Phát triển năng lượng sạch có giữ được đa dạng sinh học?
Tuy được coi là giải pháp hay để chúng ta từ bỏ nhiên liệu hóa thạch nhưng theo thời gian, các nhà máy điện gió, điện mặt trời và thủy điện lại đang dần dịch chuyển vào những nơi có môi trường sống dễ bị hủy hoại nhất trên thế giới.
Trong những năm gần đây, các cuộc chạy đua phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) trên toàn thế giới đang dần hủy hoại một trong những tiêu chí bền vững của nó, đó là sự phá hủy các khu vực được khoanh vùng bảo tồn đa dạng sinh học. Các nghiên cứu cho thấy có sự chồng chéo đáng báo động giữa những môi trường sống cần được bảo tồn trên thế giới và vị trí của các nhà máy điện gió, điện mặt trời và thủy điện đang hoạt động hay đã được lên kế hoạch xây dựng.
Giảm phát thải khí nhà kính để chống biến đổi khí hậu bằng việc thay thế các cơ sở năng lượng tái tạo cho các nhà máy nhiệt điện than và khí đốt là mục tiêu trọng điểm trong chương trình nghị sự của 140 quốc gia cùng tham gia ký kết Hiệp định Paris về Chống Biến đổi Khí hậu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tin rằng, phải lập kế hoạch xây dựng các nhà máy điện tái tạo và khai thác khoáng sản, kim loại cần thiết một cách cẩn thận để tránh tổn hại đến các khu đa dạng sinh học không thể thay thế.
Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Global Change Biology đã chỉ ra, hiện có hơn 2.200 cơ sở năng lượng tái tạo và khoảng 900 dự án khác đang được xây dựng tại chính các khu bảo tồn, khu đa dạng sinh học trọng yếu và rừng nguyên sinh. Ông José Rehbein, chuyên gia tư vấn cấp cao về Môi trường, Tài nguyên Thiên nhiên và Kinh tế Xanh của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết: “Các cơ sở năng lượng và hạ tầng xung quanh như đường xá và các hoạt động dân sinh có thể gây ra tổn hại vô cùng lớn đến môi trường tự nhiên. Do đó, sự phát triển của năng lượng tái tạo hiện nay đang không tương thích với các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học”.
Ông và các cộng sự đã từng hết lòng ủng hộ chiến dịch chuyển đổi, sử dụng năng lượng tái tạo một cách nhanh chóng để tránh biến đổi khí hậu và bảo vệ một số loài động thực vật quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, hiện nay José Rehbein lại nỗ lực kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và các công ty năng lượng đảm bảo việc phát triển các cơ sở năng lượng tái tạo không làm tổn hại đến các khu đa dạng sinh học.
Theo nhận xét của ông Rehbein, “một số nhà máy thủy điện đang nằm trong khu vực cần được bảo tồn và điều tương tự cũng đang xảy ra với điện gió. Trường hợp này có thể ít xảy ra với năng lượng mặt trời bởi các tấm pin quang điện chỉ chiếm một phần nhỏ không gian và dễ dàng di chuyển để tránh xâm phạm đến khu vực cần được bảo vệ. Tuy nhiên, do đặc điểm của các tuabin gió luôn cần đặt trong khu vực có luồng gió liên tục nên chúng rất có thể trở thành mối đe dọa cho các loài chim và dơi. Đối với các nhà máy thủy điện, vấn đề ở vị trí của thượng nguồn và hạ lưu các con đập chắc chắn sẽ phá vỡ hệ sinh thái xung quanh”.
Một loạt các tấm pin mặt trời khổng lồ tại một nhà máy quang điện thuộc vùng nông thôn ở ngoại ô thành phố Ninh Ba, miền đông Trung Quốc. Trong khi năng lượng mặt trời được coi là máy phát điện tái tạo linh hoạt nhất thì sự gia tăng các nhà máy quy mô lớn đã làm dấy lên lo ngại. Nhiều nhà máy năng lượng như vậy hiện đang được lắp đặt ở các khu vực ven biển hoặc các hồ chứa nhằm làm giảm nhu cầu về các dự án thủy điện nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó có thể lường trước. Ảnh: Cynthia Lee / Alamy
Làm “sạch” môi trường xung quanh
Tất cả các cơ sở mới đều tiềm ẩn những rủi ro từ việc phát quang môi trường xung quanh để xây dựng hạ tầng thiết yếu như đường xá, cột điện và dây cáp cung cấp điện.
