OTA Việt trước áp lực tự đổi mới

Những chuyển dịch mạnh mẽ trong ngành du lịch khi du khách ngày càng ưa dùng những ứng dụng trực tuyến trong tra cứu thông tin, đặt vé máy bay hay thuê phòng khách sạn… đang đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước sức ép phải tự đổi mới – đặc biệt về mặt công nghệ để tồn tại, thích nghi và cạnh tranh với những đại lý du lịch trực tuyến (OTA)[1] nước ngoài đang làm mưa làm gió trên thị trường.


Doanh thu OTA khu vực Đông Nam Á từ 2015 – 2025. Số liệu tổng hợp từ báo cáo của Google và Temasek Holding (Singapore) 

Du lịch trực tuyến: xu thế tất yếu
Đây là vấn đề chính được thảo luận tại Hội thảo Du lịch thông minh – Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, diễn ra hôm 6/10/2017 tại khu Công nghệ cao (KCN) Hòa Lạc, do Ban quản lý KCN Hòa Lạc phối hợp với Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đồng tổ chức.  

Internet và các ứng dụng di động đang mang lại nhiều lợi ích cho người đi du lịch, chẳng hạn giá đặt phòng qua mạng thường thấp hơn 15 – 18% so với những kênh truyền thống. Vì vậy, du lịch trực tuyến nghiễm nhiên trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều khách hàng, đặc biệt những người trẻ tuổi yêu thích sự tự trải nghiệm.

Theo báo cáo của Temasek Holding2 (Singapore), thị trường du lịch trực tuyến tại Việt Nam (bao gồm cả đặt phòng khách sạn và mua bán vé máy bay) đã đạt 2.2 tỷ USD vào năm 2015, và dự kiến sẽ cán mốc 9 tỷ USD tới năm 2025 – tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 15% mỗi năm. Thống kê từ Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM)3 cũng cho biết, trên 70% dân số Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) và trung bình mỗi người dành 2 tiếng một ngày kết nối internet. Nghiên cứu của Google (2016)4 cũng chỉ ra, khoảng 70% số người đi du lịch ở Việt Nam có tìm kiếm thông tin qua điện thoại di động, những nhóm ứng dụng phổ biến nhất là đặt phòng khách sạn (48%), khảo sát điểm đến (42%) và mua vé máy bay (37%).

Những con số trên đây cho thấy, du lịch sử dụng các dịch vụ trực tuyến đang là xu thế tất yếu và còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.  

Những hạn chế của OTA Việt

Đáng tiếc, thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam dù rất hấp dẫn, song lại đang gần như là “sân chơi” của các OTA ngoại – dẫn đầu là Agoda.com, Booking.com hay Expedia.com, cùng hàng loạt những tên tuổi mới nổi như Traveloka, Trivago, … ước tính chiếm tới 80% thị phần – theo báo cáo của VECOM.

Tại phân khúc sôi động và cạnh tranh khốc liệt nhất – dịch vụ đặt phòng khách sạn. Agoda và Booking đang nắm giữ lần lượt hơn 7600 và 6000 khách sạn đối tác. Cũng theo VECOM, thị phần đặt phòng khách sạn trực tuyến ở Việt Nam đang tăng rất nhanh, chiếm 30 – 40% tổng lượng khách. Những OTA đang đóng góp khoảng 15 – 20% doanh thu thuê phòng của các khách sạn, ước đạt 60.000 tỷ đồng trong năm 2016, và khoảng 50% lượng tiền này chảy vào túi các doanh nghiệp nước ngoài (tránh được nhiều khoản thuế tại Việt Nam). Chẳng hạn, chỉ riêng Agoda đã thu hơn 4000 tỷ đồng cho mảng khách sạn tại thị trường Việt Nam năm 2016.

