Quân bài nhân công rẻ mạt (Bài 2)

Không ai có thể cạnh tranh nổi với TQ về chi phí lao động, kể cả các nước đang phát triển khác, vì TQ hiện có hàng trăm triệu lao động dôi dư ở nông thôn, sẵn sàng chấp nhận các công việc nặng nhọc với mức lương thấp.




Các vùng nông thôn Trung Quốc (TQ) cung cấp một lực lượng nhân công rẻ mạt khổng lồ: ước tính có khoảng 250 triệu người nông dân TQ không có việc ở nông thôn, trong đó có 140 triệu đi làm “culi” ở các nơi, còn 110 triệu “lực lượng dự trữ” có thể huy động được (*). Ở vùng quê của họ rất nghèo, nên các nhân công này sẵn sàng chấp nhận các công việc nặng nhọc với mức lương thấp (hiện lương trung bình quãng 200 USD/ tháng, chưa bằng 1/10 so với ở nhiều nước phương Tây).

Tất nhiên, hàng trăm triệu nhân công nghèo khó của TQ muốn được hưởng lương cao hơn, chế độ bảo hiểm xã hội và điều kiện lao động tốt hơn. Nhưng ở nông thôn không có việc làm, còn đói khổ hơn là đi làm “culi” ở thành phố, nên họ lép vế và đành chấp nhận mức lương rẻ mạt, điều kiện làm việc căng thẳng, và chế độ bảo hiểm hầu như không có gì, trong nền “kinh tế thị trường” ở TQ. Các doanh nghiệp không vội vàng gì tăng lương cho nhân công vì muốn giữ thế cạnh tranh và lợi nhuận, và nhà nước TQ cũng không vội vàng gì trong việc can thiệp đòi tăng quyền lợi của nhân công, vì nhân công rẻ mạt là lợi thế của TQ. Lương của nhân công TQ có tăng trong những năm qua, nhưng tăng chậm hơn so với tăng trưởng kinh tế, và vẫn sẽ còn thấp hơn hàng chục lần so với các nước phương Tây trong những năm tới.

Theo một con số chính thức của chính phủ TQ, thì lương tháng trung bình của công nhân ở TQ trong giai đoạn 2002-2007 tăng lên từ 700 nhân dân tệ thành 1.400 nhân dân tệ (khoảng 200 USD theo tỷ giá hiện tại) tuy nhiên theo một số quan sát viên thì con số tăng trưởng hai lần này có phần phóng đại.

Không ai có thể cạnh tranh nổi với TQ về chi phí lao động, kể cả các nước đang phát triển khác. Bởi vậy hàng loạt các hãng nước ngoài, từ nhỏ đến lớn, đã di chuyển khâu sản xuất sang TQ, và TQ nghiễm nhiên trở thành “xưởng sản xuất của thế giới”: nguyên nhiên vật liệu được nhập từ các nơi về TQ, chế biến ra hàng hóa tại TQ, rồi lại được xuất lại sang các nước khác.

Đài Loan, trung tâm sản suất đồ điện tử bán dẫn cho toàn thế giới trong những thập kỷ cuối của thế kỷ 20, cũng đã chuyển đến 80% khâu sản xuất sang Trung Quốc. Các nước giàu dịch chuyển phần sản xuất sang nhiều nước nghèo, trong đó có cả Việt Nam, chứ không chỉ riêng TQ. Và các doanh nghiệp lớn nước ngoài cũng không muốn bị phụ thuộc vào một nguồn sản xuất duy nhất là TQ, mà muốn chia bớt sản xuất ra các nước khác để giảm rủi ro.

Tuy nhiên, TQ chiếm vị thế áp đảo hơn hẳn các nước khác trong sản xuất hàng tiêu dùng. Ngay tại Việt Nam cũng tràn ngập hàng hóa sản xuất tại TQ, lấn chiếm hàng nội địa, gây khó khăn cho sản xuất nội địa. Các nước đang phát triển khác cũng rơi vào tình trạng tương tự như VN, với hàng giá rẻ của TQ tràn ngập thị trường. Và các nhà máy phải đóng cửa vì không cạnh tranh nổi về giá với TQ.

