Những ràng buộc đối với tăng trưởng

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014, do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc ĐH Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện, tập trung phân tích những ràng buộc đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn, dựa trên phương pháp chẩn đoán tăng trưởng.

Sáng 29/05/2014 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp cùng Đại sứ quán Australia tại Hà Nội đã tổ chức hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014. Báo cáo nhận định tình hình tăng trưởng kinh tế năm qua đã có dấu hiệu phục hồi, tuy vậy gốc rễ của những chuyển biến tích cực đó chưa thực sự vững chắc.

Theo TS Nguyễn Đức Thành – Giám đốc VEPR – kết quả báo cáo đã đưa ra những thông số tích cực, thể hiện một trạng thái ổn định ở cấp vĩ mô và sự phục hồi nhẹ trong kinh tế Việt Nam trong năm qua: tăng trưởng GDP đạt 5,42%, nhích nhẹ so với 2012; lạm phát tiếp tục giảm xuống còn 6,04%, mức thấp nhất trong 13 năm qua.

Tuy vậy, báo cáo cũng chỉ ra rằng năng lực sản xuất căn bản của nền kinh tế vẫn chưa thực sự vững chắc: khối doanh nghiệp trong nước tỏ ra yếu đuối và tụt hậu, tăng trưởng chủ yếu dựa vào các nhân tố theo chiều rộng, chất lượng tăng trưởng thấp thể hiện ở việc hiệu quả sử dụng các nguồn lực thấp, cấu trúc tăng trưởng bất hợp lý, năng lực cạnh tranh quốc gia thấp.

Với tiêu đề “Những ràng buộc đối với tăng trưởng”, báo cáo năm nay tập trung phân tích, nghiên cứu sâu về những ràng buộc đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn, dựa trên phương pháp chẩn đoán tăng trưởng.

Cụ thể ba ràng buộc chính được phân tích sâu là: khía cạnh tài chính, được tiếp cận thông qua việc đánh giá hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam bằng bộ chỉ số lành mạnh tài chính (FSIs); những thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế sắp tới; ràng buộc về mặt năng lượng thông qua sự lựa chọn chính sách năng lượng của Việt Nam.

Hội đồng phản biện, bao gồm TS Vũ Viết Ngoạn- Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, TS Lê Đăng Doanh- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (CIEM), và TS Võ Trí Thành- Phó Viện trưởng CIEM, đã đánh giá cao tính khái quát, khoa học, bài bản và công phu của báo cáo.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia đánh giá phần dự báo viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2014 và những khuyến nghị chính sách vẫn còn chung chung, chưa nêu bật được những giải pháp cụ thể trọng yếu để kinh tế Việt Nam vượt qua được những trở ngại hiện tại. Thêm vào đó, báo cáo cũng cần cập nhật thêm những tác động mạnh mẽ của mối quan hệ Việt Nam- Trung Quốc sau những diễn biến căng thằng ở biển Đông gần đây.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam, được VEPR xây dựng lần đầu tiên năm 2009, nhằm tổng kết các vấn đề kinh tế lớn trong năm, đồng thời thảo luận về viễn cảnh kinh tế năm tới và khuyến nghị chính sách phù hợp.

Tác giả