Nơi nào hay, phải đến để học!
TS Lê Hoài Quốc, trưởng ban quản lý khu Công nghệ cao TP.HCM (viết tắt là SHTP) đã nói như vậy, trước khi chia sẻ thông tin cấp phép ba dự án đầu tư đầu tiên trong năm 2018.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ (từ ngày 8 – 18/12/2017), lãnh đạo SHTP đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho ba doanh nghiệp Hoa Kỳ: Quantus Inc., AiPac và Greenvity. Theo TS Lê Hoài Quốc, cả ba doanh nghiệp Hoa Kỳ trên đang hoạt động tại Silicon Valley. Lễ trao giấy phép được tổ chức tại văn phòng của tập đoàn Allied Telesis (Santa Clara, California, Hoa Kỳ). Trong đó, Quantus với dự án “Viện nghiên cứu và phát triển về khoa học sự sống và bệnh viện công nghệ cao” có vốn đầu tư ban đầu là 250 triệu USD, hai dự án AiPac và Greenvity có tổng vốn đầu tư hơn 50 triệu USD.
“Nhưng mục đích của chuyến đi của đoàn lãnh đạo cấp cao và doanh nghiệp TP.HCM có nhiều việc quan trọng hơn”, TS Quốc nói.
– Ông có thể chia sẻ thông tin về “những việc quan trọng hơn” trong chuyến đến Hoa Kỳ vừa qua?
– Mục đích chính của chuyến đi sang Hoa Kỳ của đoàn TP.HCM là muốn tìm kiếm mô hình thúc đẩy hoạt động phát triển khởi nghiệp sáng tạo dựa trên công nghệ cao. Mục đích của mô hình này là làm sao kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước đã có sản phẩm có tiềm năng thương mại hoá với thị trường quốc tế thông qua môi trường, điều kiện của hệ sinh thái hoàn chỉnh tại Silicon Valley, bang California hoặc tại Boston, bang Massachusetts, nhằm tiếp thị để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm cho phù hợp với thị trường quốc tế, cũng như tìm nguồn vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế. Ngược lại, đối với doanh nghiệp khởi nghiệp của người Việt Nam đang hoạt động tại Hoa Kỳ, có thể kết nối với thị trường trong nước, nhằm tìm kiếm các điều kiện để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm với chi phí thấp hơn khi thực hiện tại Hoa Kỳ. Cụ thể như thế này: sau khi đã tìm kiếm và kết nối các dự án khởi nghiệp tại Silicon Valley, sẽ chuyển sản phẩm về Việt Nam để gia công, hoàn thiện sản phẩm theo đúng yêu cầu của họ. Sau khi sản phẩm đã hoàn thiện, sẽ xuất các sản phẩm trở lại cho họ, phần việc còn lại là thương mại sản phẩm.
– Theo ông, liệu mô hình phía đoàn TP.HCM xác định có thực hiện được tại Mỹ?
– Trước hết, cộng đồng người Việt Nam, đặc biệt là các dự án khởi nghiệp muốn về đầu tư tại Việt Nam. Nhiều bạn trẻ, sau khi học xong các trường đại học lớn tại Hoa Kỳ, dù làm việc tại nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Google, Apple… vẫn muốn làm điều gì đó cho riêng mình. Qua tìm hiểu, nhiều người thành đạt nhờ liên tục có những ý tưởng mới trong công nghệ. Họ có thể bán ý tưởng hoặc sản phẩm mẫu sau khi được cấp patent, hoặc thành lập doanh nghiệp để sản xuất, rồi sau đó bán lại doanh nghiệp để bắt đầu lại từ đầu với những ý tưởng sản phẩm mới. Chu kỳ khởi nghiệp dựa trên sáng tạo đó lại lặp lại…
Việc lãnh đạo TP.HCM muốn kết nối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao tại Silicon Valley còn nhiều yếu tố khác. Tại đây đã hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp: ý tưởng mới, công nghệ mới, có nhiều nhà đầu tư thiên thần sẵn sàng hỗ trợ tài chính, kể cả hỗ trợ về công nghệ để biến ý tưởng thành sản phẩm cụ thể… Thêm một yếu tố quan trọng tại Silicon Valley là môi trường đầu tư đã phát triển: chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, ưu đãi vay vốn ngân hàng, đào tạo nguồn nhân lực… Môi trường pháp lý, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Silicon Valley rất nghiêm khắc và sòng phẳng.
