Phát triển thương hiệu nông sản ĐBSCL: Bắt đầu từ đâu?

Trong Hội nghị về thúc đẩy phát triển nông nghiệp ĐBSCL chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, không chỉ Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Minh Hoan mà nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp đều nhắc đến chuỗi liên kết giá trị và cả việc xây dựng thương hiệu cho nông sản từ chuỗi giá trị đó chỉ để giải đáp một vấn đề “làm sao để nông sản ĐBSCL tự cứu mình”.

Thương hiệu yếu vì thiếu chất lượng

Mỗi khi nhắc đến ĐBSCL, người ta thường nghĩ ngay đến những cánh đồng lúa và những miệt vườn cây trái. Tuy nhiên, khi hỏi đó là những sản vật cụ thể gì thì ai cũng ngớ người ra vì… không biết. Mãi đến gần đây, người ta mới có thể nhắc đến gạo ST25 “ngon nhất thế giới”. Tại sao vậy? Tại sao hoa trái xứ mình ngon ngọt lạ thường như vậy mà mãi “áo gấm đi đêm”, bán hoài, xuất khẩu hoài vẫn chẳng có tiếng tăm. Trên thực tế, “nông sản của mình bán ra ở châu Âu ít lắm, lâu lâu mới có vài thương vụ, mà đa phần bán trong cộng đồng người Việt hoặc cửa hàng của người gốc Á như Thái Lan chứ chưa đưa vào được hệ thống phân phối chính quy. Không phải chỉ có một vài chuyến hàng của một vài doanh nghiệp là có thể nói chúng ta đã chiếm lĩnh được thị trường khó tính. Khi vào được chuỗi phân phối thì mới có sức lan tỏa, người tiêu dùng mới biết đến, chúng ta mới định hình thương hiệu cho mặt hàng nông sản quốc gia”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thẳng thắn chỉ ra trong tọa đàm “Nông nghiệp – Trụ đỡ vững chắc trong biến động” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức cuối năm 2021 [1].

Tình trạng xuất khẩu chủ yếu dưới dạng nguyên liệu thô, không thương hiệu khiến một số mặt hàng nông sản ở ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung tuy thuộc hàng nhất nhì thế giới về sản lượng xuất khẩu như gạo, hạt tiêu, cà phê nhưng giá trị xuất khẩu lại không tương xứng. Đơn cử theo thống kê của Bộ Công thương năm 2021, sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam nằm trong nhóm thứ hai và thứ ba thế giới nhưng giá trị xuất khẩu chỉ đứng thứ 10. Bên cạnh thị trường xuất khẩu, ngay cả trong nước, nông sản có thương hiệu tốt luôn có mức giá cao hơn hẳn. Tiêu biểu như khi sản phẩm gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua đoạt giải nhất cuộc thi gạo ngon nhất thế giới năm 2019, hàng loạt điểm bán loại gạo này nhanh chóng cháy hàng. Nhờ giá trị thương hiệu của ST25, nhiều nơi đã chuyển sang trồng giống lúa này và cải thiện thu nhập rõ rệt so với lúc trước.

Việc phát triển thương hiệu là điều cần thiết để nâng cao giá trị của các loại nông sản ở ĐBSCL. Nguồn: Saigon RIders

Tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cho nông sản đã được bàn đến từ lâu. Vậy tại sao bao năm nay, thương hiệu nông sản của chúng ta vẫn mờ nhạt? Có ý kiến cho rằng phải thúc đẩy đăng ký bảo hộ, vì các quốc gia có thương hiệu nông sản nổi tiếng thế giới như gạo Hom Mali của Thái Lan, gạo Basmati của Ấn Độ,… đều được chú ý đăng ký bảo hộ từ rất sớm, vừa là cơ sở để phát triển thương hiệu, vừa tránh bị đánh cắp khi ra ngoài thị trường. “Khi gạo Hom Mali đoạt giải gạo ngon nhất thế giới, họ đã phát huy rất bài bản, xây dựng thành thương hiệu gạo quốc gia. Trong khi đó, khi gạo ST25 được vinh danh, chúng ta mới chỉ tặng bằng khen cho người phát minh ra giống lúa chứ chưa có động thái nào công nhận cũng như quản lý thương hiệu”, GS. Võ Tòng Xuân trả lời phỏng vấn trên báo Công thương năm 2021. Điều này vô cùng cần thiết khi muốn xuất khẩu nông sản sang những thị trường cao cấp như Hoa Kỳ, vì “người tiêu dùng Hoa Kỳ mua gạo thường chỉ dựa vào bao bì, nhãn hiệu, thậm chí cùng loại gạo đó nhưng đưa bao bì khác người ta cũng không mua”, đại diện một doanh nghiệp từng chia sẻ trên báo Kinh tế & Đô thị năm 2021.

Tuy nhiên, việc thiếu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu không phải là vướng mắc chính trong phát triển thương hiệu nông sản ở ĐBSCL. Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) năm 2019, ĐBSCL là vùng có số lượng nông sản được đăng ký bảo hộ (dưới dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý) nhiều nhất cả nước.[2] Dưới sự hỗ trợ của các chương trình phát triển tài sản trí tuệ, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP),… số lượng thương hiệu nông sản được đăng ký bảo hộ ngày càng tăng. Với sản phẩm chủ lực là lúa gạo, từ năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice tại Việt Nam do Bộ NN&PTNT là chủ sở hữu nhãn hiệu. Đến nay, nhãn hiệu này được bảo hộ tại 22 quốc gia với kỳ vọng sẽ phát triển thương hiệu gạo quốc gia của Việt Nam.

