Những vướng mắc của điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất đang dần phải đáp ứng yêu cầu sử dụng nguồn năng lượng sạch, nhiều chuyên gia cho rằng điện mặt trời mái nhà tự dùng là một giải pháp nên được thúc đẩy nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Không còn chỉ là nhu cầu
Sản xuất xanh là cụm từ được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây như một xu hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong giai đoạn hội nhập hiện nay, đây không còn chỉ đơn thuần là một lựa chọn nữa mà đang dần trở thành một tiêu chí bắt buộc, nếu như doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam không muốn đứng ngoài cuộc chơi toàn cầu.
Chẳng hạn theo ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may của nước ta – một trong những ngành có sản lượng xuất khẩu lớn – đang phải đối mặt với 5 thách thức, trong đó thách thức đầu tiên đến từ việc các nhãn hàng trên thế giới bắt đầu đặt ra áp lực phải tăng trưởng xanh đi đôi với bảo vệ môi trường. “Các thị trường chiến lược lớn của ngành dệt may Việt Nam như châu Âu đang đưa ra những tiêu chuẩn về phát triển bền vững, nguồn nước, tỷ lệ sản phẩm tái chế và năng lượng tái tạo. Trong 10 năm tới, nếu Việt Nam không đáp ứng được thì chắc chắn sẽ bị giảm dần thị trường ở khu vực này”, ông Giang chia sẻ tại tọa đàm “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Nhu cầu, lợi ích và giải pháp phát triển” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào cuối tháng sáu.
Không chỉ vậy, năm 2020, một bộ chính sách có tên Thỏa thuận Xanh đã được phê duyệt tại Liên minh châu Âu – khu vực đối tác thương mại lớn của Việt Nam, bao gồm các biện pháp và nỗ lực mới như cung cấp năng lượng sạch, giá cả phải chăng và an toàn,… nhằm chuyển đổi nền kinh tế theo hướng bền vững. Trong một loạt các biện pháp bao trùm nhiều lĩnh vực, hai trong những điểm nổi bật của chính sách mới này là việc sửa đổi Chỉ thị Đánh thuế Năng lượng, theo đó chuyển ưu đãi thuế khỏi nhiên liệu hóa thạch và hướng tới công nghệ sạch; và thứ hai là có Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon mới khi nhập khẩu một số sản phẩm để ngăn chặn “thất thoát carbon”.
Để đáp ứng được những yêu cầu tăng trưởng xanh trong bối cảnh như vậy, doanh nghiệp cần đạt được một trong những tiêu chí quan trọng là chứng minh mình sử dụng năng lượng sạch – năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Theo báo cáo của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), khác với thập kỷ vừa qua, dòng tiền của thập kỷ tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cung ứng điện sạch tới các nhà máy sản xuất và khu công nghiệp. Báo cáo này ước tính, các tập đoàn đa quốc gia đóng góp khoảng 150 tỷ USD vào doanh thu xuất khẩu hằng năm của Việt Nam hiện đã đưa ra các cam kết cụ thể về trung hòa carbon hoặc giảm phát thải carbon ở các phạm vi và lộ trình khác nhau. Do vậy, Việt Nam cần có biện pháp phù hợp với hành trình hướng tới phát triển bền vững của các thương hiệu toàn cầu này.
Và một minh chứng rõ ràng cho nhu cầu điện sạch cấp bách của ngành sản xuất chính là sự phát triển gấp rút của điện mặt trời áp mái ở khu công nghiệp (tính đến hết ngày 31/12/2020, Việt Nam có hơn 100,000 công trình). Theo chuyên gia năng lượng Phan Công Tiến, đây là nguồn điện có nhiều ưu điểm như có tính phân tán và có thể xây dựng khá dễ dàng trên nóc các tòa nhà, công xưởng. Khi tự sử dụng, hệ thống điện mặt trời áp mái này cũng không đẩy công suất lên lưới, không làm ảnh hưởng đến đường truyền tải. “Điện mặt trời áp mái đang có rất nhiều tiềm năng khai thác và chúng tôi rất muốn khuyến khích tất cả các hộ gia đình, các cơ sở công nghiệp,… dùng điện mái nhà để sử dụng tại chỗ, giảm áp lực sử dụng điện từ lưới quốc gia”, bà Nguyễn Phương Mai, Phó Chánh Văn phòng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) chia sẻ tại một hội thảo hồi tháng tư.
Cần quy định rõ ràng
Dù điện mặt trời mái nhà sử dụng tại chỗ là một giải pháp đem lại lợi ích cho doanh nghiệp sản xuất, tuy nhiên, quá trình xây dựng các dự án này lại gặp rất nhiều vướng mắc, theo ông Đào Du Dương, Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam tại TP. HCM.
