Nông nghiệp cần công nghệ cao để cạnh tranh

“Công nghệ cao không phải là công nghệ tiên tiến nhất, mắc tiền nhất hay nổi tiếng nhất – mà là công nghệ mang lại năng suất tốt nhất, chất lượng cao nhất, với giá rẻ nhất, dưới bất kỳ hình thức nào”.

TS Vọng nhấn mạnh: “Đầu tư công nghệ cho nông nghiệp phải đồng bộ, xuyên suốt cả chuỗi cung ứng. Chỗ nào thiếu đều mang lại hậu quả cho nông dân… Hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp chính là sự ấm no của người nông dân, sự phát triển của doanh nghiệp và sự bền vững của nền nông nghiệp quốc gia”.

Thử hình dung, năm 2015, khi thị trường chung AEC mở ra và nếu TPP được ký kết, nông sản Việt Nam có một thị trường vô cùng rộng lớn. Nhưng thách thức còn lớn hơn khi chất lượng gạo Thái Lan ưu việt hơn; chuối Phillipines đẹp và bảo quản tốt hơn; dừa, càphê, cacao của Indonesia có chất lượng đồng đều hơn… Nếu không ứng dụng công nghệ cao thì nông sản Việt Nam sẽ có chất lượng thấp, không thể cạnh tranh được.

Khi tôi làm việc tại Úc, có tiếp một số lãnh đạo Việt Nam qua tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại đây. Họ nhìn ruộng bí ngô trồng trực tiếp trên đất thẳng băng hàng kilômét nhưng không ai nghĩ đấy là công nghệ cao. Thực ra, nhờ ứng dụng công nghệ nông nghiệp chính xác (Precision agriculture) mà nông dân đã tạo được độ phẳng của mặt luống, độ thẳng của luống cày, và độ nghiêng của mặt đất, để nước và chất dinh dưỡng được phân bố chính xác. Hiệu quả này có được là nhờ có vệ tinh hướng dẫn máy móc thực hiện. Nhờ đó, những trái bí ngô trên các thửa ruộng này phát triển rất đồng đều.

Chúng tôi thấy rằng, giống là yếu tố cực kỳ quan trọng. Nó là khâu đầu tiên trong chuỗi giá trị nông sản. Giống tốt là yếu tố tiên quyết để cây trồng tốt, tạo ra năng suất và chất lượng cao. Với một đất nước dựa vào nông nghiệp như Việt Nam, thị trường hạt giống Việt Nam có giá trị phỏng đoán khoảng 660 triệu USD. Việc gần 80% thị phần hạt giống trong tay nước ngoài là thách thức không nhỏ về an ninh lương thực và an ninh quốc phòng. Chúng tôi muốn nông dân Việt Nam được sử dụng nguồn giống tốt, giá cả phù hợp và cả sự an toàn, chủ động trong mùa vụ. Trung tâm Giống rau hoa chúng tôi cũng đã chọn nghiên cứu tập trung vào 15 loại rau bổ dưỡng nhất như cà chua, cà tím, ớt cay, ớt ngọt, càrốt, bông cải xanh, bắp cải…

Qua kinh nghiệm làm việc và nghiên cứu của mình, tôi rất khâm phục hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel. Tuy nhiên, để chọn lựa công nghệ nào hay sản phẩm nào thì cần có sự ứng dụng đồng bộ theo chuỗi giá trị ngành hàng. Quan trọng nhất, khi đầu tư công nghệ cao cho nông nghiệp, không được tách rời từng khâu, đầu tư từng khâu mà phải đồng bộ cả quá trình: giống – gieo trồng – thu hoạch – sau thu hoạch – bao bì – vận chuyển – thị trường tiêu thụ.

Năm 1991, khi Úc nghiên cứu thành công giống cà chua Red Center có thể tươi ở nhiệt độ thường trong 60 ngày nhờ ứng dụng gen đột biến “rin”. Nông dân Úc thu lợi lớn. Tác giả nghiên cứu này là TS Nguyễn Quốc Vọng. Sau hơn 30 năm làm việc tại Úc và Nhật Bản, ông cùng vợ quay về Việt Nam. Ông sinh năm 1946, từng làm trưởng phòng nghiên cứu rau quả và trà của viện Nghiên cứu rau hoa quả Gosford, bộ Nông nghiệp NSW, Úc. Sau đó, ông làm giám đốc chương trình AusAID–CARD 0016 và 004/04VIE, giúp Việt Nam sản xuất rau an toàn và thực hành quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, đồng thời là thành viên hội đồng tư vấn cho Chính phủ Úc. Ông hiện là giáo sư trường Khoa học ứng dụng, đại học RMIT, Melbourne, bang Victoria, Úc…

 

 

Tác giả