Dù quan trọng nhưng “đăng ký bảo hộ chỉ là bước đầu tiên để có được dấu hiệu nhận biết (nhãn hiệu) của sản phẩm thôi, thương hiệu của nông sản phải dựa trên yếu tố chất lượng, từ quy trình sản xuất, chế biến, lưu thông,.. một thương hiệu chỉ thành công khi có được niềm tin của người tiêu dùng và chỗ đứng trên thị trường”, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch công ty Bagico Bắc Giang, người có nhiều năm kinh nghiệm về xuất khẩu nông sản nhận xét tại một diễn đàn do Bộ NN&PTNT tổ chức năm 2021.

Tuy nhiên, đây lại là điểm yếu của nông sản Việt Nam: “Từ trước đến giờ chúng ta bán cái chúng ta có chứ chưa song hành với những gì thị trường cần, về cả số lượng lẫn chất lượng. Tình trạng này dẫn đến ‘sập bẫy’ giải cứu nông sản do tạo ra sản lượng nhiều, dư thừa nhưng không đảm bảo yêu cầu chất lượng, truy xuất nguồn gốc,… Chúng ta không tạo được niềm tin trên thị trường, ngay cả trong nước nhiều khi cũng muốn quay lưng với nông sản nội, đi chợ cũng lo không biết rau này có bị tưới thuốc trừ sâu hay không”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Việc “bỏ bê” yếu tố chất lượng không chỉ làm giảm giá trị thương hiệu mà còn khiến ngành nông sản ở ĐBSCL dễ gặp rủi ro. Hầu hết nông sản nơi đây được xuất khẩu sang Trung Quốc – một thị trường lớn được coi là “dễ tính”. Nhưng đến gần đây, Trung Quốc bắt đầu siết chặt các quy định về nhập khẩu nông sản, yêu cầu nâng cao chất lượng, minh bạch về truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vùng trồng,… dẫn đến tình trạng xuất khẩu nông sản bị ùn ứ, thậm chí trả về do không đáp ứng được các tiêu chí này. “Trong năm 2021, các lô hàng xuất khẩu bị phía Trung Quốc đình chỉ và cảnh báo tăng khá nhanh”, TS. Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết trong tọa đàm trực tuyến chia sẻ thông tin, thích ứng với quy định mới trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc vào cuối năm ngoái.

Bám sát nhu cầu thị trường

Trước tình trạng này, chúng ta nên làm gì để các thương hiệu nông sản của ĐBSCL phát huy giá trị trên thị trường chứ không chỉ nằm trên giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu? Câu trả lời có lẽ nằm trong những từ khóa phát triển nông nghiệp mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chỉ ra: “Điều quan trọng nhất là hợp tác, liên kết, thị trường. Những người sản xuất phải hợp tác với nhau, đồng thời phải liên kết thành chuỗi giữa người sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến. Tất cả các hoạt động này phải dựa trên tiêu chí thị trường, chứ không phải bán cái chúng ta có. Chẳng hạn ngày xưa nông sản chất lượng chỉ cần ngon sạch, nhưng xu thế mới là nông nghiệp có trách nhiệm với biến đổi khí hậu, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ,… Một trong những thương hiệu tích hợp đa giá trị, bền vững theo xu hướng mới mà chúng tôi đang xây dựng là lúa thơm – tôm sạch ở ĐBSCL”.

Việc liên kết và hợp tác chặt chẽ cũng là yếu tố quan trọng để các mô hình canh tác an toàn, góp phần nâng cao chất lượng nông sản như VietGAP, GlobalGAP,… phát huy hiệu quả. Dù đã triển khai từ lâu song đến nay, số lượng diện tích rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP trên cả nước vẫn chưa đạt tới 10%, chưa kể đến những tiêu chuẩn cao hơn như GlobalGAP hay rau hữu cơ. Nguyên nhân là “chi phí khá tốn kém, một số nơi đã bỏ trồng theo VietGAP vì đầu ra không có”, theo ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) trả lời trên báo Hà nội mới năm 2016. Theo kinh nghiệm của một số ít nơi thành công như hợp tác xã Tân Tiến (Đà Lạt), “phải liên kết được các hộ nông dân bằng cách hỗ trợ quy trình sản xuất, đảm bảo ổn định đầu ra thì mới thu hút được nhiều người tham gia mô hình sản xuất rau an toàn”, ông Mai Văn Khẩn, Giám đốc HTX Tân Tiến cho biết.

Một trụ cột khác để phát triển thương hiệu là tăng cường chế biến và đa dạng hóa sản phẩm. “Chế biến sâu là yếu tố then chốt để gây dựng thương hiệu nông sản ở thị trường nội địa cũng như quốc tế, vừa giúp dễ dàng vận chuyển, bớt chi phí bảo quản so với trái cây tươi, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng. Thế mạnh của ngành nông nghiệp nước ta là có nhiều loại trái cây bổ dưỡng, tuy nhiên, hiện nay việc chế biến thành các loại nước uống hoặc các sản phẩm bổ dưỡng, tiện lợi cho sử dụng còn rất hạn chế”, ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO Công ty Cà phê trái cây Meet More cho biết.

Thanh Bình

[1] https://baochinhphu.vn/nong-nghiep-tru-do-vung-chac-trong-bien-dong-102302926.htm

[2] https://ipvietnam.gov.vn/web/guest/phat-trien-chi-dan-ia-ly/-/asset_publisher/SGA9PgvmYtWI/content/thuc-trang-trong-xay-dung-quan-ly-va-phat-trien-chi-dan-ia-ly-nhan-hieu-chung-nhan-va-nhan-hieu-tap-the

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)