Trong đó, vướng mắc đầu tiên đến từ việc chưa có các quy định rõ ràng về điều kiện lắp đặt các công trình điện mặt trời mái nhà. “Hiện nay việc thẩm định kết cấu các mái nhà để có thể lắp đặt điện mặt trời đang được làm một cách rất tự phát”, ông Dương cho biết, “điều này dẫn đến chi phí thẩm định rất lớn, có khi riêng việc này đã tốn 300-500 triệu rồi”. Bên cạnh đó, quy định về trách nhiệm khi xảy ra sự cố cũng chưa rõ ràng, trong khi đây là một yếu tố rất quan trọng khi lắp đặt điện mặt trời áp mái. Không chỉ vậy, các quy định về giấy phép xây dựng cũng thiếu tính nhất quán và quy định chi tiết mang tính xuyên suốt. “Hiện nay một nơi làm một kiểu, mỗi địa phương áp dụng quy định theo một cách khác nhau, từ đó vô tình làm khó cho doanh nghiệp”, ông Dương nói thêm.
Và một vấn đề quan trọng nữa là tiêu chí lắp đặt và chất lượng công trình. “Thời gian vừa qua do có thời hạn giá FIT (feed-in tariff – tạm dịch là giá bán điện cố định) nên việc lắp đặt điện mặt trời diễn ra ồ ạt. Một số doanh nghiệp không cần biết có đủ điều kiện hay không cũng lên lắp đặt pin, thậm chí một ông thợ hồ hay đơn vị lắp máy nóng lạnh cũng lắp điện mặt trời được”, ông Dương chỉ ra vấn đề. Và khi mà ai cũng có thể làm được thì chứng tỏ các tiêu chuẩn được ban hành chưa ra đủ nhanh để đòi hỏi và để buộc các dự án phải tuân thủ chặt chẽ các điều kiện kĩ thuật, như chia sẻ của chị Vũ Chi Mai, Trưởng Hợp phần năng lượng tái tạo, dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng thuộc Chương trình Hỗ trợ Phát triển Năng lượng của Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) với Tia Sáng vào năm 2021. “Bản thân các nhà đầu tư tư nhân cũng không có đủ thông tin về các nhà cung cấp thiết bị, lắp đặt nào là tốt nhất. Mà với một dự án điện mặt trời có tuổi thọ khoảng 20 năm, những chuệch choạc về mặt kĩ thuật có sẽ dần ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn không chỉ của dự án mà còn của cả hệ thống lưới điện trong dài hạn”, chị nói. Bởi vậy, cần phải có quy định về tiêu chuẩn cụ thể đối với từng đơn vị, đơn vị nào đủ điều kiện thì mới lắp đặt, ông Dương nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Dương, cần phải có định nghĩa về điện “tự dùng”. “Hiện nay điện tự dùng được hiểu là: ‘ông’ đầu tư nhà máy, sản xuất và bán điện cho chính mình, không đưa lên lưới thì gọi là tự dùng. Nhưng bây giờ nếu tôi đi thuê mái của người khác và lắp lên thì cũng không được ‘tự dùng’ dù bản chất vẫn là điện đó bán cho nhà máy đó và không đưa lên lưới”, ông nói.
Những vướng mắc này không chỉ là tâm tư của doanh nghiệp Việt Nam mà còn của cả doanh nghiệp nước ngoài. Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng Xanh (EuroCham) từng chia sẻ rằng, họ rất mong muốn lĩnh vực điện mặt trời áp mái có sự rõ ràng hơn về mặt pháp lý và không còn là “vùng xám” nữa. “Rất nhiều doanh nghiệp của chúng tôi cần có năng lượng sạch để có thể hoạt động. Nếu chúng ta có quy định pháp lý trắng đen rõ ràng về điện mặt trời áp mái thì sẽ không chỉ có lợi cho ngành năng lượng của chúng ta mà còn có thể đem lại lợi ích cho mối quan hệ thương mại năng lượng với các quốc gia lân cận”, ông nói.
Đề xuất một số giải pháp, ông Phan Công Tiến cho rằng, do hệ thống điện mặt trời mái nhà tự dùng là giải pháp zero export – không đẩy lên lưới, độ dao động không ảnh hưởng lớn đến lưới điện, do đó có thể không cần thỏa thuận đấu nối nữa, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ Công thương cần ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật cho bộ biến tần (Inverter) để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến lưới điện.
Phạm Hài
(Visited 1 times, 1 visits today)