Phát hiện hóa thạch một loài người tiền sử mới
Cây phả hệ của con người đã phát sinh thêm một nhánh khác sau khi các nhà khoa học khai quật được di cốt của một loài chưa được biết đến trước đây từ một hang động ở Philippines. Loài mới này được đặt tên là Homo luzonensis.
Nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế tại hang Callao. Ảnh: Armand Salvadore Nujares / AFP – Getty Images file.
Phát hiện mới được công bố trên tạp chí Nature vào ngày 10 tháng tư, có khả năng xới lại cuộc tranh luận về việc lần đầu tiên loài người cổ đại rời khỏi châu Phi như thế nào. Và niên đại của di cốt là khoảng 50.000 năm cách ngày nay – cho thấy bằng chứng có thể có các loài Homo khác nhau đã từng sinh sống ở khu vực Đông Nam Á.
Dấu vết đầu tiên của loài mới này đã bắt đầu được phát hiện từ khoảng một chục năm về trước, khi các nhà nghiên cứu báo cáo về việc phát hiện xương chân có niên đại ít nhất 67.000 năm tuổi trong hang Callao trên đảo Luzon, Philippines. Các nhà nghiên cứu không chắc chắn được là xương này thuộc về loài nào, nhưng báo cáo ban đầu của họ cho rằng có thể giống một cá thể Homo sapien còn nhỏ.
Nhiều cuộc khai quật tiếp theo tại hang Callao sau đó đã phát hiện thêm một xương đùi, bảy chiếc răng, hai xương chân và hai xương bàn tay – nhưng có những đặc điểm không giống với Homo sapien, theo nhà cổ nhân học Florent Détroit tại Bảo tàng lịch sử tự nhiên quốc gia Pháp, trưởng nhóm nghiên cứu. Các di cốt này có thể thuộc về ít nhất là hai người lớn và một trẻ em.
So sánh với các loài khác trong chi Homo
Homo luzonensis là loài mới thứ hai thuộc chi Homo được xác định ở Đông Nam Á trong những năm gần đây. Trước đó, vào năm 2004, một nhóm nghiên cứu khác đã công bố phát hiện ra Homo floresiensis – còn được gọi là Hobbit – có chiều cao chỉ khoảng hơn một mét trên đảo Flores ở Indonesia.
Xương răng của Homo luzonensis. Ảnh: Callao Cave Archaeology Project.
Nhưng Détroit và các đồng nghiệp cho rằng di cốt trong hang Callao khác biệt với Homo floresiensis và các loài khác, trong đó có Homo erectus (người đứng thẳng) được cho là rời khỏi châu Phi lần đầu tiên vào khoảng 2 triệu năm trước.
Cụ thể, răng hàm của di cốt trong hang Callao rất nhỏ so với những loài người cổ đại khác. Các chỏm răng hàm giống như ở Homo sapien nhưng không rõ rệt như những Hominin (họ người) khác trước đó. Đặc điểm của men răng hàm trông giống như cả các mẫu vật Homo sapien và Homo erectus đã tìm thấy ở châu Á. Các răng tiền hàm được phát hiện tại hang Callao tuy nhỏ nhưng vẫn nằm trong phạm vi đặc điểm của Homo sapien và Homo floresiensis. Nhưng về mặt tổng thể, kích thước của răng cũng như tỉ lệ giữa kích thước của răng hàm và răng tiền hàm khác biệt với các loài khác thuộc chi Homo.
Hình dạng của xương chân Homo luzonensis cũng khác biệt. Dường như các xương chân này giống với Australopithecus (Vượn người phương Nam – được phát hiện với hóa thạch tiêu biểu là vượn người Lucy ở phía Bắc Ethiopia, châu Phi. Lucy có niên đại khoảng 3,2 triệu năm tuổi). Các đường cong ở xương ngón chân và xương ngón tay của di cốt Homo luzonensis cho thấy loài này có thể trèo cây rất thuần thục.
Các nhà nghiên cứu vẫn thận trọng trong nhận định về chiều cao của Homo luzonensis nhưng với hàm răng và xương chân nhỏ của các di cốt, Détroit cho rằng có thể loài này có kích thước tương đương với một số nhóm Homo sapien thấp nhỏ. Chẳng hạn như ngày nay một số nhóm cư dân bản địa sống ở Luzon và một số địa điểm khác ở Philippines thấp, nam giới có chiều cao trung bình được ghi nhận là khoảng 151 cm và phụ nữ khoảng 142 cm.
Xương ngón chân cong của Homo luzonensis để thích nghi với việc leo trèo. Ảnh: Callao Cave Archaeology Project.
Vị trí trong cây phả hệ
Các nhà nghiên cứu đang thảo luận về vị trí của Homo luzonensis trong cây phả hệ của loài người. Détroit ủng hộ quan điểm rằng các loài Homo mới xuất phát từ Homo erectus và có cơ thể dần dần phát triển thành các hình dạng khác với tổ tiên ban đầu.
“Và có thể có các con đường tiến hóa khác nhau giữa các hòn đảo”, theo nhà cổ nhân học Gerrit van den Bergh tại Đại học Wollongong ở Australia. “Chúng ta có thể tưởng tượng là Homo erectus di chuyển đến các hòn đảo như Luzon hoặc Flores và cần phải thích nghi với việc sống ở trên cây vào ban đêm”.
Nhưng với những đặc điểm tương đồng với Vượn người phương Nam, các nhà khoa học cũng băn khoăn liệu rằng Homo luzonensis có xuất phát từ một dòng di cư nào đó ra khỏi châu Phi trước cả Homo erectus hay không (vượn người phương Nam chưa được tìm thấy ở các khu vực khác ngoài châu Phi).
Việc nghiên cứu dữ liệu di truyền từ các di cốt này có thể sẽ giúp các nhà khoa học xác định được mối liên hệ của loài mới được phát hiện này với các loài Homo khác, nhưng những nỗ lực trích xuất DNA từ di cốt của Homo luzonensis đã thất bại. Tuy nhiên, các di cốt này có niên đại ít nhất là 50.000 năm cách ngày nay cho thấy rằng, có thể Homo luzonensis đã sinh sống, di chuyển ở khu vực Đông Nam Á cùng thời điểm với Homo sapien, Homo floresiensis và một nhóm vẫn còn nhiều bí ẩn là Denisovans – mà các nhà khoa học cũng đã tìm thấy DNA của người Denisovan ở cư dân châu Á ngày nay.
“Các đảo ở Đông Nam Á dường như chứa đầy những điều bất ngờ về cổ nhân học và sẽ làm phức tạp các kịch bản tiến hóa tưởng chừng như đơn giản của loài người”, William Jungers, một nhà cổ sinh học tại Đại học Stony Brook ở New York nhận định.
Các nhà khoa học đang thảo luận về vị trí của loài mới trong cây phả hệ loài người. Ảnh cây phả hệ: http://humanorigins.si.edu/evidence/human-family-tree
Bảo Như dịch
Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-019-01152-3