Nobel Kinh tế cho nghiên cứu biện pháp chế ngự các công ty độc quyền
Jean Tirole, nhà kinh tế học chỉ biết vùi đầu vào công việc, không hề quan tâm tới danh vị, người từng nói “sự tiếp xúc quá gần gũi với chính trường sẽ làm chúng ta đánh mất cái thước đo khoa học đang sử dụng”, đã giành giải Nobel Kinh tế năm nay, đúng như lời tiên đoán cách đây bảy năm.
Giáo sư Staffan Normark, Thư ký thường trực Viện này, nhận xét: Jean Tirole đã có nhiều cống hiến quan trọng về nghiên cứu lý thuyết trong một số lĩnh vực, nhất là đã làm rõ cách hiểu biết và cách điều chỉnh các ngành bị thống trị bởi một số ít các công ty mạnh. Nói cách khác, ông đã phát minh ra “khoa học chế ngự thuần phục các công ty độc quyền”. Nhờ áp dụng lý thuyết của Tirole, Chính phủ có thể khích lệ các công ty độc quyền nâng cao năng suất đồng thời ngăn cản họ gây ra thiệt hại cho sự cạnh tranh và cho người tiêu dùng.
GS Tore Ellingsen, Chủ tịch Ủy ban Giải Nobel Kinh tế học, giải thích thành tựu nghiên cứu của Tirole như sau: có nhiều ngành bị thao túng bởi một số ít công ty hoặc một tập đoàn độc quyền. Trong tình trạng không được giám sát, quản lý, các thị trường thường nảy sinh những kết quả khiến người dân không mong muốn, như giá sản phẩm cao, năng suất thấp nhưng lại ngăn cản các công ty mới nhảy vào kinh doanh lĩnh vực đó. Từ giữa thập niên 80, Tirole đã bắt đầu nghiên cứu các bài học của những thị trường thất bại do bị một số ít công ty lớn thao túng. Các phân tích của ông đã giúp chính phủ có biện pháp xử lý vấn đề mua bán sáp nhập công ty và đối phó với nạn độc quyền.
Hãng thông tấn AFP cho biết: không phải ngẫu nhiên mà Jean Tirole giành giải Nobel kinh tế. Tuy rằng khi nhận tin được trao giải ông có nói “vô cùng ngạc nhiên và rất vui mừng”, nhưng bản tuyên bố của Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển nói rõ: Jean Tirole “là một trong những nhà kinh tế học có ảnh hưởng lớn nhất hiện nay”. Cho tới nay ông đã công bố khoảng 200 bài báo và xuất bản 10 cuốn sách viết về kinh tế, tài chính. Báo Le Monde (Pháp) tháng 9/2007 từng đăng một chuyên đề giới thiệu về nhà kinh tế học khiêm tốn này và cho rằng Tirole nhất định sẽ có ngày được tặng giải Nobel kinh tế.
Báo Le Figaro viết: Jean Tirole là một nhà nghiên cứu chỉ biết vùi đầu vào công việc, không hề quan tâm tới danh vị, ông luôn lo ngại cách đưa tin câu khách của giới nhà báo có thể làm người ta hiểu một cách đơn giản về các lý thuyết kinh tế học. Khác với những nhà kinh tế tham gia làm chính trị, Tirole từng nói “sự tiếp xúc quá gần gũi với chính trường sẽ làm chúng ta đánh mất cái thước đo khoa học đang sử dụng”.
Một bài trên báo Le Monde năm 2007 có nêu ra nghi vấn: Trên thực tế, một loạt chủ trương của Tirole thường được các nhà chính trị đề cập tới, như vấn đề thuế sa thải người lao động (firing taxes), hợp nhất hợp đồng làm việc ngắn ngày với hợp đồng làm việc dài ngày. Tirole trả lời: thông thường giới chính trị hay thực thi một cách không tự giác các chủ trương của những chủ nhân giải Nobel kinh tế đã qua đời – ở đây ông muốn ám chỉ John M. Keynes. Báo Le Monde còn nhấn mạnh: Tirole có cha là bác sĩ y khoa, mẹ là nhà giáo dạy văn, lẽ ra lớn lên trong hoàn cảnh gia đình như vậy, Tirole sẽ không hào hứng với môn kinh tế học. Nhưng khi học tập tại trường Đại học Bách khoa danh tiếng nhất nước Pháp, ông bỗng dưng rất thích sử dụng toán học để giải quyết các vấn đề phức tạp, từ đó ông chuyển sang học ngành kinh tế với ý định “muốn làm cho thế giới tốt đẹp hơn”.
Nhiều năm nay, giải Nobel kinh tế hầu như bị người Mỹ chiếm lĩnh. Maurice Allais là người Pháp gần đây nhất được trao giải năm 1988 do cống hiến về lý thuyết thị trường và sử dụng hữu hiệu các nguồn tài nguyên. Năm 1983 Gerard Debreau có hai quốc tịch Pháp-Mỹ cũng được trao giải này. Như vậy Jean Tirole là người Pháp thứ ba nhận giải Nobel Kinh tế.
Hôm 13/10, Phủ Tổng thống Pháp gửi lời chúc mừng Tirole trên tài khoản Twitter, ca ngợi ông lại là “một người Pháp nữa lên tới đỉnh vinh quang” tiếp sau Patrick Modiano giành giải Nobel Văn học năm nay.
Jean Marcel Tirole sinh năm 1953 tại thị trấn nhỏ Troyes (Pháp), năm 1976 tốt nghiệp Đại học Bách khoa (École Polytechnique, ở Paris), năm 1981 nhận học vị Tiến sĩ tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ). Năm 1991 tham gia sáng lập Học viện Công nghiệp Kinh tế Toulouse thuộc Trường Kinh tế Toulouse, Đại học Toulouse 1 Capitole (Pháp), và hiện là Giám đốc Khoa học của Học viện này. Năm 2007 Tirole từng được Ủy ban Nghiên cứu khoa học nhà nước Pháp tặng giải vàng.
Nguyễn Hải Hoành tổng hợp