Quản lý Uber và Grab ở một số nước: Muôn hình vạn trạng cửa ải pháp lý

Ngày 05/06/2017, hai ngàn tài xế taxi Ba Lan đã khóa chặt giao thông ở thủ đô Warsaw bằng cách lái xe với tốc độ sên bò để phản đối đối thủ cạnh tranh bao Uber. Các hãng taxi truyền thống Ba Lan lập luận rằng Uber cạnh tranh không lành mạnh và né tránh các quy tắc cũng như hạn chế dành cho hoạt động của một hãng taxi chuyên nghiệp . Cách đó 500 dặm về phía Nam, vào ngày 21/06/2017, hàng trăm tài xế taxi Croatia đã chặn một trong những đại lộ chính của thủ đô Zagreb để phản đối các dịch vụ của Uber, cho rằng “ông lớn” này đang hoạt động bất hợp pháp tại Croatia trong suốt hai năm . Đó mới chỉ là hai ví dụ điển hình trong số rất nhiều các hoạt động chống Uber trên thế giới.


Các tài xế taxi truyền thống ở Budapest, Hungary dàn hàng trên đường phố để biểu tình phản đối Uber. Nguồn ảnh: Reuters

Hình thức kinh doanh “chia sẻ” của Uber và Grab đã tận dụng các nguồn lực chưa được khai thác hiệu quả, góp phần tăng tính cạnh tranh trên thị trường cho Uber và Grab, đồng thời mang đến cho người tiêu dùng những lựa chọn đa dạng hơn. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh này cũng được đánh giá là mới lạ và đặt ra những yêu cầu mới trong chính sách quản lý ngay cả ở các quốc gia phát triển. Chính quyền các quốc gia khác cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, không chỉ là đảm bảo lợi ích người tiêu dùng, giải quyết những xung đột giữa công ty cung cấp dịch vụ truyền thống và công ty cung cấp dịch vụ trên nền tảng công nghệ, mà còn phải tạo ra những quy định điều chỉnh một cách hiệu quả mô hình “kinh tế chia sẻ” và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.

Những cánh cửa đóng…

Lệnh cấm từ Thái Lan [1]

Ngày 09/03/2017, chính phủ Thái Lan thông báo rằng các dịch vụ gọi xe trực tuyến như Uber hay GrabCar là bất hợp pháp. Các quan chức Bộ Giao thông Thái Lan khẳng định Uber và Grab đang xây dựng mô hình sử dụng ô tô và cơ cấu giá vé không hợp lý. Theo đó, ô tô cung cấp dịch vụ của Uber không chỉ chưa được đăng ký phù hợp mà tài xế Uber cũng chưa có giấy phép hành nghề chuyên nghiệp. Ngoài ra, phương thức thanh toán mà Uber đưa ra thể hiện sự phân biệt đối với nhóm khách hàng không sử dụng thẻ tín dụng[2].

Trước đó, các nhà chức trách Thái Lan đã nhiều lần cảnh cáo và tiến hành phạt tiền những chủ phương tiện giao thông cá nhân cung cấp dịch vụ này. Mặt khác, Chính phủ Thái Lan cũng có kế hoạch đưa ra ứng dụng riêng có tên là Taxi OK dành cho hành khách muốn sử dụng loại taxi có đăng ký và cài đặt hệ thống định vị GPS cùng với camera theo dõi[3].

Trái ngược với những phản ứng tiêu cực từ phía Chính phủ, giới công nghệ nước này nhận định rằng động thái này của Chính phủ chính là sự chống lại viễn cảnh xây dựng xã hội sáng tạo dựa trên công nghệ và kỹ thuật số và cho rằng Chính phủ nên đứng trên quan điểm của người tiêu dùng để tìm ra được giải pháp phù hợp hài hòa lợi ích giữa các bên.

