Phá vỡ bí mật của “Cô gái đeo hoa tai ngọc trai”

Có nhiều thông tin của bức họa “Cô gái đeo hoa tai ngọc trai” còn nằm ngoài cặp mắt của người yêu tranh.

“Girl With The Pearl Earring” (Cô gái đeo hoa tai ngọc trai) của Johannes Vermeer

“Girl With The Pearl Earring” (Cô gái đeo hoa tai ngọc trai) của Johannes Vermeer là một trong những bức họa được yêu thích nhất trên thế giới. Và giờ các nhà khoa học tin là họ biết tại sao, khi đo đạc cách bộ não tương tác khi ngắm bức họa.

Bảo tàng Mauritshuis ở thành phố The Haygue, là nơi sở hữu kiệt tác của thế kỷ 17 này. Họ mới trao cho các nhà khoa học thần kinh cơ hội đo lường ảnh hưởng của não bộ khi khách tới bảo tàng thưởng lãm bức chân dung này cũng như những bức họa nổi tiếng khác ở đây.

Họ phát hiện ra là người xem bị một hiện tượng thần kinh đặc biệt nắm bắt – hiện tượng mang tên ‘vòng chú ý bền vững” – điều mà họ tin là độc nhất vô nhị với “Cô gái đeo hoa tai ngọc trai”.

Cặp mắt người xem bị thu hút một cách tự động với cặp mắt của chính cô gái, sau đó chuyển hướng đến đôi môi cô rồi lướt sang những viên ngọc trai, cuối cùng trở lại với đôi mắt, và cứ tiếp tục như vậy.

Điều này khiến cho người xem nhìn vào bức họa này lâu hơn các bức khác, theo lời giải thích của Martin de Munnik ở công ty nghiên cứu Neurensics, nơi thực hiện nghiên cứu.

“Bạn phải đặt chú ý vào bức họa dù muốn hay không. Bạn phải yêu cô ấy, dù bạn muốn hay không”, ông giải thích về hiện tượng kỳ lạ này.

Bằng việc đo lường sóng não, các nhà khoa học khám phá ra tiểu thùy tứ giác, phần của bộ não điều khiển ý thức và nhận diện cá nhân, là nơi kích thích nhiều nhất.

“Có thể dự đoán là cô gái này thật sự đặc biệt. Nhưng lý do tại sao vẫn là một điều ngạc nhiên với chúng tôi”, De Munnik nói.

Ông cũng cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên sử dụng các thiết bị quét não như điện não đồ và cộng hưởng từ để đo lường phản hồi của thần kinh với tác phẩm nghệ thuật.

“Bạn càng nhìn ai đó lâu hơn thì người ấy càng trở nên đẹp đẽ hơn hoặc thu hút hơn”, ông lưu ý về nguyên nhân vì sao kiệt tác của bậc thầy hội họa Hà Lan này lại được nhiều người yêu thích.

“Tại sao bạn lại thấy thân thuộc với bức họa này mà không phải bức họa khác? Bởi vì điều đặc biệt mà cô ấy có”.

“Bộ não không nói dối”

Khách tới bảo tàng đều bị thu hút bởi ánh mắt này.

Các nhà khoa học cũng so sánh phản hồi thần kinh khi ngắm nhìn các bức họa bậc thầy trong bảo tàng với một bức họa sao chép.

Họ phát hiện ra, với bức họa nguyên bản, người xem có phản hồi cảm xúc mạnh hơn gấp 10 lần so với một bức áp phích.

Để thực hiện các thí nghiệm này, họ đã gắn một thiết bị theo dõi mắt và mũ dò sóng não lên 10 tác phẩm đã được chứng thực là bức họa nguyên tác cũng như với các bản sao.

Điều này nhằm mục đích chứng tỏ tầm quan trọng của việc ngắm các tác phẩm nghệ thuật gốc, giám đốc bảo tàng Mauritshuis Martine Gosselink nói.

Điều quan trọng là tiếp xúc với nghệ thuật, dù là nhiếp ảnh, nhảy múa hay các kiệt tác từ thế kỷ 17”, bà nói. “Rất quan trọng, và nó thực sự giúp phát triển bộ não của bạn… Bộ não không nói dối”.

Vermeer thường thu hút sự tập trung lên một điểm nào đó trong tác phẩm của mình, khi vẽ những chi tiết gắn xung quanh thêm phần mờ nhòe, bà giải thích.

Tuy nhiên, “Cô gái đeo hoa tai ngọc trai” lại có ba điểm thu hút – mắt, miệng, hoa tai ngọc trai – và Gosselink cho biết điều này đã đặt bức họa này sang một phía khác với các kiệt tác khác của Vermeer.

“Tại đây chúng ta thấy ai đó thực sự nhìn vào bạn, trong khi ở mọi bức họa khác của Vermeer, bạn chỉ thấy ai đó đang viết hoặc bận làm việc gì đó’, bà nói. “Nhưng bức họa này hoàn toàn khác biệt. Cô ấy đang ngắm nhìn chính bạn”.

De Munnik cho rằng thật thú vị nếu có những nghiên cứu tương tự trên các bức họa nổi tiếng khác, như “Mona Lisa” của Da Vinci chẳng hạn.

Giám đốc Mauritshaus Gosselink ám chỉ sự cạnh tranh giữa hai kiệt tác “Có người thi thoảng gọi ‘Cô gái đeo hoa tai ngọc trai’ là Mona Lisa của phương Bắc nhưng tôi nghĩ thi thoảng cũng nên thay đổi, có thể ‘Mona Lisa’ sẽ là cô gái phương Nam”.

Thanh Hương dịch

Nguồn: https://phys.org/news/2024-10-scientists-secret-girl-pearl-earring.html

Tác giả

(Visited 267 times, 2 visits today)