Nuôi dạy trẻ phát triển tính sáng tạo

Chúng học đọc khi hai tuổi, chơi nhạc của Bach khi bốn tuổi, làm như bay các phép tính khi lên sáu, và nói ngoại ngữ làu làu khi lên tám. Bạn cùng lớp với chúng run lên vì ghen tị; cha mẹ chúng thì vui như trúng số. Nhưng theo cách nói của T.S Eliot, thì sự nghiệp của chúng không kết thúc với tiếng vang, mà là với tiếng thút thít.

Một ví dụ điển hình là giải thưởng khoa học danh giá nhất nước Mỹ dành cho học sinh trung học, giải Tìm kiếm tài năng khoa học Westinghouse, vốn được một Tổng thống Mỹ gọi là “Siêu cúp khoa học”. Từ khi ra mắt vào năm 1942 đến năm 1994, đã có hơn 2.000 thanh thiếu niên vào vòng chung kết của giải. Nhưng chỉ 1% số đó sau này làm việc cho Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, và chỉ tám người đoạt giải Nobel. Cứ mỗi người thành công – như Lisa Randall trong lĩnh vực vật lý lý thuyết – thì lại có hàng tá những người không đạt được cái mà tiềm năng của họ gây kỳ vọng.

Những đứa trẻ thần đồng hiếm khi trở thành thiên tài lúc trưởng thành, những người làm thay đổi thế giới. Chúng ta thường cho rằng, đó hẳn là vì chúng thiếu những kĩ năng xã hội và kĩ năng cảm xúc. Nhưng các bằng chứng cho thấy cách lý giải này không đúng với đa số các trường hợp: chưa đến ¼ những đứa trẻ tài năng gặp phải những vấn đề xã hội và cảm xúc. Còn lại phần lớn đều tự thích nghi tốt.

Điều khiến những đứa trẻ này bị tụt lại là ở chỗ chúng không học được cách trở thành chính mình. Chúng cố gắng để có được sự tán thưởng của cha mẹ và sự ngưỡng mộ của thầy cô. Nhưng khi chúng biểu diễn ở Carnegie Hall và trở thành những nhà vô địch cờ vua, có gì đó không như mong đợi xảy ra: Việc tập luyện sẽ tạo nên sự hoàn hảo, nhưng không tạo ra tính sáng tạo.

Đứa trẻ tài năng có thể học chơi được những giai điệu lộng lẫy của Mozart, nhưng hiếm khi soạn nổi những bản nhạc độc đáo của riêng mình. Chúng tập trung năng lượng vào việc thu nhận những kiến thức khoa học sẵn có mà không tạo ra được những nhận thức mới. Chúng tuân theo những quy luật đã được hệ thống hóa hơn là sáng tạo ra những quy luật của riêng mình. Nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ sáng tạo nhất ít có khả năng trở thành học trò cưng của giáo viên nhất, và để phản ứng lại, nhiều đứa trẻ trong số này học cách giấu những ý tưởng độc đáo cho riêng mình. Theo cách nói của nhà phê bình William Deresiewicz thì, những đứa trẻ tài năng bị biến thành “những con cừu xuất sắc”.

Ở tuổi trưởng thành, nhiều thần đồng trở thành chuyên gia hay người lãnh đạo các tổ chức. Tuy nhiên, “chỉ một phần nhỏ những đứa trẻ tài năng thực sự trở thành những người sáng tạo mang tính cách mạng”, theo nhà tâm lí học Ellen Winner. “Những đứa trẻ làm được điều này phải trải qua một bước quá độ khó nhọc” để cuối cùng trở thành người “đổi mới hẳn một lĩnh vực nào đó.”

Hầu hết những thần đồng không bao giờ tạo ra được bước nhảy vọt đó. Họ dùng những khả năng phi thường của mình để tạo sự nổi trội trong công việc chứ không để tạo ra những làn sóng đổi mới. Họ trở thành những bác sĩ chữa lành bệnh nhân mà không nỗ lực để cải thiện hệ thống y tế yếu kém hay những luật sư bảo vệ cho thân chủ trước những hình phạt bất công mà không nỗ lực để thay đổi các bộ luật.