Theo ông Rehbein, cho dù các nhà máy năng lượng tái tạo được đặt trong các khu vực bảo tồn nhạy cảm trên thế giới chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ (17,4%) nhưng lại có khả năng gây ra những vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Trong lịch sử phát triển, các ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng khác chưa từng được xây dựng ở những nơi quan trọng như vậy. Đáng chú ý, một số lượng lớn các cơ sở tái tạo của các quốc gia như Đức, Tây Ban Nha và Trung Quốc đang nằm trong các khu bảo tồn quan trọng; hơn một nửa số nhà máy khác đang được phát triển ở Ấn Độ, Đông Nam Á, Nam Mỹ hoặc Châu Phi tiếp tục được quy hoạch chồng chéo trong các khu vực có vai trò quan trọng đối với đa dạng sinh học toàn cầu.
Khi đề cập đến vị trí của các nhà máy điện mặt trời, điện gió và thủy điện, ông cảm thấy lo ngại bởi những nỗ lực nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu đang khiến năng lượng tái tạo lấn lướt các tuyên bố bảo vệ đa dạng sinh học. Không chỉ đơn thuần là giảm thiểu carbon, mục tiêu phát triển bền vững còn bao hàm cả đa dạng sinh học và đa dạng sinh học xứng đáng giữ vị trí quan trọng ngang bằng với biến đổi khí hậu. Do đó, theo ông Rehbein, các tổ chức bảo tồn cần được mời tham gia xây dựng chiến lược cho các khu công nghiệp, đồng thời đóng góp cho chính phủ những bản đồ chính xác, chi tiết về các khu vực thiết yếu đối với bảo tồn đa dạng sinh học.
Mặt khác, ông Rehbein cũng cảnh báo: năng lượng tái tạo là một thương vụ kinh doanh, không hướng đến mục đích bảo tồn, gìn giữ đa dạng sinh học và các công ty năng lượng luôn đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Điều này dẫn đến việc lựa chọn địa điểm đặt nhà máy luôn là những nơi thuận tiện nhất, thay vì cân nhắc đến sự bền vững của đa dạng sinh học.
Cùng quan điểm này, tiến sĩ James Allan của Đại học Amsterdam, cho rằng không giống như nạn phá rừng và các hoạt động trái phép gây ô nhiễm, hầu hết các hoạt động phát triển làm suy thoái các khu bảo tồn đáng lẽ nên bị chính phủ trừng phạt thì lại luôn được coi là việc làm hợp pháp. Để ngăn chặn điều này, cần thay đổi các chính sách và cách thế giới nhìn nhận về sự phát triển. Vấn đề cốt lõi ở đây là phải đảm bảo các cơ sở năng lượng tái tạo được xây dựng tại địa điểm không làm tổn hại đến đa dạng sinh học. Chúng ta có đủ những khu vực đất đai vừa cằn cỗi, vừa không ai tranh giành nhưng vẫn tiềm năng cho năng lượng tái tạo, do đó không nhất thiết phải xâm phạm tới các khu bảo tồn.
Tiến sĩ James Allan nhấn mạnh, việc xây dựng các cơ sở năng lượng tái tạo sẽ còn dẫn đến những hậu quả không mong muốn, đó là việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho dự án như các dịch vụ thiết yếu, những tuyến đường hỗ trợ, những hoạt động thu hút lao động từ nơi khác, tạo dựng được các thị trấn mới, nho nhỏ ở những “vùng sâu vùng xa” chưa từng có bóng dáng con người trước đó.
Trong tất cả các nguồn năng lượng tái tạo, thủy điện dường như tiềm ẩn các tác động lớn nhất, không chỉ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học địa phương mà còn ảnh hưởng tới các loài thực vật và động vật sống dựa vào dòng chảy tự do ở thượng nguồn, cục bộ và hạ lưu.
Nhà nghiên cứu Michele Thieme, trưởng nhóm nghiên cứu khoa học nước ngọt tại Quỹ Bảo tồn Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) từng so sánh các con sông giống như mạch máu của hệ sinh thái; do đó bất kỳ chính sách bảo tồn thiên nhiên nào cũng đều ưu tiên hướng đến dòng chảy tự do của các con sông. Bà đã từng công bố một đánh giá toàn cầu cho thấy 1.249 đập lớn trong các khu bảo tồn và 509 đập khác được lên kế hoạch hoặc đang xây dựng trong các Khu bảo tồn, bao gồm Vườn quốc gia ở Thung lũng Valbona (Albania) và Khu bảo tồn rừng ven sông Kaliwa ở Philippines. Bà Thieme cho rằng: “Số lượng các con đập được quy hoạch xây dựng trong các khu bảo tồn đang ở mức đáng báo động. Chính sách của chính phủ và các ban ngành cần phải ngăn chặn các đập được xây dựng trong các khu vực nhạy cảm này”.
