Phân bón ruộng từ than sinh học

Tận dụng nguồn nguyên liệu phụ phẩm trong nông nghiệp, ThS Mai Thị Lan Anh, Khoa Môi trường và Trái đất thuộc Đại học Thái Nguyên, đã sáng chế ra than sinh học có thể dùng làm phân bón ruộng.

ThS Nguyễn Thị Mai Anh đã sử dụng nhiều loại nguyên liệu có sẵn trong quá trình sản xuất nông nghiệp như rơm, rạ, lõi ngô, vỏ trấu đưa vào lò đốt than sinh học ĐK – TR 1 hoặc bếp đun cải tiến ĐK – T2 và nung ở nhiệt độ khoảng 500 đến 600 độ C. Sau nhiều giờ, nguồn các bon sinh khối này tự chuyển thành than.

Khi đem bón ruộng, với điều kiện thời tiết và môi trường Việt Nam, than sinh học sẽ giúp làm chậm quá trình thoái hóa đất, chống bạc màu, giảm độ chua… Gần như toàn bộ thành phần chất dinh dưỡng trong nguyên liệu sẽ giúp vi sinh vật trong đất phát triển, thúc đẩy quá trình cải tạo đất và tăng năng suất cây trồng. Khả năng giữ chất dinh dưỡng của đất được cải tạo nhờ than sinh học không chỉ giúp cho người sử dụng không tốn thêm kinh phí mua thêm phân bón mà còn giúp giảm thiểu những tác động có hại đến môi trường, khí hậu trên vùng đất canh tác. Dầu tái tạo trong quá trình nhiệt phân than có thể được sử dụng làm nhiên liệu.

Từ việc sử dụng than sinh học, nhiều lợi ích thiết thực đã được đo đếm cho đất canh tác như giảm phát thải khí metan, giảm phát thải khí ôxít nitơ (ước tính 50%), giảm độ a xít, tăng mức độ sẵn có về kali, phốt pho, măng gan…, tăng sự hô hấp vi khuẩn đất, kích thích cộng sinh cố định đạm trong cây họ đậu, tăng sinh khối vi sinh vật đất…

Với những lợi ích này, mô hình sản xuất than sinh học có thể sẽ được triển khai rộng rãi, giúp người dân tái sử dụng nguồn nguyên liệu thừa mà không làm ô nhiễm môi trường bằng phương pháp đốt bỏ như phổ biến hiện nay.

Công trình của ThS Mai Thị Lan Anh đã gây ấn tượng mạnh với BTC Chương trình Sáng tạo Việt về những lợi ích đa dạng của nó.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)