Quỹ Kinh tế sinh học tuần hoàn đầu tiên được đầu tư 82 triệu ero
Quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên của châu Âu dành riêng cho kinh tế sinh học tuần hoàn đã khởi động thành công vào ngày hôm qua, với 82 triệu euro để đầu tư vào các công ty thương mại hóa công nghệ bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu thỏa thuận xanh của châu Âu.
PeelPioneers, công ty này phát triển một phương pháp biến vỏ cam thành các nguyên liệu thực phẩm khác nhau. Ảnh: pbs.twimg
Quỹ Kinh tế sinh học Châu Âu vẫn còn nhiều cơ hội để đạt được mục tiêu cuối cùng là 250 triệu euro, nhưng ở lần cam kết đầu tư đầu tiên này, quỹ đã thu hút được các nhà đầu tư tư nhân – nhờ khoản đầu tư nền tảng có giá 100 triệu euro của Ngân hàng Đầu tư châu Âu.
Quỹ vẫn mở cửa cho các nhà đầu tư mới cho đến tháng 8 năm 2021. Michael Brandkamp, người đứng đầu quỹ cho biết quỹ sẽ có được một khoản lãi đáng kể. “Quỹ của chúng tôi nhằm thúc đẩy việc mở rộng quy mô các công ty kinh tế sinh học đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự bền vững, từ đó mang lại lợi nhuận hấp dẫn cho các nhà đầu tư của mình”, Brandkamp nói.
Khoản đầu tư đầu tiên, trị giá 82 triệu euro, đến từ EIB và ba nhà đầu tư tư nhân: PreZero International, một công ty tái chế và chất thải; Corbion, nhà sản xuất hóa chất và polyme có nguồn gốc sinh học; và công ty đầu tư Hettich Beteiligungen.
Quỹ đã dành khoản đầu tư này cho PeelPioneers, công ty đã phát triển một phương pháp biến vỏ cam thành các nguyên liệu thực phẩm khác nhau; và Prolupin, một nhà sản xuất protein từ thực vật có thể thay thế cho các sản phẩm từ sữa.
Dirk Carrez, thành viên Hiệp hội các Ngành công nghiệp Có nguồn gốc Sinh học (BIC), trao đổi với tờ Science rằng, việc bơm 250 triệu euro cho nền kinh tế sinh học châu Âu vốn trị giá hơn 2,4 nghìn tỷ euro là một khoản đầu tư có vẻ khiêm tốn, nhưng nó sẽ không kém phần quan trọng khi chúng ta nhìn nhận nó kèm với những chương trình giúp thúc đẩy nền kinh tế sinh học phát triển.
Thông qua các cam kết hợp tác, chương trình nghiên cứu tiếp theo của EU, Horizon Europe, vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ các nghiên cứu và dự án đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp có nguồn gốc sinh học. Đồng thời, EU sẽ thành lập một quỹ kế nhiệm để tài trợ cho các nghiên cứu thuộc lĩnh vực này trong tương lai.
Theo Carrez, các cam kết hợp tác này chỉ có thể tài trợ cho một tỷ lệ nhỏ các nghiên cứu và dự án đổi mới sáng tạo. Trong lần kêu gọi gần đây nhất, họ đã nhận được 50 đơn xin tài trợ cho các dự án trình diễn (đang cần giới thiệu ý tưởng), trong đó họ chỉ có thể tài trợ tối đa 5 đơn vị, và 20 đơn đăng ký cho các dự án hàng đầu (đã có quy mô đáng kể), trong đó 3 đơn vị sẽ nhận được tài trợ.
Mặc dù những cam kết hợp tác kiểu này là một công cụ hữu ích, nhưng chúng không thể tạo ra khác biệt đủ lớn. Các dự án cần những chương trình hỗ trợ khác để mở rộng quy mô ứng dụng, chẳng hạn như quỹ mạo hiểm kinh tế sinh học mới, cũng như khoản tiền hỗ trợ từ các khu vực.
“Cần phải có một hệ thống hoàn chỉnh để hỗ trợ ngành này phát triển”, Carrez cho biết. Lĩnh vực này sẽ phải ‘tự đứng trên đôi chân của mình’ trong vòng bảy năm tới, bởi các bên liên quan đã đồng ý rằng quan hệ đối tác công tư sẽ kết thúc sau năm 2028.
Quá khứ và tương lai
Vào cuối năm 2017, Ủy ban châu Âu đã công bố kế hoạch vận hành quỹ kinh tế sinh học tuần hoàn, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2018.
Tuy nhiên, phải mất đến hai năm để Ủy ban bổ nhiệm thành công ngân hàng Đức Hauck & Aufhäuser làm giám đốc quỹ vào năm 2019.
Carrez hi vọng quỹ này sẽ giúp các công ty sinh học tận dụng tận dụng thêm tiền từ các nhà đầu tư tư nhân. Các nhà đầu tư hầu hết đều không mấy mặn mà với lĩnh vực này.
“Tất cả phụ thuộc vào những công ty [được chọn để đầu tư] đầu tiên. Nếu họ thành công, thì điều này sẽ đẩy nhanh toàn bộ quá trình. Đây là minh chứng rõ ràng nhất để thuyết phục các nhà đầu tư quan tâm đến ngành này”, Carrez cho biết.
Anh Thư dịch
Nguồn: Circular bioeconomy fund announces first close of €82M