Nếu muốn học hỏi về khởi nghiệp công nghệ cao, không thể bỏ qua vùng đất này. Gremsy, một doanh nghiệp trưởng thành tại Vườn ươm SHTP, đã sang Hoa Kỳ để tìm cơ hội bán hàng và tiếp tục nâng cấp về trình độ công nghệ cho sản phẩm. Hiện, Gremsy đã tìm được nguồn vốn để tiếp tục thực hiện mục tiêu. Ngược lại, doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài về ươm tạo và hoàn thiện công nghệ tại Vườn ươm của SHTP, như Emotiv tận dụng chi phí gia công, chế tạo… trong nước để sản phẩm tạo ra có giá thành rẻ hơn.
TS Lê Hoài Quốc, trưởng ban quản lý SHTP.
– Lãnh đạo TP.HCM đã bắt đầu làm gì để thực hiện mục tiêu trên, thưa ông?
– Dự kiến, TP.HCM sẽ có một trung tâm đại diện tại Silicon Valley. Có thể trong năm 2018, trung tâm này sẽ hoạt động theo định hướng là “không gian cùng làm việc, cùng chia sẻ” với các nhà khởi nghiệp, đặc biệt là giới khởi nghiệp trẻ.
Riêng SHTP được giao nhiệm vụ xây dựng đầu mối tương tác khởi nghiệp tại Silicon Valley. UBND TP.HCM sẽ thành lập ban chỉ đạo với hai cơ quan giúp việc là SHTP và sở Khoa học và công nghệ. Ngoài ra, những tổ chức như viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM, đại học Quốc gia TP.HCM, hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) tham gia những nhiệm vụ: đào tạo nhân lực, xây dựng mô hình chính sách công, tổ chức khởi nghiệp cho cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức đầu mối kết nối cho doanh nghiệp Việt ở nước ngoài về làm việc tại TP.HCM…
– Ông đã sang Mỹ nhiều lần để mời gọi, xúc tiến đầu tư cho SHTP. Vậy chuyến đi lần này có gì mới hơn không?
– Ngoài những phần việc riêng cho SHTP như trao giấy phép cho ba nhà đầu tư, thời gian còn lại của tôi và nhiều thành viên là đi thăm và làm việc với nhiều doanh nghiệp, tổ chức của Hoa Kỳ tại California, Massachusetts và Washington DC. Tôi đã được đến thăm nhiều doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp công nghệ cao như Intel, Marvell, Allied Telesis, ĐH Stanford, trường chính sách công Kennedy – đại học Harvard, viện Brookings, viện McCain (ĐH Arizona), các công ty khởi nghiệp thành công như Just (một doanh nghiệp làm thực phẩm công nghệ cao, dùng một loại đậu xanh và công nghệ gien để “chế biến” thành trứng gà, thịt bò…), công ty 8 SV (một doanh nghiệp Hoa Kỳ chuyên viết phần mềm chuyên dụng cho các tập đoàn lớn, mới thành lập nhưng giá trị doanh nghiệp đã hơn 4 tỷ đôla)… Qua các chuyến đi, không chỉ quan sát về công nghệ mà còn trao đổi và kêu gọi họ đầu tư vào Việt Nam, vào SHTP.
Trong chuyến đi này, đoàn TP.HCM còn làm việc với viện Brookings và viện McCain để học tập mô hình quản lý công và phương thức xây dựng các mô hình dự báo phát triển kinh tế – xã hội; làm việc với MIT để học tập mô hình đào tạo khởi nghiệp, vì tại đây có trường thành viên là Sloan School chuyên dạy về khởi nghiệp; tham dự diễn đàn kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp của người Việt tại Hoa Kỳ, nghe văn phòng luật MWE trình bày về một số vấn đề liên quan đến chính sách khởi nghiệp của Hoa Kỳ…
Trọng Hiền thực hiện
Theo TGTT