Ma trận pháp lý ở Liên minh châu Âu (EU) [4]

Uber đang gặp nhiều vấn đề pháp lý đáng lo ngại liên quan đến mô hình kinh doanh của mình, sau khi các luật sư cấp cao tại Tòa án Tối cao của EU đứng về phía chính phủ Pháp trong mâu thuẫn về lệnh cấm UberPOP hoạt động tại Pháp. Tại thời điểm Uber ra mắt phiên bản ứng dụng UberPOP ở Paris vào đầu năm 2014, Tổng cục Cạnh tranh, Tiêu dùng và Trấn áp gian lận (DGCCRF) của Pháp bắt đầu xem xét việc cấm UberPOP. DGCCRF đặc biệt chú trọng đến vấn đề cạnh tranh không lành mạnh vì UberPOP đã tự cung cấp dịch vụ chia sẻ xe – được đánh giá về bản chất là dịch vụ taxi (ở Pháp, chia sẻ xe có lợi nhuận đòi hỏi phải có giấy phép hành nghề của tài xế và bảo hiểm), và dựa vào lý do đó, Uber đã không thực hiện nghĩa vụ thuế như một công ty cung cấp dịch vụ taxi.

Nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh rào cản kỹ thuật được dựng lên nhằm hạn chế hoạt động của Uber tại Pháp nói riêng và các quốc gia thành viên EU nói chung. Theo luật của EU, chính phủ các quốc gia thành viên có quyền thực thi kiểm soát ở mức độ cao đối với quy định giao thông thuộc quốc gia mình. Tuy nhiên, họ phải thông báo cho Ủy ban Liên minh Châu Âu tại Brussels về bất kỳ thay đổi nào đối với quy định về dịch vụ kỹ thuật số. Do đó, Uber hy vọng có thể đảo ngược phán quyết với lập luận rằng họ là một công ty cung cấp dịch vụ thông tin và lệnh cấm của Pháp được ban hành mà không thông báo cho Ủy ban Liên minh châu Âu là một sự vi phạm. Định nghĩa về hoạt động kinh doanh của Uber thực sự là một vấn đề gây tranh cãi, suy cho cùng Uber là một công ty cung cấp dịch vụ công nghệ hay dịch vụ vận tải?

Đưa ra nhận định về bản chất hoạt động của Uber, Maciej Szpunar – một luật sư biện hộ của Tòa án EU khẳng định rằng Uber nên được nhìn nhận với tư cách là một công ty vận tải thay vì một công ty cung cấp dịch vụ thông tin như các nhà sáng lập Uber vẫn lập luận. Trước hết, dẫn chiếu về Uber Tây Ban Nha, ông đã kết luận rằng UberPOP “không tạo thành một dịch vụ cung cấp thông tin xã hội (information society service)”[5]. Ngoài ra, “giá trị kinh tế chính” từ dịch vụ của Uber bắt nguồn từ việc vận chuyển hành khách chứ không phải nằm ở sự kết hợp giữa hành khách và tài xế thông qua công nghệ của Uber.

Như để minh chứng cho sự “tiếp đón lạnh nhạt” của EU, Uber bị “ép buộc” đình chỉ hoạt động tại Hungary[6] do đạo luật mới cho phép cơ quan chức trách ngăn chặn các hoạt động trên nền tảng Internet để điều phối nhân sự bất hợp pháp (illegal dispatcher service). Tòa án ở Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bỉ và Hà Lan đã cấm dịch vụ UberPOP với lý do sử dụng tài xế không có giấy phép hành nghề chuyên nghiệp. Trong khi đó, Toà án lao động ở London quy định rằng các lái xe Uber cần được đối xử như người lao động hoặc nhân viên của Uber thay vì là những đối tác độc lập theo cách mà Uber vẫn áp dụng hiện nay. Do vậy, ngoài việc phải đáp ứng điều kiện về giấy phép hành nghề taxi, tài xế Uber nên được đảm bảo mức lương tối thiểu và có ngày nghỉ theo luật định.

