Ô nhiễm không khí… kích thích phát triển ô tô điện

Tại Bắc Kinh, Thượng Hải và New Delhi, tình trạng ô nhiễm không khí đều ở mức cao. Vì vậy giờ đây ô tô điện tại các thành phố này đang được khuyến khích phát triển mạnh mẽ để thay thế các loại ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch truyền thống.  

Bắc Kinh vừa trải qua một đợt ô nhiễm nặng nề, báo động cấp số một: tuần trước ba ngày liên tiếp Bắc Kinh phải ra lệnh báo động cấp cao nhất vì ô nhiễm không khí (Smog). Và trong những ngày tới ô nhiễm không khí còn tiếp diễn. Báo động cấp cao nhất là báo động đỏ, và ở cấp độ này thì các trường học và nhà trẻ phải đóng cửa, một số nhà máy buộc phải hạn chế hoặc ngừng sản xuất. Giao thông bằng ô tô cũng phải giảm thiểu.

Tình trạng trên không phải là cá biệt. Ở các thành phố như Thượng Hải hay New Delhi, không khí cũng bị ô nhiễm, vì vậy một số nhà máy buộc giảm hoạt động, trẻ em và người già không được phép ra đường. 

Ấn Độ cũng đang xem xét áp dụng tình trạng khẩn cấp đối với việc đi lại bằng ô tô: Tòa án tối cao nước này ra  quyết định  về việc đăng ký xe ô tô chạy bằng dầu diesel có động cơ với dung tích trên 2000 phân khối  đối với New Delhi và vùng phụ cận, việc này phải hoàn thành trước cuối tháng ba tới. Quy định này liên quan chủ yếu đến các loại xe ô tô địa hình cỡ lớn mang tính phô trương. Lập luận của tòa “Người giầu không có quyền mua xe hơi chạy diesel sang trọng và gây ô nhiễm không khí”. Ngoài ra bắt đầu từ ngày 1/1, xe ô tô tư nhân chỉ được phép chạy cách nhật.

Các hãng sản xuất ô tô dự báo tình hình trên cũng sẽ diễn ra ở các thành phố lớn khác ở Trung Quốc, Ấn Độ, Các nước mới nổi khác sẽ noi gương New Delhi. Dự báo này là có cơ sở, tại Trung quốc ô nhiễm không khí đã trở thành một vấn đề mang tính cấp bách. Tình hình các siêu thành phố ở Ấn Độ thậm chí còn nghiêm trọng hơn: trong số 20 đô thị có mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thế giới thì Ấn Độ chiếm 12.

Tập đoàn Ford đứng thứ hai thế giới về sản xuất ô tô đã tuyên bố tấn công vào lĩnh vực ô tô điện. Ford dự định đến năm 2020 sẽ tung ra 13 mẫu mới.

New Delhi và vùng phụ cận là thị trường tiêu thụ ô tô quan trọng đối với các hãng sản xuất ô tô của Đức. Các hãng như Daimler, BMW và VW  đều dự định sẽ thu hẹp sản xuất loại xe Diesel khủng vốn để cung cấp cho thủ đô Ấn Độ. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là tập đoàn Daimler, doanh nghiệp này cung cấp cho thị trường Ấn Độ chủ yêu loại xe diesel với dung tích trên 2000 phân khối. Tập đoàn này dự định đầu tư 140 triệu Euro ở Ấn Độ. Cả VW cũng coi Ấn Độ là một thị trường tiềm năng có sức tăng trưởng rất lớn. Những dự án đầu tư này có nguy cơ bị đe dọa.

Vì ô nhiễm không khí nặng nề chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh khuyến khích phát triển ô tô điện. Với chính sách giảm thuế dành cho các loại xe nội đia, không có khí thải chính phủ đã thành công trong việc khuấy động thị trường: riêng trong năm nay khoảng một phần tư triệu xe ô tô điện đã được bán ra trên thị trường Trung Quốc, tăng gấp đôi so với năm  2014. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc vượt Hoa Kỳ trong việc tiêu thụ ô tô điện. Năm 2016 mức tiêu thụ sẽ lại tăng gấp đôi, đạt khoảng nửa triệu. Công ty mẹ  NEVS (National Electric Vehicle Sweden) của hãng sản xuất ô tô Saab hết sức phán khởi vì vừa ký được một hợp đồng cỡ tỷ đôla với Trung Quốc: công ty Panda New Energy đã đặt hàng 250.000 chiếc ô tô điện.

Vụ bê bối VW-diesel, nạn ô nhiễm không khí ở các nước mới nổi, quy định của EU về lượng khí thải ngày càng nghiêm ngặt hơn và tín hiệu rõ ràng từ Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Paris sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình chuyển đổi từ động cơ đốt sang xe ô tô ắc quy. Giá xe ô tô ắc quy sẽ giảm mạnh là điều kiện thuận lơi với các hãng sản xuất ô tô. 

Hoài Trang dịch

Theo Tuần kinh tế

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)