Ông Đặng Lê Nguyên Vũ là chủ sở hữu thương hiệu Trung Nguyên
Đó là một trong những nội dung chính của quyết định Quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao ngày 11/3/2021 đối với bản án phúc thẩm số 39/2019/HNGĐ-PT ngày 5/12/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao TP.HCM và Bản án sơ thẩm số 291/2019/HNGĐ-ST ngày 27/3/2019 của Tòa án nhân dân TP.HCM về vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Gian hàng giới thiệu các sản phẩm cà phê G7 tại một triển lãm ở Nhật Bản. Nguồn: baoquocte
Các nội dung chính của Quyết định giám đốc thẩm số 1/2021/HNGĐ-GĐT của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã thể hiện sự công tâm, thấu tình, đạt lý, khách quan và nghiêm minh của các cơ quan pháp luật – trong đó ghi nhận sự đóng góp đầy đủ, khách quan và công tâm của các bên trong quá trình khởi nghiệp, xây dựng và phát triển thương hiệu Trung Nguyên. Đặc biệt là sự thấu tình đạt lý trong việc bảo vệ toàn vẹn tài sản thương hiệu quốc gia “cà phê Trung Nguyên, G7”, gìn giữ niềm tự hào của một thương hiệu cà phê số một Việt Nam đại diện cho một cường quốc cà phê Việt Nam vươn ra với thế giới đã không bị hủy hoại trong vụ án tranh chấp hôn nhân giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên.
Người sáng lập Trung Nguyên là cha mẹ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Thương hiệu Trung Nguyên được ông Đặng Lê Nguyên Vũ và cha mẹ của ông Vũ sáng lập và khởi nghiệp từ năm 1996. Toàn bộ số vốn sáng lập của Trung Nguyên là của ba mẹ ông Vũ bán toàn bộ gia sản có được là căn nhà đang ở và các mẫu ruộng để khởi nghiệp, lập “Hãng cà phê Trung Nguyên”. Do vậy, bà Thảo hoàn toàn không phải là người sáng lập Trung Nguyên, bà Thảo chưa bao giờ là người đồng sáng lập Trung Nguyên – bà Thảo vừa là người có góp công sức vào sự phát triển thương hiệu Trung Nguyên vừa là người thụ hưởng và thu vén nhiều lợi nhuận trong giai đoạn phát triển của Trung Nguyên suốt hơn 20 năm qua.
Quyết định giám đốc thẩm số 01/2021/HNGĐ-GĐT ngày 11/3/2021 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và Bản án phúc thẩm số 39/2019/HNGĐ-PT ngày 5/12/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM nêu rõ ở phần tuyên án về tài sản:
* Về phần ông Đặng Lê Nguyên Vũ
Giao cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ sở hữu toàn bộ số cổ phần đang ghi tên ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại các Công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ có trách nhiệm thanh toán chênh lệch tài sản cho Bà Lê Hoàng Diệp Thảo là 1.318.471.219.421,54 đồng (Một nghìn ba trăm mười tám tỉ, bốn trăm bảy mươi mốt triệu, hai trăm mười chín ngàn, bốn trăm hai mươi mốt phẩy năm mươi tư đồng) – trong đó 1.190.677.619.855 đồng (Một nghìn một trăm chín mươi tỉ, sáu trăm bảy mươi bảy triệu, sáu trăm mười chín ngàn, tám trăm năm mươi lăm đồng) đã được ông Đặng Lê Nguyên Vũ nộp thi hành theo Bản án phúc thẩm số 39/2019/HNGĐ-PT ngày 5/12/2019 và nay theo Quyết định giám đốc thẩm số 01/2021/HNGĐ-GĐT ngày 11/3/2021, thì ông Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ nộp thanh toán thêm chênh lệch tài sản với Bà Lê Hoàng Diệp Thảo là 127.793.599.566.54 đồng.
Vì vậy, bản án Phúc thẩm, bản án Sơ thẩm và Quyết định giám đốc thẩm đã xem xét mọi yếu tố một cách thấu tình, đạt lý, giải quyết được nguyện vọng xin ly hôn của nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Sau khi ly hôn, bà Thảo được sở hữu trên 3.500 tỷ đồng bao gồm: 7 bất động sản trị giá hơn 375 tỷ đồng; tiền vàng ngoại tệ trị giá: 1.764 tỷ đồng; giao toàn bộ tài sản của vợ chồng tại Công ty Trung Nguyên International Pte. (Singapore) cho Bà Thảo được toàn quyền sở hữu và hơn 1.300 tỷ đồng do ông Đặng Lê Nguyên Vũ thanh toán số tiền chênh lệch về giá trị tài sản. Trên cơ sở này, Bà Thảo có đủ điều kiện tập trung xây dựng và đã, đang phát triển thương hiệu cà phê riêng, công ty kinh doanh cà phê riêng của bà Thảo.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ giữ được thương hiệu Trung Nguyên do gia đình ông Đặng Lê Nguyên Vũ sáng lập từ năm 1996. Điều này còn giúp cho toàn thể hơn 5.000 người lao động và Tập đoàn Trung Nguyên an tâm làm việc, chủ động trong sản xuất phát triển kinh doanh; bảo vệ toàn vẹn thương hiệu tài sản quốc gia “cà phê Trung Nguyên, G7” và tiếp tục có những đóng góp mạnh mẽ hơn vào ngành cà phê Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
(Theo thông tin dành cho báo chí của Tập đoàn Trung Nguyên)