So với những OTA non trẻ của Việt Nam, các OTA ngoại có lợi thế hơn hẳn về tài chính và công nghệ. Điểm khác biệt lớn nhất, theo ông Ngô Minh Đức – Chủ tịch Công ty Cổ phần lữ hành HG Travel là: trong khi những công ty du lịch trực tuyến thế giới thường định vị mình là công ty công nghệ, tập trung vào nhiệm vụ tối ưu hóa trải nghiệm người dùng và nâng cao tốc độ truy cập, thì các công ty du lịch trực tuyến của Việt Nam lại thường có xuất phát điểm là công ty du lịch thuần túy, điều này gây cản trở tầm nhìn trong việc phát triển những OTA đúng nghĩa. Ông Trần Trọng Kiên, chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh (TMG) – một công ty du lịch lớn ở Việt Nam với doanh thu hơn 2000 tỷ đồng (2016) chia sẻ kinh nghiệm khi tham quan mô hình Ctrip5 – OTA lớn nhất Trung Quốc, doanh thu hơn 1.2 tỷ USD, niêm yết sàn NASDAQ (Mỹ) với giá trị vốn hóa thị trường lên tới hơn 28 tỷ USD. Ctrip thuê hàng ngàn kỹ sư công nghệ làm việc, nhiều nhóm cùng được giao phát triển một loại ứng dụng, sau đó hội đồng quản trị sẽ lựa chọn giải pháp ưu việt nhất. Bên cạnh đó, Ctrip cũng vung tiền thâu tóm những đối thủ có công nghệ tiềm năng, như mua lại Skyscanner – dịch vụ tìm kiếm khách sạn, chuyến bay và cho thuê xe của Scotland với giá 1,74 tỷ USD.

Với thế mạnh về vốn, những OTA ngoại có thể “ứng” nhiều tiền để đặt trước một lượng lớn phòng với vị trí đắc địa, dịch vụ tốt trong cả năm, bảo đảm không bị thiếu phòng trong mùa cao điểm. Ngoài ra, đó còn là những chiến dịch truyền thông, quảng bá rầm rộ trên quy mô lớn, đi kèm những chương trình ưu đãi hấp dẫn, đem lại hiệu quả thu hút du khách cao.

Một thách thức lớn nữa đối với các OTA Việt Nam khi cạnh tranh cùng các đối thủ nước ngoài, đó là mô hình kinh doanh này cũng mới chỉ xuất hiện gần đây, những doanh nghiệp của chúng ta hoàn toàn là những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, thiếu hụt nền tảng vốn, công nghệ lẫn kinh nghiệm. Bên cạnh đó, phí thanh toán thẻ tín dụng tại Việt Nam hiện vẫn tương đối cao, ở mức 2 – 3%, làm giảm khả năng cạnh tranh về giá dịch vụ, trong khi ở nước ngoài mức phí này thường chỉ duy trì ở mức trên dưới 1%. Chẳng hạn, một vé máy bay khứ hồi Tokyo – TP. Hồ Chí Minh mua trên trang web của Gotadi có giá khoảng 10,3 triệu đồng – tương đối rẻ so với khi mua qua đại lý (gần 11 triệu đồng), tuy nhiên khi thanh toán bằng thẻ với mức phí 3% thì cũng trở nên không còn rẻ nữa.

