Những rào cản cố hữu

Trong quá trình xây dựng thương hiệu quốc gia mang tầm cỡ toàn cầu, chúng ta cần nhận diện để có cách thức vượt qua các rào cản cố hữu:

1. Tâm lý sính ngoại và văn hóa âm tính của thị trường tiêu dùng nội địa

Doanh nghiệp và thương hiệu Việt không thể thành công và thành công bền vững ngay tại thị trường nội địa nếu thiếu đi sự ủng hộ có ý thức cao của cộng đồng, thiếu đi nhận thức rằng chính các doanh nghiệp và thương hiệu nội địa tốt sẽ tạo nên tự chủ và sức mạnh cho quốc gia. Cần phải có các giải pháp tổng thể của Nhà nước và xã hội về giáo dục, đào tạo, truyền thông, giải trí, tuyên truyền để tạo nên một văn hóa tiêu dùng thông minh, lành mạnh và có chiến lược của cộng đồng.

2. Sự bất lợi của thương hiệu khi có xuất xứ từ một quốc gia đang phát triển

Đây là một hạn chế cần hóa giải, vì rõ ràng là một thương hiệu có xuất xứ từ Việt Nam sẽ có bất lợi lớn hơn rất nhiều so với một thương hiệu đến một quốc gia phát triển có tính biểu tượng cao như Mỹ, Nhật, EU. Khai thác tối đa lợi thế tại các thị trường đồng cấp hoặc kém phát triển hơn Việt Nam.

Một số hướng giải pháp có thể áp dụng là: Tạo ảnh hưởng lên các trọng điểm phát ngôn của thế giới, thiên về sử dụng chỉ dẫn điểm tiêu dùng hơn là chỉ dẫn xuất xứ (ví dụ Hiệu ứng NLP (New York, London, Paris- các thành phố biểu tượng); mượn xuất xứ từ các trung tâm kinh doanh toàn cầu (các mô hình off-shore); tạo ra các định vị ngành, định vị thương hiệu xuất xứ…

3. Hạ tầng hỗ trợ xã hội còn yếu kém

Xét một cách khách quan, nền tảng của Việt Nam chưa hoàn toàn sẵn sàng cho cuộc chơi toàn cầu về nguồn nhân lực, vốn, công nghệ… Nhưng cùng lúc, thế giới phẳng hóa cho phép chúng ta tiếp cận được những nguồn lực hàng đầu thế giới, điều mà trước đây là vô cùng khó khăn. Giải pháp là các doanh nghiệp phải chủ động dựa trên hậu phương nội địa, sử dụng nguồn lực một cách khôn ngoan để “mua” và hấp thụ: vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, mạng lưới… hàng đầu thế giới phục vụ cho mục tiêu Việt Nam.

4. Cảnh giác với “bẫy phát triển”

Sự cạnh tranh của các đối thủ cạnh tranh có kinh nghiệm và tiềm lực hơn hẳn. Bản chất thị trường Việt Nam đã đang ngày càng trở thành một thị trường có tính chất toàn cầu, với sự tham gia của các tay chơi số 1 thế giới. Họ không những hơn hẳn về kinh nghiệm quản trị, cung cận, vận hành… và tiềm lực tài chính… để áp đảo doanh nghiệp trong nước, thậm chí các chiêu thức và thủ thuật cũng hết sức tinh vi.

Đồng thời cũng không loại trừ ngay chính các doanh nghiệp trong nước không ý thức được sự đoàn kết và lợi ích chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt mà áp dụng các chiêu thức và thủ thuật cạnh tranh không lành mạnh với chính các doanh nghiệp đồng bào của mình. Doanh nghiệp Việt phải hết sức cảnh giác với cái bẫy phát triển, chiêu thức của sát thủ kinh tế, chống lôi kéo nhân sự chủ chốt, giữ tự chủ chống bị thâu tóm và sáp nhập…

Hạn chế trong năng lực và nghệ thuật quản lý kinh doanh, đặc biệt khâu xây dựng thương hiệu. Việt Nam là một nước đi sau trong tiến trình hội nhập và cạnh tranh toàn cầu hóa, xa hơn nữa, trong lịch sử văn hóa Việt Nam không phải là một nền văn hóa cổ vũ và có truyền thống về thương mại và kinh doanh. Do đó, chúng ta rất hạn chế trong năng lực và nghệ thuật quản trị kinh doanh.

Mặt khác, với vị thế đi sau như vậy, nếu chúng ta chỉ học hỏi phương pháp và nghệ thuật quản lý kinh doanh từ bên ngoài thì chúng ta không thể nào vượt lên được, sẽ luôn là đi sau. Vì thương trường là chiến trường, nên giải pháp là vừa phải nhanh chóng học hỏi cốt lõi và bản chất của nghệ thuật quản lý kinh doanh đương đại, kết hợp với nghệ thuật chiến thắng ưu việt nhất của văn hóa và lịch sử Việt Nam – nghệ thuật chiến tranh nhân dân phải được áp dụng và biến thành một nghệ thuật kinh doanh mang đặc trưng và tạo ra sức mạnh cho doanh nghiệp, thương hiệu Việt.

Tác giả