Những điều đơn giản về co-working space

Co - working space là gì? Tại sao gần đây người ta lại nhắc nhiều đến nó?


Không gian làm việc chung Toong, Hà Nội

Nói một cách dễ hiểu thì co-working space là không gian làm việc chung dành cho các công ty khởi nghiệp. Điểm khác biệt giữa co-working space và các dịch vụ chia sẻ văn phòng (shared office) là môi trường và không khí làm việc xung quanh.

Phong trào khởi nghiệp dâng cao, cộng đồng bắt đầu học hỏi và tiếp thu những mô hình hay trên thế giới. “Shared office” năm nào giờ đây có thêm cái tên “mỹ miều” là “co-working space” dành cho các nhóm khởi nghiệp ở giai đoạn sơ khai chưa có chỗ ngồi cố định. Không những thế, tại co-working space, các cá nhân, nhóm khởi nghiệp còn có cơ hội học hỏi trao đổi lẫn nhau, là nơi thường được nhà đầu tư ghé mắt trước khi tìm kiếm các thương vụ đầu tư ở nơi khác. Về mặt bản chất hai mô hình thì giống nhau, nhưng cách vận hành khá khác nhau. Shared office thường tập trung vào các dịch vụ văn phòng, phù hợp trở thành văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài với số lượng rất ít nhân viên; co-working space là nơi tập trung cung cấp những dịch vụ dành cho các công ty khởi nghiệp.

Trước khi cụm từ “co-working space” thời thượng được nhắc đến rộng khắp như hiện tại thì mô hình chia sẻ văn phòng đã có mặt từ rất lâu. Một trong những doanh nghiệp tiêu biểu của mô hình này là G – Office. G – Office có văn phòng đầu tiên tại toà nhà IndoChina Park ở Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM và sau đó mở thêm chi nhánh tại toà nhà Saigon Trade – 37 Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP.HCM và toà nhà Rosana – 60 Nguyễn ĐÌnh Chiểu, Quận 1, TP.HCM. Với dịch vụ chia sẻ văn phòng, G – Office chỉ cung cấp những gói cơ bản ví dụ như đăng ký trụ sở công ty, cho thuê chỗ ngồi, cho thuê phòng họp, cho thuê dịch vụ văn thư/hành chính dùng chung, cung cấp các dịch vụ kế toán,… G – Office có mặt trên thị trường từ năm 2006 – một lão làng trong thị trường thực thụ.

Ở TP.HCM, co-working space đầu tiên mà theo tác giả bài này biết được là The Start Network. Sau đó, một (vài) trong những người sáng lập The Start Network bắt đầu làm Saigon Hub. Thật đáng tiếc khi Saigon Hub đóng cửa sau hơn một năm hoạt động, dù cho Saigon Hub vốn là nơi ưa thích của nhiều cộng đồng công nghệ tổ chức sự kiện ở đó.

Gần đây có nhiều co-working space mở  ra ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh như DreamPlex (TP.HCM) và Toong, Up (Hà Nội) với nguồn vốn đầu tư mạnh, những người sáng lập am hiểu cộng đồng cùng đội ngũ vận hành chuyên nghiệp, bài bản. Toong cũng là nơi chào đón CEO của Google ông Sundar Pichai trong chuyến viếng thăm gần đây khi đến Việt Nam. DreamPlex hiện đã có hơn 30 công ty khởi nghiệp tin tưởng chọn làm điểm dừng chân và CyberAgent Ventures Việt Nam cũng vừa chuyển đến đây cách đây không lâu.

Mô hình kinh doanh của co-working space

Nhiều người nghi ngại về mô hình kinh doanh của các co-working space hiện nay. Lý do thường được đề cập nhất là: chi phí thuê chỗ ngồi/văn phòng tại nước ngoài khá cao, thế nên họ có thêm sự lựa chọn là co-working space; thế nhưng tại Việt Nam, chi phí để uống cafe làm việc thì quá rẻ, liệu co-working space cạnh tranh lại bằng các chuỗi quán cafe không?

Co-working space kiếm được nguồn thu từ: tiền phí trả chỗ ngồi cố định hàng tháng, chi phí F&B (ăn uống, cafe,…), chi phí dịch vụ văn phòng (kế toán, thuế, in ấn,…), chi phí cho thuê phòng họp, chi phí cho thuê địa điểm làm sự kiện (kiếm được không ít đâu nha nếu mặt bằng đẹp & sức chứa tốt), chi phí kết nối và tư vấn,…

Ngoài ra, co-working space vẫn có thể tìm thêm được những nguồn tài trợ từ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp khác nhau. Hoặc như một số co-working space ở nước ngoài, họ còn được các quỹ đầu tư tài trợ nữa. Thế nhưng ở trong nước, những nguồn tài trợ này vẫn còn rất hạn chế, chủ yếu các co-working space phải “tự thân vận động” sống được đã.