Và những khe cửa khép hờ…

Uber và Grab loay hoay ngay tại sân nhà

Vào năm 2015, Uber nhận khoản phạt 7,3 triệu đô la Mỹ cùng yêu cầu đình chỉ hoạt động tại bang California với lý do cho rằng Uber đã không tuân thủ luật pháp tiểu bang được thiết kế để đảm bảo sự công bằng cho các hành khách sử dụng dịch vụ của Uber. Tiếp theo, Uber phải đối mặt với những yêu cầu về dấu vân tay của tài xế tại New York – một thị trường lớn mà Uber không thể bỏ qua. Hơn nữa, các quy định về kỳ thi cấp giấy phép hành nghề cho lái xe cũng khiến Uber đau đầu. Trên thực tế, có thể mất đến ba tháng, 60 giờ và 3.000 đô la đối với một lái xe để có được giấy phép TLC (giấy phép cho tài xế taxi và lái xe cho thuê – for hire driver) của New York. Trong khi đó, tại Hạt Orange, California – nơi mà tài xế chỉ cần vượt qua kiểm tra lý lịch của Uber – mất ít hơn hai giờ và chi phí khoảng 10 đô la.

Đối với thị trường lớn thứ tư của Mỹ – Houston, bang Texas, Uber “ngậm ngùi” tuyên bố sẽ rời khỏi thành phố này nếu tiếp tục phải chịu áp lực trước những yêu cầu phức tạp trong quy trình lựa chọn tài xế. Đại diện Uber chia sẻ: “Có thể mất đến 04 tháng làm thủ tục với mỗi tài xế tại Houston chỉ để được thành phố cấp giấy phép hành nghề trong 02 năm”.

Tính đến ngày 02/09/2016, 34 tiểu bang và hơn 69 thành phố[7] đã thông qua luật về các công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ xe, hay còn gọi là các công ty mạng lưới vận tải (TNCs). Sáu tiểu bang khác đã ban hành luật yêu cầu bảo hiểm tối thiểu. Thậm chí, một số nhà lập pháp thể hiện mong muốn tiến hành đẩy mạnh những yêu cầu nghiêm ngặt hơn đối với việc lấy dấu tay tài xế, quy định về lệ phí và địa điểm đón khách. Cuộc chiến pháp lý trong tương lai xung quanh việc phân loại người lao động hay tài xế độc lập sẽ còn tiếp tục cuốn Uber vào vòng xoáy của thủ tục và hệ thống quy định ngặt nghèo.

May mắn hơn người đồng nghiệp Uber, Grab nhận được sự đối xử tương đối “nhẹ nhàng” từ chính quyền Malaysia và Singapore[8]. Chính phủ các quốc gia này thể hiện sự ủng hộ với những giải pháp giao thông mang tính cải cách. Tuy nhiên, tuyên bố về một sự đối xử nhẹ nhàng không đồng nghĩa với việc Grab tránh khỏi được sự ràng buộc của khung pháp lý và hệ thống các điều kiện tiên quyết cần đáp ứng. Thực tế, tài xế Grab phải vượt qua nhiều vòng giám định như kiểm tra an toàn đường bộ cho hoạt động của xe hơi, kiểm tra y tế và kinh nghiệm, kiến thức của tài xế. Trong tuyên bố ngày 16/08/2016 của Ủy ban Giao thông Malaysia (SPAD) về kế hoạch đẩy mạnh cải cách ngành công nghiệp taxi, bao gồm cả các công ty cung cấp dịch vụ xe chung như Uber và Grab, tài xế nhiều khả năng sẽ phải thực hiện thủ tục xin cấp “Thẻ điều khiển” do SPAD phát hành.