Cơ hội vẫn còn nhưng phải tự đổi mới  

Dù đang bị lấn lướt, các OTA Việt Nam vẫn còn lợi thế “sân nhà” nhờ vào sự am hiểu thị trường và văn hóa bản địa, có mối quan hệ tốt với những nhà cung cấp như khách sạn, nhà nghỉ, … và có thể xuất hóa đơn VAT – phù hợp với tập quán kinh doanh trong nước. Với một thị trường có dân số hơn 90 triệu người, nếu tận dụng được những lợi thế kể trên, các doanh nghiệp Việt vẫn có cơ hội chuyển mình.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh OTA trong nước đã chủ động liên kết, cải tiến chất lượng, đưa ra những sản phẩm mới nhằm chia lại thị phần, có thể kể tới Gotadi, iVivu, Tugo, Vntrip, Chudu24, Triip, … Trong đó, tiêu biểu có Vntrip.vn đang nổi lên như một thế lực khi vừa được hai quỹ đầu tư Fenghe Group và Hancock Revocable rót 3 triệu USD đầu tư; Tugo.com.vn cũng tỏ ra không kém cạnh khi đạt doanh thu 5 triệu USD trong năm 2016 và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến cán mốc 100.000 lượt khách trong năm 2017. Từ năm 2014, HG Travel đã khai thác mảng du lịch trực tuyến thông qua Gotadi.com và mạnh dạn tái cấu trúc công ty theo hướng số hóa các quy trình kinh doanh, đồng thời chủ động liên kết với các đối tác trong nước – theo cả chiều dọc lẫn chiều ngang để mở rộng mạng lưới thu hút người dùng; Gotadi cũng là trang web đầu tiên tại Việt Nam có kết nối API trực tiếp với cả ba hãng hàng không nội địa lớn nhất Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacifici) cam kết giá vé máy bay sẽ đúng với giá niêm yết của các hãng. Trước HG Travel, từ năm 2011, Tập đoàn Thiên Minh – nổi tiếng với thương hiệu lữ hành Buffalo đứng đầu thị trường Việt Nam, cũng đã phát triển iVivu.com như một mảng kinh doanh mới quan trọng của công ty, đạt mức tăng trưởng hằng năm từ 25 – 30%; mạng lưới hiện nay gồm có 11 khách sạn, khu nghỉ dưỡng với gần 800 phòng tại ba nước Đông Dương, 12 văn phòng đại diện trên thế giới, phục vụ trên 140.000 du khách mỗi năm đang là những nền tảng bổ trợ rất tốt cho sự phát triển của iVivu.

Theo ông Trần Trọng Kiên, cùng với sự tự thân vận động của các doanh nghiệp du lịch, Nhà nước cần ban hành những chính sách để hỗ trợ như: xây dựng môi trường bình đẳng hơn về thuế (hiện các OTA nước ngoài hoạt động tại Việt Nam không phải chịu thuế, còn các OTA nội thì có); thiết lập các rào cản kỹ thuật đối với những OTA nước ngoài để các doanh nghiệp trong nước có đủ thời gian lớn mạnh và tích lũy nguồn lực; hỗ trợ các OTA nội trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để tăng cường năng lực cạnh tranh; bên cạnh đó là kêu gọi các nhà mạng viễn thông đầu tư nâng cấp băng thông và tăng tốc độ kết nối internet, vv.1  
——–
Chú thích:
1. Online Travel Agency (OTA) là đại lý du lịch bán sản phẩm qua kênh trực tuyến. Các đại lý như vậy thường không trực tiếp đưa ra sản phẩm du lịch mà làm đại lý bán dịch vụ cho các doanh nghiệp cung cấp. Tất cả các giao dịch từ việc đặt dịch vụ cho đến thanh toán đều được thực hiện trực tuyến.
2. Google: Southeast Asia’s digital market to grow more than sixfold to $200b by 2025. Link: https://www.techinasia.com/google-temasek-economy-sea
3. Báo cáo Chỉ số Thương mại Điện tử Việt Nam 2017, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam. Nguồn: http://vecom.vn/wp-content/uploads/2017/02/Bao-cao-EBI-2017-Final.pdf
4. Google Study Forecasts Southeast Asia Online Travel Market at $76 Billion in 2015. Link: https://skift.com/2016/08/09/google-study-forecasts-southeast-asia-online-travel-market-at-76-billion-in-2025/
5. Exclusive: Ctrip CEO on Global Ambitions, Skyscanner Buy and the Priceline Relationship. Link: https://skift.com/2016/11/28/exclusive-ctrip-ceo-on-global-ambitions-skyscanner-buy-and-the-priceline-relationship/

Tác giả