Chiến lược giá:

Hiện nay giá cho thuê của các co-working space vẫn phân bổ trên số lượng cá nhân. Tuy nhiên, nếu là tôi, tôi sẽ phân bổ giá dựa trên nhóm. Nếu là cá nhân, chỉ là một – hai người, mình nghĩ mọi người vẫn ưu tiên lựa chọn chỗ ngồi là quán cafe cho lâu lâu đổi không khí. Nhưng khi bạn là nhóm khởi nghiệp ba – bốn người, bạn sẽ cần có nơi tập trung và mọi người có nhu cầu muốn thấy nhau để công việc được tiến triển trơn tru hơn. Thế nên, thay vì bán gói lẻ, tôi sẽ bán dạng trọn gói, ví dụ như bán gói bốn người ngồi toàn thời gian, nhưng khuyến mãi cho thêm một người được ngồi linh hoạt thời gian. Như vậy sẽ phù hợp hơn với các nhóm khởi nghiệp hiện tại.

Hợp tác kinh doanh dịch vụ B2B

Các co-working space là cộng đồng doanh nghiệp hoàn hảo nhất cho bất kỳ dịch vụ nào đang muốn tiếp cận khách hàng là doanh nghiệp. Co-working space hoàn toàn có thể đóng vai trò reseller (mua dịch vụ của công ty này để bán cho công ty khác) để tăng thêm nguồn thu.

Điều gì làm một co-working space khác biệt?

Suy cho cùng, khởi nghiệp cần gì từ một co – working space? Nếu như co-working space chỉ hoạt động như shared office rồi thôi, các bạn khởi nghiệp chắc là đâu đó, vẫn sẽ chuộng sự tự do tại các quán cafe hơn. Theo tôi, một co-working space cần có những điều sau để thu hút khởi nghiệp đến với mình:

Văn hoá và môi trường làm việc xung quanh

Điều này quan trọng nhất. co-working space không tạo được cho mình một điểm nhấn thì rất khó có được lượng khách hàng như mong muốn. Điểm nhất ở đây thấy rõ nhất là văn hoá và môi trường làm việc xung quanh. Ngoài việc cung cấp các dịch vụ văn phòng hàng ngày, co-working space nên có những ưu đãi đặc quyền riêng cho thành viên: vé miễn phí tham gia các sự kiện tổ chức tại co-working space đó chẳng hạn. Đằng nào các co-working space cũng đã tài trợ địa điểm cho các sự kiện ấy rồi, thì quy đổi một lượng vé nhất định cho thành viên mình cũng tốt.

Tại co-working space mang tên Hubba ở Bangkok (Thái Lan), tôi rất ấn tượng việc mỗi ngày các bạn ấy đều có những hoạt động khác nhau nhằm gắn kết các nhóm startups ngồi tại đó. Ví dụ như các bạn ấy có thể tổ chức buổi ăn cơm trưa đơn giản, mọi người ngồi cùng nhau, giới thiệu tên tuổi rồi cùng bàn luận vấn đề chung nào đó. Chủ đề mình từng được tham gia tại Hubba là: “Nếu bạn có thể quay lại thời gian học đại học, bạn có thay đổi ngành học của mình không? Tại sao?”

Mạng Internet ổn định và nhanh vèo vèo

Cái này thấy dễ mà không dễ nè. Nghe bảo là hồi đó một trong những bài học từ Saigon Hub là chưa đầu tư bài bản hạ tầng mạng Internet lắm nên mọi người truy cập cũng không ổn định mấy. Startups hầu hết trong ngành công nghệ mà nếu mạng mẽo tại co-working space chán quá, chắc chắn startups sẽ nói lời chia tay nhanh chóng với địa điểm đó.

Có nhiều nhà đầu tư thường lượn qua tham quan, hoặc nếu lý tưởng nhất, có thể có vài văn phòng đại diện quỹ đầu tư đặt tại co-working space

Điều này quá sức rõ ràng luôn: cứ đặt mấy đống tiền ở đó thì dĩ nhiên startups chẳng thể nào cưỡng nổi mà không quá bộ qua đâu. Chẳng hạn như DreamPlex

Co-working space ngay trong chính trường học?

Theo mình biết, Đại học Bách Khoa TP.HCM đang có Vườn ươm công nghệ và cũng có hỗ trợ văn phòng cho một số công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên, nếu Vườn ươm công nghệ đó có thể mở rộng thành co-working space thì quá đã cho các nhóm khởi nghiệp bên ngoài.

Co-working space trong trường học lúc nào cũng có nhiều lợi thế hơn so với bên ngoài: chi phí thuê mặt bằng để vận hành co-working space được ưu đãi, tiếp cận nguồn lực sinh viên dễ dàng hơn so với doanh nghiệp ở ngoài, tiếp cận nguồn thông tin chính thống và kho tàng tài liệu nghiên cứu đồ sộ,…

 

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)