Bà cũng cho biết nhiều trường hợp ghi nhận các con đập gây ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, điển hình như hai con đập trên sông Madeira ở rừng Amazon (Brazil): dù đem lại một nguồn điện cho Brazil nhưng nó lại gây ra lũ lụt ở thượng nguồn, lan rộng tới Bolivia và làm ảnh hưởng tới các hoạt động đánh bắt cá da trơn ở nơi này. Theo thống kê, các con đập trên sông Madeira gây ra ngập úng kéo dài tới 606km2, trong đó 78% là rừng, vượt quá 160km2 so với dự đoán ban đầu. Hơn nữa, tập tục di cư ra khỏi vùng lũ để tìm sinh kế của người dân địa phương đã dần xóa sạch các khu rừng nguyên sinh. Đó là tác động tiêu cực của các con đập đối với hệ động thực vật địa phương khiến Thiemeeven thường kêu gọi nên dỡ bỏ trong các khu bảo tồn như một bước khởi động nhằm khôi phục lại hệ thống sông ngòi. Tại Mỹ, hai đập lớn trên sông Elwha đã được dỡ bỏ nhằm tạo điều kiện cho cá hồi di cư và tái tạo môi trường sống trong Vườn quốc gia Olympic.
Đập Santo Antonio trên sông Madeira, tỉnh Porto Velho, Brazil. Những người chỉ trích hai con đập của con sông khẳng định nhà máy thủy điện ở đây được xây dựng mà không cần đến đánh giá tác động môi trường bởi nó được coi là một loại điện “xanh”, do đó xu hướng này đang tạo tiền lệ cho các kế hoạch tương tự trong tương lai. Ảnh: A.P.S. (UK)/Alamy
Khai thác khoáng sản và kim loại cho các cơ sở tái tạo
Một hệ quả không mong muốn nữa trong cuộc chạy đua phát triển năng lượng tái tạo là nhu cầu liên tục tăng cao về vật liệu xây dựng, sản xuất, phân phối và lưu trữ năng lượng. Điều này dẫn đến sự gia tăng khai thác kim loại và khoáng sản như đồng, coban, liti và thậm chí cả sắt, với nhiều mỏ đang hoạt động và được quy hoạch nằm trong các khu vực trọng điểm về bảo tồn đa dạng sinh học. Theo tiến sĩ Laura Sonter thuộc Đại học Queensland, trên thế giới, khoảng 8% các khu vực khai thác nằm trong các khu với các khu bảo tồn, 7% đang ở các khu đa dạng sinh học trọng yếu và 16% thuộc khu vực rừng nguyên sinh.
Tiến sĩ Laura Sonter cho rằng, nếu không có kế hoạch khai thác cụ thế, các mỏ này sẽ trở thành mối đe dọa đối với đa dạng sinh học vượt xa những hậu quả đã được đẩy lùi bởi giảm thiểu biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu mới đây của bà vừa được công bố trên tạp chí Nature Communications, nếu biến đổi khí hậu gây ra 20% ảnh hưởng trực tiếp tới hành tinh của chúng ta thì việc suy thoái môi trường sống hiện đang đe dọa hơn 80% các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Bà Sonter lưu ý, “Có khi, sản xuất năng lượng tái tạo càng nhiều thì càng gây ảnh hưởng lớn đến các loài động thực vật, hệ sinh thái và những khu vực đa dạng sinh học, thậm chí lớn hơn cả những tác động do biến đổi khí hậu”. Đối với bà, biến đổi khí hậu là vấn đề quan trọng nhất cần giải quyết nhưng “điều cấp bách là cần hiểu rõ rủi ro có thể xảy ra với đa dạng sinh học khi khai thác các tài nguyên thiên nhiên, từ đó phải có những tính toán chiến lược trong các chính sách bảo tồn. Tuy nhiên, hiện nay, các chính sách khí hậu quốc tế vẫn chưa xem xét nghiêm túc đến việc phải đánh đổi sau này”.
Do đó, việc tăng cường chính sách để tránh hậu quả tiêu cực đến từ hoạt động khai thác ở những khu bảo tồn đồng thời giải quyết một cách rõ ràng vấn đề quy hoạch cảnh quan sẽ đóng vai trò then chốt trong việc hạn chế tối đa những mối đe dọa có thể xảy ra trong tương lai.
Trần Thiện Phương Anh/VINATOM dịch