Sự trở lại với thị trường Đài Loan [9]

Tại thời điểm tháng 02/2017, hoạt động của Uber phải buộc tạm đình chỉ tại Đài Loan do ảnh hưởng từ những hạn chế khắt khe của chính quyền nước sở tại. Lập luận về các chính sách nghiêm khắc đối với Uber, chính quyền Đài Loan khẳng định hoạt động của Uber là bất hợp pháp. Uber tham gia vào thị trường Đài Loan với tư cách là một công ty phần mềm, như vậy, Uber không được cung cấp dịch vụ vận tải. Hơn nữa, các tài xế Uber đều không có giấy phép hành nghề taxi chuyên nghiệp, thực trạng này sẽ đặt hành khách vào tình thế nguy hiểm và cũng gián tiếp đẩy hoạt động cung cấp dịch vụ của Uber vào trạng thái bấp bênh. Năm 2017, Uber thực hiện kinh doanh tại Đài Loan mà không chịu sự điều chỉnh của một khung pháp lý cụ thể nào, không có bảo hiểm và không bị tính thuế, do đó, chính quyền Đài Loan đưa ra điều kiện rằng chỉ hợp tác với Uber nếu “hiện tượng start-up” này chấp nhận thực hiện các nghĩa vụ như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải thông thường. Do từ chối thay đổi hình thái kinh doanh của mình, Uber đã phải hứng chịu hình phạt nặng nề từ phía các nhà quản lý Đài Loan. Một đạo luật tại Đài Loan có hiệu lực vào 06/01/2017, áp đặt mức phạt kỷ lục với các tài xế Uber là từ khoảng 150.000 Đài tệ (tương đương 4.687 đô la Mỹ) lên đến 25 triệu Đài tệ (tương đương 780.000 đô la Mỹ), mức phạt cao nhất mà Uber từng phải đối mặt so với bất cứ nơi nào trên thế giới.

Đến giữa tháng 04/2017, Uber chính thức thông báo trên website[10] rằng họ đã tìm được giải pháp để trở lại với thị trường Đài Loan. Trong sự trở lại lần này, Uber thông báo rằng các tài xế phải có giấy phép hành nghề taxi và hoạt động dưới sự kiểm soát của một công ty cho thuê xe vận tải. Sự “uốn mình” theo khung pháp lý đã mang lại hiệu quả kinh doanh tích cực cho Uber giữa vô vàn những khó khăn tại các thị trường châu Á.

Những chấp thuận đến từ Chính phủ Brazil [11]

Tháng 09/2015, tại Rio de Janeiro, một đạo luật cấm ứng dụng đặt xe taxi bằng điện thoại thông minh như Uber đã được ra đời. Thị trưởng Rio de Janeiro, Eduardo Paes, đã ký các đạo luật được thông qua bởi hội đồng thành phố Rio về việc cấm Uber và các công nghệ tương tự hoạt động trong thành phố. “Uber bị cấm”, Paes nói sau khi ký bản dự thảo. “Chúng tôi rất cởi mở khi thảo luận về vấn đề này, nhưng Uber bị cấm”. Tài xế Uber bỏ qua lệnh cấm này có thể bị phạt lên tới 500 đô la Mỹ. Tuy nhiên, đến tháng 12/2015, lệnh cấm đã được bãi bỏ và Uber tiếp tục hoạt động bình thường tại thành phố này.

Tại thành phố lớn nhất Brazil, hội đồng thành phố São Paulo cũng thông qua luật cấm Uber tháng này, nhưng thị trưởng Fernando Haddad vẫn chưa thông qua hay phủ quyết dự luật. Thị trưởng đang băn khoăn về việc tìm phương án trung lập giữa đảm bảo lợi ích của ngành taxi truyền thống và mong muốn đưa công nghệ mới của Uber vào thành phố.

Tại Belo Horizonte, các quan chức thành phố đã bỏ phiếu thông qua một dự luật cấm các mô hình vận tải khác như Uber hoạt động trong thành phố. Theo luật mới, tất cả các lái xe chở khách sẽ có 45 ngày để đăng ký với một nhà vận tải và được cấp giấy phép hành nghề. Những xe và công ty không có giấy phép đăng ký hoạt động sẽ bị phạt tiền.

Cánh cửa nào cho các giải pháp công nghệ?