Vậy phải làm gì để nuôi dạy nên một đứa trẻ sáng tạo? Một nghiên cứu đã so sánh các gia đình của những đứa trẻ được xếp vào số 5% sáng tạo nhất ở trường học với gia đình của những đứa trẻ không có gì sáng tạo đặc biệt. Cha mẹ của những đứa trẻ bình thường có trung bình sáu nguyên tắc, giống như thời gian biểu cụ thể cho giờ làm bài tập ở nhà và giờ đi ngủ. Cha mẹ của những đứa trẻ giàu sáng tạo trung bình có ít hơn một nguyên tắc.

Tính sáng tạo khó nuôi dưỡng nhưng lại dễ bị làm thui chột. Bằng cách hạn chế số nguyên tắc, cha mẹ đã khuyến khích con cái họ tự suy nghĩ cho bản thân. Họ có xu hướng “coi trọng những giá trị đạo đức hơn là chỉ tuân theo những quy tắc cụ thể”, theo nhà tâm lí học trường Harvard, Teresa Amabile.

Tuy nhiên, ngay cả các giá trị đạo đức cũng không nên bị nhồi nhét cho con trẻ một cách cưỡng ép. Khi các nhà tâm lí học so sánh những kiến trúc sư sáng tạo nhất nước Mỹ với một nhóm đồng nghiệp có tay nghề cao nhưng không có gì độc đáo, họ nhận ra một điều hết sức đặc biệt về cha mẹ của những kiến trúc sư sáng tạo này: “Chú trọng việc để cho đứa trẻ tự phát triển quy tắc đạo đức của riêng mình”.

Các bậc cha mẹ này khuyến khích con cái họ theo đuổi sự xuất sắc và thành công – nhưng đồng thời họ cũng khuyến khích con mình tìm “niềm vui trong công việc”. Con họ được tự do lựa chọn hệ giá trị của riêng chúng và khám phá những mối quan tâm của riêng chúng. Và điều đó giúp chúng trở thành những người thành công cũng như sáng tạo khi trưởng thành.

Khi nhà tâm lí học Benjamin Bloom tiến hành một nghiên cứu về tác nhân gốc rễ tạo nên những nhạc sĩ, họa sĩ, vận động viên và nhà khoa học đẳng cấp thế giới, ông nhận ra rằng bố mẹ của họ không hề mơ con mình trở thành cao siêu. Họ không phải là sĩ quan huấn luyện cũng không phải người trông coi nô lệ. Họ hưởng ứng theo động lực tự thân bên trong con mình. Khi con cái bày tỏ mối quan tâm và sốt sắng với một kĩ năng nào đó, họ luôn ủng hộ.

Những nghệ sĩ piano hàng đầu trong các buổi hòa nhạc không theo học những giáo viên ưu tú từ lúc mới biết đi; bài học đầu tiên của họ đến từ những người thầy tình cờ sống ngay cạnh và biến việc học trở nên vui vẻ. Mozart đã bộc lộ tình yêu âm nhạc trước khi được học nhạc, chứ không phải ngược lại. Mary Lou Williams tự học cách chơi piano; Itzhak Perlman tự học violin sau khi bị trường âm nhạc từ chối.

Thậm chí những vận động viên xuất sắc nhất cũng không có lợi thế nào so với những vận động viên khác ở xuất phát điểm. Khi nhóm nghiên cứu của TS Bloom phỏng vấn những tay vợt thuộc top 10 thế giới, họ cũng không hề, theo cách nói của Jerry Seinfeld, bắt đầu luyện tập từ khi còn trong bụng mẹ. Đa số họ không phải chịu áp lực tâm lý khủng khiếp đòi hỏi chơi được hoàn hảo như Andre Agassi. Và phần lớn các ngôi sao quần vợt đều ghi nhớ một điều về huấn luyện viên đầu tiên của mình: Họ khiến việc chơi tennis trở nên rất thú vị.

Kể từ khi “quy tắc 10.000 giờ” của Malcolm Gladwell được phổ biến rộng rãi, cho rằng thành công phụ thuộc vào số thời gian chúng ta thực hành một cách có ý thức, đã có nhiều tranh luận về việc số thời gian cần thiết để trở thành chuyên gia khác nhau như thế nào tùy theo từng lĩnh vực và cá nhân. Trong cuộc tranh luận này, chúng ta thường bỏ qua hai câu hỏi không kém phần quan trọng.

