Ô nhiễm không khí liên quan đến các bệnh tâm thần nghiêm trọng hơn
Theo một nghiên cứu toàn diện nhất từ trước tới nay, sự phơi nhiễm không khí ô nhiễm có mối liên hệ đến mức độ gia tăng của bệnh tâm thần nặng.
Một bầu trời vàng cam bao phủ thành phố London. Các mức ô nhiễm không khí ở London đã giảm xuống trong những năm gần đây. Ảnh: Michael Heath/Alamya
Nghiên cứu trên 13.000 người ở London cho thấy khi mức độ tiếp xúc với NO2 tăng một lượng nhỏ dẫn đến nguy cơ điều trị dựa vào cộng đồng tăng 32% và nguy cơ nhập viện tăng 18%.
Các nhà nghiên cứu cho biết những phát hiện này có khả năng áp dụng cho hầu hết các thành phố ở những nước phát triển và việc cắt giảm ô nhiễm không khí có thể mang lại lợi ích cho hàng triệu người. “Có thể thay đổi tình trạng ô nhiễm không khí, và trên quy mô lớn, nó sẽ làm giảm mức độ phơi nhiễm của dân số.” Joanne Newbury, thuộc Đại học Bristol, một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết. “Chúng ta biết có thể áp dụng những biện pháp can thiệp như mở rộng khu vực phát thải thấp. Còn những các can thiệp về sức khỏe tâm thần ở cấp độ cá nhân thực sự rất khó.”
Nghiên cứu đã sử dụng tần suất nhập viện hoặc thăm khám bác sĩ và y tá công cộng làm thước đo mức độ nghiêm trọng. Các nhà nghiên cứu tính toán, việc giảm một lượng nhỏ riêng một chất gây ô nhiễm cũng có thể làm giảm bệnh tật và tiết kiệm cho Y tế quốc gia (NHS) hàng chục triệu bảng mỗi năm.
Mặc dù mức độ ô nhiễm không khí ở London đã giảm trong những năm gần đây nhưng thực sự chưa đạt đến mức độ an toàn – TS. Ioannis Bakolis, thuộc Đại học King’s College London, người dẫn dắt nghiên cứu cho biết. “Ngay cả ở mức độ ô nhiễm không khí thấp, ta vẫn có thể thấy tác động rất nghiêm trọng này”.
Nghiên cứu gần đây đã cho thấy, sự gia tăng ô nhiễm không khí mức độ nhỏ có liên quan đến sự gia tăng trầm cảm và lo âu một cách đáng kể. Không khí ô nhiễm cũng liên quan đến sự gia tăng số lượng các vụ tự tử, và việc sinh sống ở những nơi ô nhiễm làm tăng nguy cơ rối loạn tâm thần. Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng ô nhiễm không khí gây suy giảm trí tuệ ở mức độ lớn và ảnh hưởng đến chứng mất trí nhớ. Một đánh giá toàn cầu vào năm 2019 đã kết luận,ô nhiễm không khí có thể gây hại cho mọi cơ quan trong cơ thể con người.
Nghiên cứu mới công bố trên The British Journal of Psychiatry đã theo dõi bệnh nhân ở phía nam London từ khi họ bắt đầu sử dụng các dịch vụ sức khỏe tâm thần và dùng những ước tính có độ phân giải cao về ô nhiễm không khí 1.
Nồng độ NO2 trung bình hàng quý trong khu vực nghiên cứu thay đổi từ 18 đến 96 μg/m³. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tiếp xúc với mức độ ô nhiễm cao hơn 15μg/m³ sau một năm có nguy cơ nhập viện cao hơn 18% và nguy cơ cần điều trị ngoại trú cao hơn 32%.
Mối liên hệ này mạnh nhất đối với chất ô nhiễm NO2 phần lớn phát ra từ các phương tiện chạy diesel. Tuy nhiên, nó cũng có ý nghĩa thống kê với các chất ô nhiễm dạng hạt (PM) sản sinh từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Nồng độ các hạt PM nhỏ thay đổi từ 9 đến 25 μg/m³ và cứ mỗi khi tăng phơi nhiễm 3 đơn vị thì nguy cơ nhập viện tăng lên 11% và nguy cơ điều trị ngoại trú tăng lên 7%.
