Nước Pháp gặp may vì có điện hạt nhân

Tổng thống Pháp Macron chủ trương giữ cân bằng về năng lượng: một mặt ông chủ trương xây dựng các nhà máy điện hạt nhân công suất nhỏ (SMR), mặt khác mở rộng xây dựng các nguồn điện tái tạo. Do đó, ngay cả những người thuộc phái Xanh cũng không lên tiếng phản đối. Hiện tại, tổng thống Macron lại nỗ lực để Brussel phải công nhận đầu tư cho năng lượng nguyên tử là “đầu tư xanh”.

Pháp đã trở lại với năng lượng nguyên tử – và đáng ngạc nhiên là điều này thậm chí còn trở thành một chủ đề trong vận động tranh cử. Tổng thống Emmanuel Macron đang theo đuổi chiến lược cân bằng này để tránh không bị phe nào chỉ trích: chủ trương xây dựng các nhà máy điện hạt nhân công suất nhỏ (SMR) mới nhưng cũng đồng thời mở rộng hệ thống năng lượng tái tạo. Điều này vừa thể hiện quan điểm về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của Pháp cũng như bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước – và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là để giữ giá điện không bị tăng vọt.

“Pháp may mắn vì Pháp có năng lượng hạt nhân,” Macron thích nhấn mạnh điều này với quan điểm về nỗ lực giảm thiểu lượng khí thải CO2. Pháp thực sự đang nổi trội hơn so với Đức về vấn đề khí thải bởi 70% lượng điện của họ đến từ các nhà máy điện hạt nhân phát thải thấp.

Ngay cả Phái Xanh của Pháp hiện cũng đang không còn lên tiếng đòi loại bỏ hạt nhân, vốn từng lên tiếng yêu cầu chính phủ kịch liệt. “Không ai nói rằng chúng tôi sẽ đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân trong nay mai”, ứng cử viên tổng thống Yannick Jadot nói. Theo ông, cũng phải vài ba chục năm nữa thì Pháp mới có thể tính đến phương án rời bỏ các nhà máy điện hạt nhân.

Tại Brussels, Pháp đang cố gắng để đầu tư cho điện hạt nhân được công nhận là “đầu tư xanh”.

Đề xuất của Pháp là sự đánh giá này cần được công nhận vào cuối năm nay. Điều đó có nghĩa là EU phải hỗ trợ Pháp về tài chính trong việc xây dựng các nhà máy điện nguyên tử. Hiện cả Đức và Áo đều kịch liệt phản đối yêu cầu này.

Trong khi đó, các ứng cử viên tổng thống cánh hữu lại tìm cách chơi trội bằng sự hùng biện hạt nhân. Ứng cử viên bảo thủ Xavier Bertrand muốn xây dựng ít nhất ba nhà máy điện EPR mới, đảng dân túy cánh hữu Marine Le Pen đòi sáu và đảng cực hữu thậm chí đòi xây dựng tới mười.

Lò phản ứng nước áp lực châu Âu (EPR) được xây dựng ở Flamanville, Pháp sẽ đi vào hoạt động sớm nhất vào năm 2023 – chậm 11 năm so với kế hoạch và chi phí xây dựng tăng gấp gần bốn lần so với dự kiến. Và quyết định cuối cùng về nơi lưu trữ chất thải cho đến nay vẫn chưa được xác quyết.

Tuy nhiên, các lò phản ứng SMR mà tổng thống Macron muốn đầu tư hiện chưa chín muồi để đi vào xây dựng. Một mô hình duy nhất hiện đang được vận hành ở Nga còn ngành công nghiệp Pháp ít quan tâm đến các lò phản ứng nhỏ vì sản lượng điện của các nhà máy này nhỏ và không thể thay thế cho các nhà máy điện hạt nhân thông thường.

Nhưng điều quan trọng là điện hạt nhân ở Pháp luôn gắn liền với niềm tự hào và chủ quyền quốc gia. Sự độc lập của sản xuất năng lượng – ví dụ như từ khí đốt của Nga hoặc điện than của Đức – rất quan trọng đối với tổng thống Macron. “Chúng ta không bao giờ được quá phụ thuộc vào một nguồn năng lượng nhất định chỉ vì giá thấp”, ông nói gần đây bên lề một hội nghị thượng đỉnh của EU khi giá khí đốt đang tăng.

Pháp cam kết giảm tỷ trọng điện hạt nhân xuống còn 50% vào năm 2035, đóng cửa hàng chục lò phản ứng cũ đồng thời mở rộng năng lượng tái tạo. Các lò phản ứng SMR đã được lên kế hoạch có thể sẽ không thay đổi được điều đó. Tuy nhiên, trong bối cảnh tranh cử hiện nay, các lò phản ứng SMR có thể giúp Macron tạo dựng hình ảnh vừa thân thiện với năng lượng nguyên tử vừa có ý thức về bảo vệ khí hậu. Nếu mọi toan tính của ông Macron thành công thì có thể Pháp sẽ nhận được hỗ trợ tài chính của EU để mở mang công nghiệp điện hạt nhân.

Xuân Hoài tổng hợp

Nguồnhttps://www.welt.de/politik/ausland/article234358678/Macron-Frankreich-hat-Glueck-denn-Frankreich-hat-Atomkraft.html

https://www.wiwo.de/technologie/forschung/mini-atomkraftwerke-macron-und-frankreichs-strahlendes-glueck/27698938.html

 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)