Nông dân Ấn Độ chống chọi với BĐKH nhờ công nghệ

Các thiết bị công nghệ mới đang giúp nông dân Ấn Độ giảm thiểu tổn thất trong trồng trọt do biến đổi khí hậu.

Năm vừa qua không phải là một năm tốt cho nông nghiệp Ấn Độ. Trong suốt mùa gieo trồng thì thời tiết hạn hán, còn giờ sắp đến mùa thu hoạch thì lại liên tiếp xảy ra mưa to.

Nhưng đối với một số nông dân như Lovepreet Singh ở bang Haryana, miền bắc Ấn Độ, thì không phải mọi thứ đều đã mất. Ông đã có được sự trợ giúp lớn từ những công nghệ mới, ví dụ như GreenSeeker – một công cụ cầm tay hoạt động như một cảm biến cây trồng.

Khi ông Singh chĩa công cụ vào một đám cây trồng, cảm biến sẽ phát ra những tia sáng đỏ và hồng ngoại. Thông qua việc đo đạc mỗi loại ánh sáng phản chiếu lại từ cây trồng, thiết bị này có thể tính toán và hiển thị tình trạng sức khỏe của cây trồng đó. Ông Singh sử dụng thiết bị này để đánh giá xem đất trên mỗi mảnh đất trồng cần bao nhiêu nitrogen.

Đây chỉ là một trong số những thiết bị ông sử dụng để hỗ trợ việc trồng trọt, thiếu chúng thì mùa màng sẽ thất bát thảm hại.

Ông cho biết, nhờ sử dụng công nghệ mà ông dự báo được thời tiết tốt hơn, từ đó có kế hoạch gieo hạt hay phun tưới cây trồng hiệu quả hơn, nếu không những vụ mưa bất chợt có thể dễ dàng cuốn trôi mọi công sức và tiền của mà ông bỏ ra.

Tuy không giúp tăng lợi nhuận nhiều nhưng sử dụng công nghệ đã giúp ông Singh giảm thiểu tổn thất.

Hầu hết người dân ở đây, như ông Singh, đều dựa hoàn toàn vào nông nghiệp để duy trì cuộc sống. Nhưng không phải ai cũng có khả năng đầu tư và những công nghệ đắt tiền như thế này. Thiết bị GreenSeeker có giá gần 40.000 rupees (680 đô-la Mỹ). Bởi vậy, hiệp hội nông nghiệp địa phương ở đây phải giúp đỡ bằng cách thu mua thiết bị và cho nông dân sử dụng miễn phí.

Họ cũng đang sử dụng một công nghệ mới khác, gọi là san lấp mặt bằng bằng la-de. Thiết bị được điều khiển bằng la-de được gắn vào máy kéo, giúp nông dân san phẳng mặt đất trồng. Phương pháp canh tác này giúp tiết kiệm từ 25-30% lượng nước trong trồng trọt.

Một phương pháp tiết kiệm nước và công sức nữa là gieo hạt trực tiếp bằng máy vào đồng lúa. Cách này thay thế cho phương pháp thông thường là ươm lúa rồi cấy cây con bằng tay.

Theo truyền thống thì nông dân Ấn Độ chi rất nhiều tiền thuê nhân công sau mỗi mùa thu hoạch để dọn những cây trồng còn dư lại. Sau đó họ đốt hàng đống phế thải này, gây ô nhiễm môi trường và tạo ra khói mù dầy đặc bay đến những thành phố như Delhi. Bây giờ, để tránh phải đốt cây trồng phế thải, thiết bị “happy seeders” đã được gắn vào các máy cày, giúp gieo hạt ngay cả khi trên cánh đồng vẫn còn lúa dư thừa. Cách này không những giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn giúp tăng chất hữu cơ và giúp kiểm soát độ ẩm và nhiệt độ tốt hơn. Chính phủ đã đưa ra chính sách hỗ trợ chi phí để giúp nông dân mua thiết bị trị giá 100.000 rupees này.

Taraori là một trong mười mấy làng thuộc bang Haryana đang bắt đầu thay đổi cách làm nông nghiệp nhờ tham gia vào một sáng kiến dẫn dắt bởi tổ chức tư vấn toàn cầu Biến đổi Khí hậu, Nông nghiệp và An ninh Lương thực (CCAFS) ở Ấn Độ.

Người dân ở đây được trợ giúp để áp dụng những công nghệ “thông thái về khí hậu” để giảm thiểu những tác động của sự thay đổi về thời tiết. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã cảnh báo rằng thay đổi về thời tiết có thể gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Ấn Độ, lấy đi tương đương khoảng 9% GDP mỗi năm vào thế kỷ sau.

Bởi vậy mà chính quyền địa phương đang dần dần thay đổi các chính sách nông nghiệp để thích ứng với những thay đổi khí hậu này. Tuy không phải mọi nông dân đều đã chuyển sang sử dụng những công nghệ và kỹ thuật mới, song những thành công của một số nông dân như ở bang Haryana sẽ giúp khuyến khích chính phủ và nông dân các vùng khác học tập áp dụng công nghệ vào canh tác.

KM lược dịch

Nguồn: http://www.bbc.com/news/business-29257401

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)