Các nhà khoa học Anh đã đánh giá dữ liệu bệnh nhân bảy năm sau lần điều trị đầu tiên và thấy mối liên hệ với ô nhiễm không khí vẫn còn rất rõ ràng. Những phát hiện này không thể giải thích bằng một loạt các yếu tố khác như tuổi tác, giới tính, dân tộc, điều kiện sống thiếu thốn hoặc mật độ dân số, mặc dù các yếu tố không xác định vẫn có thể đóng một vai trò quan trọng.
“Việc xác định các yếu tố nguy cơ thay đổi theo mức độ nghiêm trọng và khả năng tái phát bệnh có thể giúp chỉ ra những can thiệp sớm và giảm đau đớn cho con người cũng như chi phí kinh tế lớn do bệnh tâm thần mãn tính lâu dài gây ra”, các nhà nghiên cứu cho biết.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không tập trung vào chứng minh mối liên hệ nhân quả giữa ô nhiễm không khí và mức độ nghiêm trọng của bệnh tâm thần bởi nó đòi hỏi những thí nghiệm khác. Nhưng họ cho biết mối liên hệ này là “hợp lý về mặt sinh học” vì các chất ô nhiễm không khí có đặc tính gây viêm mạnh và viêm, vốn được cho là một tác nhân gây các chứng rối loạn tâm thần và rối loạn hành vi.
Ngân hàng Thế giới đã ước tính, ô nhiễm không khí gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5.000 tỷ USD một năm, nhưng ước tính này chỉ bao gồm những thiệt hại gây ra cho những bệnh phổ biến như bệnh tim và phổi 2.
“Đánh giá chi phí hiện mới chỉ là một nhân tố trong sức khỏe thể chất, nhưng chúng tôi đang thấy ngày càng nhiều nghiên cứu chứng minh mối liên hệ [của ô nhiễm không khí] với sức khỏe tâm thần”, Newbury nói. “Chúng tôi nghĩ rằng quan trọng là phải bao gồm tất cả những điều trên, bởi vì nó có thể làm thay đổi quy mô và giúp nhìn nhận rõ ràng hơn rằng đầu tư vào giảm ô nhiễm không khí sẽ đem lại hiệu quả về chi phí.”
Các nhà nghiên cứu ước tính, việc giảm phơi nhiễm bụi PM của người dân đô thị tại Anh từ một vài đơn vị đến mức giới hạn của WHO là 10μg/m³ cũng sẽ giảm khoảng 2% mức độ sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và tiết kiệm hàng chục triệu bảng mỗi năm.
Giáo sư Kevin McConway ở Đại học Mở, người không tham gia nhóm nghiên cứu, cho biết: “Đây là một nghiên cứu tốt. Phân tích thống kê nói chung là phù hợp [và] làm tăng độ đáng tin cậy rằng có ít nhất một số yếu tố nhân quả trong mối liên hệ giữa ô nhiễm và sức khỏe tâm thần”.
“Nhưng việc tránh ô nhiễm không phải là điều dễ dàng. Để giảm ô nhiễm không khí ở các thành phố, cần có hành động chung trên quy mô rộng”, ông nói thêm.
Một nghiên cứu mới khác đã chỉ ra rằng các cơn đau tim tăng lên khi mức độ ô nhiễm không khí tăng lên. Nghiên cứu này đã kiểm tra dữ liệu từ miền nam Lombardy (nước Ý), khu vực có khoảng 1,5 triệu dân. Francesca Gentile, thuộc Quỹ IRCCS Policlinico San Matteo ở Pavia, cho biết: “Kết quả có thể được sử dụng để dự đoán tỷ lệ mắc loại bệnh đe dọa đến tính mạng này [và] cải thiện hiệu quả của dịch vụ y tế bằng cách đưa vào các mô hình dự báo xe cứu thương và hệ thống cảnh báo.”
Trang Linh tổng hợp
———————————