Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sự phát triển của não từ giai đoạn nào?
Vào năm 1980, một dịch bệnh hô hấp bỗng đột ngột kéo đến khiến hàng trăm người phải nhập viện vì khó thở, nhưng không ai biết chính xác nó bắt nguồn từ đâu. Từ năm 1981 đến 1989, thống kê cho thấy có 26 đợt bùng phát hen suyễn ở Barcelona, đa phần tập trung quanh bến cảng. Các nhà khoa học địa phương cuối cùng đã phát hiện ra rằng bụi đậu tương thải ra không khí khi hàng hóa được dỡ xuống là thủ phạm.
Ô nhiễm không khí là hiện tượng chung của nhiều thành phố trên thế giới.
Trước khi biết đậu tương là nguyên nhân gây hen suyễn, các nhà khoa học lầm tưởng rằng bụi từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch là thủ phạm, vì vậy họ đã lập bản đồ theo dõi khả năng ô nhiễm của các vùng. Từ bản đồ này, các nhà nghiên cứu địa phương dần nhận ra hậu quả nghiêm trọng mà ô nhiễm không khí gây ra. GS Jordi Sunyer của ISGlobal thuộc Viện Sức khỏe Toàn cầu Barcelona, một trong những nhà nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ giữa dịch bệnh với bụi đậu tương, và hiện đang điều tra các tác động của ô nhiễm không khí. Ông cho rằng đã đến lúc chúng ta cần hiểu rõ hơn về những ảnh hưởng do ô nhiễm không khí lên các bộ phận khác ngoài phổi. “Vào năm 2008, đã có những nghiên cứu trên động vật cho thấy ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến não bộ. Điều này là do kích thước của các hạt ô nhiễm quá nhỏ đến mức chúng có thể đi vào não và gây viêm dây thần kinh.
Năm 2015, GS Sunyer và các đồng nghiệp đã công bố nghiên cứu cho thấy mức độ ô nhiễm cao hơn có liên quan đến việc giảm 5% số điểm trong các bài kiểm tra trí nhớ ở trẻ em từ 7 đến 10 tuổi.
Từ năm 1970, các nhà khoa học đã phát hiện lượng chì trong xăng dầu có thể gây hại cho cơ thể. Rõ ràng, ở cấp độ cá nhân, giảm 5% số điểm trong bài kiểm tra không phải là vấn đề lớn; nhưng ở cấp độ dân số, nó sẽ gây tác động lớn đến nền kinh tế. GS Sunyer cho biết, 90% quá trình phát triển não bộ diễn ra vào năm bốn tuổi, vì vậy ông đang theo dõi các nghiên cứu trước đây để hiểu hơn về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí ở giai đoạn sớm nhất của cuộc đời.
Ông đang dẫn dắt nghiên cứu AIR-NB, chuyên theo dõi quá trình phơi nhiễm không khí bẩn ở trẻ trước cả khi đứa trẻ được sinh ra. Nhóm nghiên cứu đang tìm kiếm 1.200 phụ nữ mang thai ở Barcelona để nghiên cứu và đo mức độ ô nhiễm trong nhà của họ. Họ cũng sẽ cố gắng loại trừ các yếu tố ngoại cảnh khác để xác định chính xác sự khác biệt giữa những đứa trẻ khi chúng phát triển. Các nhà nghiên cứu sẽ chụp MRI não của đứa trẻ từ tháng thứ 6 của thai kỳ và từ một tháng sau khi sinh.
Ngoài ra, ô nhiễm không khí có thể làm tăng nguy cơ phát triển rối loạn phổ tự kỷ. TS. Juana Maria Delgado-Saborit, cũng thuộc ISGlobal, đang xem xét vấn đề này bằng cách sử dụng dữ liệu của 18.000 đứa trẻ – thuộc một phần dự án UK Millennium Cohort Study (MCS), trong đó các nhà khoa học thường xuyên theo dõi và kiểm tra tình trạng của những đứa trẻ trong suốt hai thập kỷ qua.
Ở một dự án khác, TS Delgado-Saborit đang sử dụng thông tin sức khỏe thu thập ở trẻ em dưới 14 tuổi để xem xét các chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ hoặc đặc điểm của tình trạng này. Bằng cách so sánh thông tin này với các bản đồ ô nhiễm từ khi đứa trẻ vẫn còn trong bụng mẹ cho đến giai đoạn thời thơ ấu của chúng, bà hy vọng sẽ xác định được bất kỳ mối liên hệ tiềm năng nào.
Việc phân tích dữ liệu vẫn đang diễn ra, nhưng kết quả ban đầu của bà cho thấy có mối liên hệ giữa tình trạng tự kỷ với nồng độ ozone trong không khí. Ozone là một chất hại cho cơ thể, được hình thành từ một phản ứng liên quan đến oxit nitơ và hydrocarbon – các chất có trong khí thải xe cộ. Mặc dù mọi người đều cho rằng trẻ em còn đi học không nên tiếp xúc nhiều với không khí ô nhiễm, nhưng GS Sunyer cho biết không chỉ trẻ em ở độ tuổi đó, mà có thể trẻ chưa sinh ra cũng bị ảnh hưởng nặng nề. “Nếu có thể phát hiện thêm những bằng chứng cho thấy trẻ còn trong bụng mẹ và trẻ sơ sinh là đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi ô nhiễm không khí; xã hội buộc phải tìm ra phương án để bảo vệ sức khỏe của các em.” □
Anh Thư dịch
Nguồn tin và ảnh: https://phys.org/news/2020-07-air-pollution-affects-brain.htm