Nhóm Nano.1 với chiếc xe năng lượng mặt trời

Năm 2011, Nhóm Nano.1 gồm 5 thành viên của Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM đã tham gia cuộc thi thiết kế “xe chạy bằng năng lượng mặt trời” do Sở khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức và đạt được giải nhất cuộc thi.

Không chỉ dừng lại ở mô hình dự thi, các thành viên trong nhóm Nano.1 đã tiếp tục nghiên cứu, và sau 6 tháng với bao mồ hôi, công sức, tiền bạc và thời gian, chiếc xe có trong lượng 200kg, được sử dụng tối đa nguồn năng lượng tự nhiên là nhiệt năng mặt trời để hoạt động và có thể chở được từ 6 đến 8 người trong các khu công nghệ, trường học, khu du lịch… đã được đưa vào sử dụng trong Khu Công nghiệp cao TPHCM.

Năng lượng để duy trì hoạt động của xe này là tấm pin sử dụng năng lượng mặt trời có kích thước 750mm – 1.200mm, công suất mỗi tấm khoảng 110W. Xe được thiết kế có kiểu dáng giống như các các mẫu xe điện thường được sử dụng trong những khu du lịch hay sân golf. Để có thể sử dụng tối đa nguồn năng lượng mặt trời, xe được lắp đặt  4 tấm pin thu năng lượng đặt trên mui, mỗi tấm có công suất 110W để chuyển hóa năng lượng mặt trời thành nguồn điện cung cấp cho xe.

Khung xe được tạo nên từ các ống thép kết hợp với các vật liệu nhôm giúp xe có trọng lượng khá nhẹ nhằm tiết giảm năng lượng điện tiêu hao. Các bộ phận khung xe đều do hai nhân vật chính của nhóm là Bùi Như Nỉ (sinh viên năm 3, khoa Cơ khí ô tô) và Cao Trọng Nghĩa (sinh viên năm 4, khoa Chế tạo máy) dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy Đoàn Tất Linh (giảng viên khoa Cơ khí – Chế tạo máy, trường ĐH Sư phạm Kỹ Thuật TPHCM) tự thiết kế, gia công, lắp ráp.


Bùi Như Nỉ đang lái chiếc xe chạy bằng năng lượng mặt trời.

Với mong muốn tạo ra sự khác biệt so với các mẫu xe điện khác, Như Nỉ và Trọng Nghĩa đã tìm đến các cửa hàng bán thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời ở trung tâm thành phố để tìm hiểu thành phần, công suất, nguyên lý hoạt động của pin để thiết kế khung xe. Bên cạnh đó, tận dụng lại các động cơ trên xe máy điện nhỏ và chỉnh sửa nhiều thứ để lắp đặt trên chiếc xe điện.

Điểm khác biệt của mẫu xe điện này chính là hệ thống thu hồi năng lượng khi hãm phanh được lắp đặt trên động cơ bánh sau, phương án này giúp thu hồi năng lượng khoảng 7% cho mỗi lần phanh. Hai động cơ điện được đặt ở phía sau và dẫn động hai bánh sau.

Xe còn có bộ ắc quy gồm 4 bình loại 70A-12V, được đặt bên dưới ghế ngồi cuối cùng để phòng trong trường hợp nguy cấp hết điện năng tự nhiên khi đang di chuyển khi trời không nắng hoặc mưa. Còn trong điều kiện trời nắng, xe có thể chạy liên tục cả ngày mà không cần sạc vì nguồn năng lượng được nạp vào liên tục trong quá trình di chuyển ngoài trời.

Để có được một chiếc xe được coi là tạm ổn như thế này, Trọng Nghĩa bộc bạch: “Bọn em đã phải sửa đi sửa lại rất nhiều. Bởi trong quá trình thiết kế trên bản vẽ cho đến khi thực hành lắp ráp có rất nhiều sự khác nhau và không phù hợp. Và khi đó, bọn em lại phải quay trở về cái bước có “vấn đề” ấy để đưa ra giải pháp phù hợp để xe có thể hoạt động được.”

Trọng Nghĩa và Như Nỉ cho biết, chi phí để nghiên cứu, chế tạo chiếc xe ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời này gần 100 triệu. Một phần được thầy hướng dẫn tài trợ, còn lại nhóm phải tự đi xin nguồn tài trợ và tự bỏ tiền túi để mua các thiết bị. Theo thầy Nguyễn Tất Linh, nếu có sẵn nguồn tài trợ thì việc hoàn thành chiếc xe này chỉ trong khoảng 2 tháng chứ không kéo dài đến 6 tháng.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)