Thứ nhất, liệu chính việc thực hành có thể khiến chúng ta lầm lạc trong quá trình hoàn thiện lĩnh vực học tập của mình? Nghiên cứu chỉ ra rằng càng thực hành nhiều, chúng ta càng trở nên cứng nhắc – bị mắc kẹt trong những lối suy nghĩ quen thuộc. Những người chơi bài chuyên nghiệp phải vất vả hơn những người ít kinh nghiệm mới thích nghi được khi luật chơi thay đổi; những kế toán lão luyện kém hơn những người mới vào nghề trong việc áp dụng luật thuế mới.

Thứ hai, điều gì thúc đẩy người ta dành hàng nghìn giờ luyện tập một kĩ năng nào đó? Câu trả lời đáng tin nhất là đam mê – xuất phát từ bản tính tò mò hoặc do được nuôi dưỡng thông qua những trải nghiệm thú vị với một hoặc nhiều hoạt động khi còn nhỏ.

Bằng chứng này cho thấy những đóng góp sáng tạo phụ thuộc cả vào bề rộng chứ không chỉ chiều sâu của kiến thức và trải nghiệm của chúng ta. Trong lĩnh vực thời trang, những bộ sưu tập độc đáo nhất đến từ những nhà thiết kế dành hầu hết thời gian làm việc ở nước ngoài. Trong khoa học, người giành giải Nobel ít khi là những thiên tài chỉ chuyên tâm vào một lĩnh vực mà phổ biến hơn là những người quan tâm đến nhiều lĩnh vực. So với những nhà khoa học thông thường, những người giành giải Nobel có xác suất biểu diễn như diễn viên, vũ công hoặc ảo thuật gia cao gấp 22 lần; có xác suất sáng tác thơ, kịch hoặc tiểu thuyết cao gấp 12 lần; có xác suất sáng tác nghệ thuật và thủ công cao gấp bảy lần; và có xác suất chơi một nhạc cụ hoặc soạn nhạc cao gấp hai lần.

Không ai ép buộc những nhà khoa học có ảnh hưởng lớn này phải theo đuổi những sở thích nghệ thuật. Đó hoàn toàn là sự phản ánh tính tò mò tự thân của họ. Và đôi khi, sự tò mò đưa họ đến với những ý tưởng bất ngờ. “Lí thuyết tương đối nảy đến với tôi nhờ trực giác, và âm nhạc là động lực đằng sau trực giác này”, Albert Einstein hồi tưởng. Mẹ của Einstein cho ông học violin khi lên năm, nhưng ông không thích. Tình yêu âm nhạc chỉ bừng nở khi ông ở tuổi thanh thiếu niên, sau khi ông đã dừng học nhạc và tình cờ nghe các bản sonata của Mozart. “So với ý thức trách nhiệm, tình yêu là một người thầy tốt hơn”, ông nói.

Các bạn đã thấy chưa, hỡi những Mẹ Hổ và Cha Sói? Bạn không thể lập trình một đứa trẻ trở nên sáng tạo. Khi cố gắng thiết kế cho con mình một kiểu thành công nào đó thì kết quả khá nhất mà bạn có thể nhận được là biến con thành một con rô-bốt đầy tham vọng. Nếu bạn muốn con mình mang đến những ý tưởng độc đáo cho thế giới, bạn cần để chúng theo đuổi đam mê của bản thân chúng, chứ không phải đam mê của bạn.

Tác giả bài viết là giáo sư về quản trị và tâm lý tại Trường Wharton thuộc ĐH Pennsylvania. Bài viết này dựa theo cuốn sách mới của ông – “Originals: How Non-Conformists Move the World” (tạm dịch: Những người độc đáo: Những người phá cách khuấy đảo thế giới như thế nào).

T.N Vũ dịch
Nguồn: http://www.nytimes.com/2016/01/31/opinion/sunday/how-to-raise-a-creative-child-step-one-back-off.html

Tác giả