Phê phán Bush, khi điều này còn chưa là „mốt“

Giáo sư Paul Krugman được giải thưởng Nobel về Kinh tế năm 2008 không chỉ là nhà kinh tế tầm cỡ quốc tế, người đã tiên đoán trước về cuộc khủng hoảng Dotcom, khủng hoảng tín dụng, và từng cảnh báo sớm về chính sách của  George W. Bush, ông còn là bỉnh bút, một ngôi sao của tờ "New York Times".

Đúng hôm Paul Krugman được tin được giải thưởng Nobel về kinh tế  thì trên tờ báo “New York Times” ra ngày thứ 2 vẫn xuất hiện như mọi kỳ bài bỉnh bút của ông bàn về vai trò tiên phong của Gordon Brown trong việc khắc phục cuộc khủng hoảng ngân hàng đang lan rộng trên thế giới hiện nay. Ông Krugman viết với giọng điệu khiêu khích, phải chăng vị Thủ tướng Anh này là người “cứu hệ thống tài chính toàn cầu” và qua mặt Chính phủ Mỹ đang bị mất uy tín dưới thời Tổng thống George W. Bush. Ông Krugman tả ngày được tin mình được giải thưởng Nobel: “Thật là một ngày hết sức kỳ quặc, nhưng kỳ quặc một cách dễ chịu” Nỗi lo lắng lớn nhất của ông là điện thoại di động liên tục đổ chuông.
Ông Edward Glaeser, một nhà nghiên cứu kinh tế ở Harward viết bài báo đầu tiên hoan nghênh  Krugman được giải thưởng Nobel trên  tờ  “New York Times” như sau: “Hiếm có nhà kinh tế được giải thưởng Nobel nào lại được nhiều người biết đến trước khi được giải như Krugman. Trong môi trường hàn lâm ông thực sự là người có công khai phá, cảnh báo sớm về nguy cơ cạnh tranh trong điều kiện thiếu các luật lệ và lý trí”, vì trong các bài viết của mình Krugman đã tiên đoán sớm không những về cuộc khủng hoảng của kỷ nguyên Bush mà cả về thảm họa tài chính trên thế giới hiện nay.
Riêng ông Krugman lại bình thản khi được tin về giải thưởng Nobel. Ông nói: “Điều này đối với một nhà khoa học kinh tế là một sự thừa nhận, nhưng đối với bạn đọc, có lẽ họ sẽ đọc kỹ hơn một chút khi tôi đề cập đến các vấn đề kinh tế, và họ cũng khoan dung hơn một chút,  khi thấy tôi tẻ nhạt”.

Krugman chỉ trích những điều mà người khác khen ngợi
Tính hay gây tranh cãi này trên các phương tiện truyền thông đã làm tăng  đáng kể lượng phát hành báo và số lượng sách bán ra (cho đến nay Krugman đã xuất bản 20 đầu sách trong đó phần lớn thuộc diện  Bestseller). Nhờ những sách, báo đó, các lý thuyết kinh tế của Krugman được dư luận rộng rãi trên thế giới coi là những chuẩn mực. Ngay từ năm 1979 và 1980, ông đã xúc tiến hai công trình có tính định hướng, trong đó ông nghiền ngẫm để làm sáng tỏ về vấn đề  tại sao Toyota lại bán ô tô của mình ở Đức và  ô tô Mercedes- Benz (Đức) lại bán ở Nhật Bản. Từ đó ông phát triển lý thuyết  “New Trade Theory”, và lý thuyết này  đã thay thế sự  lý giải về mô hình  dòng chảy  thương mại quốc tế thịnh hành trong thế kỷ 19 và 20. Ủy ban giải thưởng Nobel lấy Thụy Điển làm ví dụ, nước này vừa nhập khẩu lại vừa  xuất khẩu ô tô: “Loại buôn bán kiểu này tạo điều kiện để chuyên môn hóa và sản xuất hàng hóa hàng loạt,  nhờ đó giảm giá thành và làm cho chủng loại hàng hóa đa dạng, phong phú hơn.”
Nhờ thành tích này, ngay từ năm 1991 khi mới  38 tuổi, Krugman đã được Hiệp hội các nhà kinh tế  lâu đời nhất của Hoa Kỳ AEA  trao tặng huy chương  “John Bates Clark”, giải thưởng  nổi tiếng nhất về kinh tế của Hoa Kỳ. Giờ đây, 17  năm sau, ông mới có mặt trong ngôi đền Pantheon của các nhà thông thái về kinh tế. Ông đã  sánh vai trong đội ngũ các nhân vật nổi danh như Eli Heckscher, Bertil Ohlin và  Paul Samuelson.
Con đường thăng tiến trong nghiên cứu khoa học dường như đã được định sẵn đối với Krugman. Lớn lên ở Long Island, từng theo ở các trường Đại học Tổng hợp Yale, MIT, Berkeley, Stanford và London School of Economics. Năm 1982 lần đầu tiên ông tham gia chính trường. Khi đó ông làm việc một năm tại Hội đồng Kinh tế thuộc Nhà Trắng dưới thời Ronald Reagan. Mười năm sau, năm 1992 Clinton thậm chí đã cho mời ông đến Arkansas để phỏng vấn –  nhưng sau đó từ chối không ngỏ lời mời. Theo “Newsweek” lý do chính của sự thoái thác này vì: “Krugman có cái lưỡi quá phóng khoáng”. Bản thân ông hồi đó cũng thừa nhận: “Tính tình của tôi không phù hợp với vai trò đó. Anh phải biết cách cư xử với mọi người và biết cắn răng lại khi ai đó nói những lời xuẩn ngốc.”
Có thể nói viết bỉnh bút là một công việc thật thích hợp đối với Krugman. Ông viết cho các báo và tạp chí  như  “Fortune”, “Slate”, “Foreign Policy”, “Harper’s”,  “Harvard Business Review” và  “Economist”, từ năm 1999 ông viết cho “New York Times”. Ông có lối viết thật cay độc và những người không ưa ông  chế diễu ông là một  “Pop Internationalism”. Và ông lấy khái niệm này để đặt tên cho một cuốn sách của mình: ông muốn làm cho dân ngoại đạo “hiểu được và thích thú” cái thế giới đầy phức tạp này.
Ông Krugman thường không đứng về phía đa số, nhưng cuối  cùng cái đúng thuộc về ông. Trong những năm 90 ông phê phán  “New Economy”, kết cục của nền kinh tế mới này là sự sụp đổ của Dotcom. Năm 1997, ông phê phán chính sách tiền tệ của châu Á trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính. Năm  1998, ông chỉ trích các  Hedge-Fonds như  Long-Term Capital Management (LTCM), LTCM bị suy yếu và buộc phải chi hàng tỷ USD mới khỏi bị sụp đổ. Năm 2003 trong bài “The Great Unraveling” (“Sự bán tống bán tháo”) ông đề cập đến hậu quả tồi tệ của các chính sách kinh tế, tài chính và ngoại giao của chính quyền Bush. Năm 2007 trong bài “The Conscience of a Liberal” (“Sau  Bush – Sự cáo chung của  những kẻ thuộc phái tân bảo thủ và thời kỳ của phái Dân chủ”) ông Krugman tiên đoán sự sụp đổ của học thuyết Bush và nêu lên những luận đề mà hiện nay ứng cử viên Đảng Dân Chủ  Barack Obama đang vận dụng để tìm cách trở thành Tổng thống Mỹ.


Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)