Internet và sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng trên nền tảng công nghệ thông tin đang từng bước xâm lấn vào những ngóc ngách nhỏ nhất của cuộc sống là một thực tế không thể phủ nhận. Uber hay Grab với sự đột phá trong ứng dụng giải pháp công nghệ đang nhận được sự ủng hộ của phần lớn người tiêu dùng. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh chia sẻ này lại khiến các nhà quản lý “bối rối”. Một cánh cửa mở ra cho hướng đi mới cũng đồng nghĩa với những khung cửa cũ cần được phá bỏ hoặc sửa đổi. Câu chuyện quản lý hoạt động của Uber – Grab là vấn đề không của riêng ai, không chỉ là băn khoăn của các nhà quản lý Việt Nam mà cũng là câu hỏi hóc búa đối với những nền kinh tế thị trường vững mạnh như Mỹ và Liên minh Châu Âu. Một làn gió công nghệ mới như Uber – Grab sẽ cần những giải pháp quản lý phù hợp hơn để sự sáng tạo và đổi mới không còn phải lách mình qua “những khe cửa hẹp”.

——–

Chú thích:

[1] Thai transport authorities crack down on Uber, Grab drivers, seek ban, Reuters, truy cập tại http://www.reuters.com/article/us-uber-thailand-idUSKBN16E17R vào ngày 11/07/2017

Thailand to ban Uber and Grab, Daily Times, truy cập tại http://dailytimes.com.pk/world/08-Mar-17/thailand-to-ban-uber-and-grab vào ngày 11/07/2017

[2] Uber declared illegal in Thailand, Bangkok Post, truy cập tại http://m.bangkokpost.com/news/general/445978/uber-declared-illegal-in-thailand-drivers-face-heavy-fines vào ngày 11/07/2017

[3] Thailand will attempt to take on Uber with ‘Taxi Ok’ app, Coconut Bangkok, truy cập tại https://coconuts.co/bangkok/news/thailand-will-attempt-take-uber-taxi-ok-app/ vào ngày 11/07/2017

[4] Uber Looks Like It Is Losing Another Big Case In EU’s Highest Court, Fortune, truy cập tại http://fortune.com/2017/07/04/uber-looks-like-losing-another-big-case-in-eus-highest-court/ vào ngày 11/07/2017

[5] EU states have right to ban Uber: lawyer, Global Times, truy cập tại http://www.globaltimes.cn/content/1054906.shtml vào ngày 11/07/2017

[6] Uber to Suspend Operations in Hungary Over New Law, The New York Times, truy cập tại https://www.nytimes.com/2016/07/14/business/international/uber-hungary-taxi-suspension.html vào ngày 11/07/2017

[7] Uber and Lyft are getting pushback from municipalities all over the US, Harriet Taylor, CNBC, truy cập tại http://www.cnbc.com/2016/09/02/uber-and-lyft-are-getting-pushback-from-municipalities-all-over-the-us.html vào ngày 11/07/2017

[8] Trailing Southeast Asian peers, Malaysia draws up rules to legalize Uber and Grab, Nadine Freischlad, TechinAsia, truy cập tại https://www.techinasia.com/malaysia-drafts-ride-hailing-rules vào ngày 11/07/2017

[9] Taiwan: The place Uber couldn’t crack, BBC News, truy cập tại http://www.bbc.com/news/business-38928028 vào ngày 11/07/2017

[10] Taiwan: Your Uber ride has returned, Uber Newsroom, truy cập tại https://newsroom.uber.com/taiwan/uback/ vào ngày 11/07/2017

[11] Rio de Janeiro becomes first city in Brazil to ban Uber, The Guardian, truy cập tại  https://www.theguardian.com/world/2015/sep/30/rio-de-janeiro-brazil-uber-ban vào ngày 11/07/2017

Uber Protests and Controversy Continue in Rio and Brazil, Lise Alves, The Rio Times, truy cập tại http://riotimesonline.com/brazil-news/rio-politics/alternative-transportation-controversy-continues-in-brazil/ vào ngày 11/07/2017

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)