Nhân công rẻ mạt ở TQ có lợi và có hại cho ai?

– Nước TQ được lợi, vì nhờ đó mà trở thành “xưởng sản xuất của thế giới”, nắm bắt được công cụ sản xuất và công nghệ, tạo việc làm cho dân chúng và phát triển kinh tế. Các thế lực lãnh đạo chính trị (cộng sản) và doanh nghiệp (tư bản) TQ nhờ đó lợi theo.

– Tầng lớp dân nghèo ở TQ thì được lợi về tuyệt đối (có việc làm, và thu nhập cũng có tăng dần lên), nhưng thiệt thòi về tương đối ở TQ, vì thu nhập của họ tăng chậm hơn so với tăng trưởng trung bình ở TQ, và khoảng cách chênh lệnh về kinh tế giữa tầng lớp dân nghèo và tầng lớp cộng sản–tư bản ngày càng cao.

– Các chủ tư bản của các doanh nghiệp nước ngoài được lợi, vì bóc lột được dân công TQ với giá rẻ, giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

– Công nhân lao động ở các nước khác thì bị thiệt hại vì mất việc làm, hàng loạt nhà máy đóng của. Chỉ riêng ở Pháp, theo thống kê đã có khoảng 700 nghìn người mất việc làm vì TQ.

Nếu tính toàn thế giới thì con số này sẽ lên đến hàng chục triệu hay thậm chí hàng trăm triệu. Ở những nước đã trở nên “hoàn toàn phụ thuộc” vào TQ như Kazakhstan, có đến trên 80% hàng tiêu dùng là nhập từ TQ, còn các nhà máy thì đóng cửa.

– Đối với các nước ngoài, thì việc di chuyển quá nhiều khâu sản xuất sang TQ có hại nhiều hơn là có lợi, và có thể lợi trước mắt nhưng hại về lâu dài. Tuy là di chuyển sản suất kéo theo giá thành giảm đi, người tiêu dùng được lợi (và TQ khoe là làm tiết kiệm được cho người tiêu dùng ở Mỹ đến 600 tỷ USD trong giai đoạn 1996-2003), nhưng những người thất nghiệp thì không làm ra của cải cho xã hội và xã hội (tức là cũng chính những người tiêu dùng) phải nuôi. Khi di chuyển quá nhiều sản xuất chế biến ra nước ngoài, thì cái phần của cải bị hụt đi, không làm ra đó, còn nhiều hơn là phần tiết kiệm được, nên tổng cộng lại là có hại. Đứng về mặt quốc gia, di chuyển sản suất ra nước ngoài có lợi nếu như ở trong nước tạo ra được nhiều việc làm cao cấp hơn thay thế cho công việc sản xuất, và nhân dân trình độ tăng lên kịp để làm được các công việc mới đó.

Nhưng trên thực tế, ngay tại các nước đã phát triển, một lượng lớn người không đủ trình độ để làm các công việc cao cấp hơn là làm công nhân, và cũng không có đủ việc cao cấp hơn để làm. Tại sao việc di chuyển phần lớn sản suất sang TQ gây thiệt hại cho nhiều nước về phương diện quốc gia (gây thất nghiệp và hủy hoại nền công nghiệp) nhưng người ta vẫn “nhắm mắt” làm? Đó là vì tư bản luôn chạy theo lợi nhuận trước mắt, và ích kỷ chỉ cần biết lợi cho mình không cần biết hại đến xung quanh ra sao (dù rằng khi môi trường xung quanh mình bị hại, thì cuối cùng mình sẽ bị hại theo). TQ đã dùng miếng mồi “lợi trước mắt” để câu cả thế giới. Chính sách kinh tế xã hội của các nước thì có lỗ hổng, gây mâu thuẫn quyền lợi giữa đất nước và doanh nghiệp (di chuyển toàn bộ sản xuất ra nước ngoài thì có hại cho đất nước nhưng có lợi cho doanh nghiệp) nên đã không ngăn chặn được xu thế này.

(*) Theo sách “The Vampire du Milieu” của Cahen & Richard, Chương 1.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)