí là một năm nên vay ngoại tệ sẽ có lợi hơn. Tuy nhiên, câu chuyện sẽ hoàn toàn khác nếu số vốn vay bằng ngoại tệ lớn đến một ngưỡng nào đó và khi đó một lượng lớn vốn vay bằng ngoại tệ đến hạn thì câu chuyện sẽ hoàn toàn khác. Cầu ngoại tệ lớn trong khi cung không đủ. Đây chính là câu chuyện đã xảy ra ở một số nước Đông Á.
Một nguy cơ nữa đang rình rập đối với Việt Nam là tuy dòng vốn gián tiếp đổ vào Việt Nam đang đợi để mua cổ phiếu, nhưng không loại trừ khả năng trong thời gian “chờ đợi” các quỹ đầu tư sẽ cho các doanh nghiệp Việt Nam vay theo nhiều hình thức khác nhau. Nếu điều này xảy ra thì về cơ bản dòng nợ này không khác lắm dòng nợ nước ngoài đã gây ra khủng hoảng ở Thái Lan.
Tóm lại, hai trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính ở Đông Á năm 1997 -1998 là do việc tự do hóa dòng vốn đi vào – đi ra quá nhanh và do đồng tiền ở các nước này được cố định tỷ giá (giữ ổn định) trong một thời gian quá dài làm cho các doanh nghiệp vay quá nhiều ngoại tệ đã gây ra rắc rối. Mặc dù hiện tại chưa có dấu hiệu gì đáng phải chú ý, nhưng đây là câu chuyện rất có thể xảy ra đối với Việt Nam. Nếu các cơ quan xây dựng và điều hành chính sách không lường đón trước những gì có thể xảy ra thì rất có thể, chỉ trong một thời gian ngắn các khoản nợ vay này sẽ gây rắc rối cho nền kinh tế Việt Nam. Khi đó, khó mà lường được hậu quả sẽ như thế nào vì giờ đây, cho dù các nước quanh ta đã hứng chịu hậu quả tồi tệ của cuộc khủng hoảng nhưng đã đi trước Việt Nam một chặng đường khá xa.

Huỳnh Thế Du

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)