Quyền lực công nghệ trong những hình dung viễn tưởng (Phần 2: Lời cảnh tỉnh cho kỷ nguyên hiện đại)

Từ những dự cảm đầu tiên trong Brave New World của Aldous Huxley, và sau này là 1984 - George Orwell, Khi loài vật lên ngôi - Karel Kapek,… cho đến các tác phẩm xuất sắc nhất gần đây như series Black Mirror đã cho chúng ta cái nhìn vừa sâu sắc vừa trực diện vào nỗi ám ảnh ‘tận thế’ trong cơn khủng hoảng công nghệ mà chính chúng ta đang phải đương đầu.

Một trong những dự báo đầu tiên về sự lên ngôi của khoa học công nghệ, thường được ghi nhận như một “lời cảnh tỉnh dành cho kỉ nguyên hiện đại” là cuốn tiểu thuyết viễn tưởng Thế giới mới tươi đẹp (Brave New World, 1932) của Aldous Huxley. Tác phẩm thường được xem như một bản cáo trạng đanh thép chế độ độc tài chuyên chế cũng như những cơn điên cuồng công nghệ đã, đang và sẽ diễn ra. Chính Huxley cũng đã từng gọi đích danh chủ đề ông hướng đến là “sự tiến bộ khoa học cùng những ảnh hưởng của nó đến đời sống cá nhân của mỗi con người”. Với chủ đích ấy, ông đưa đến một cái nhìn phản không tưởng1 về tương lai khi mọi thứ được kiểm soát trong một trật tự được đảm bảo hoàn hảo và vận hành hiệu quả, với hệ quả tất yếu là sẽ “không còn chừa một khoảng trống nào cho tự do hay sáng kiến cá nhân”. Nhưng với Brave New World, Huxley còn gửi gắm một thông điệp mang ý nghĩa sâu xa hơn: tác phẩm là một lời cảnh báo, một bức chân dung nghiệt ngã về cuộc sống trong một thế giới chối bỏ Chúa và kiệt quệ nhận thức về cái cao cả và sự siêu vượt, nơi con người thỏa mãn tất cả nhưng mọi ham muốn lớn nhỏ nhưng chỉ dừng lại trong những khát vọng vật chất trần tục nhất. Từ những dấu hiệu được nhen nhóm trong chính thời mình sống, Huxley dường như đã cảnh báo trước những gì đang hiện hữu và chờ đón chúng ta. Lịch sử, có thể nói, đã minh chứng cho tư tưởng nhuốm màu bi quan chủ nghĩa của nhà văn.

Em bé chỉnh sửa gene đã ra đời rất sớm so với những gì được cảnh tỉnh trong Brave New World. Ảnh: allphysicianjobs.

Câu chuyện bắt đầu trong bối cảnh năm 632 Kỷ nguyên Ford (tức năm 2540 Công lịch), với những lời tụng ca của người dẫn truyện – Giám đốc Trung tâm Ấp và Bảo quản phôi tại London – đầy hào hứng khi tuyên bố một thành tựu lớn của thời đại mới: nguyên tắc sản xuất hàng loạt cuối cùng cũng đã được ứng dụng trong công nghệ sinh học. Mặc dù chưa hẳn tuyên bố này đã mang hàm ý phán xét hay mỉa mai, chúng ta nên lưu ý rằng Huxley đã viết cuốn tiểu thuyết vào đầu những năm 1930, khi bước chuyển công nghiệp hóa đã bắt đầu ảnh hưởng và chi phối đời sống phương Tây – một bước chuyển dữ dội tác động sâu sắc đến tâm lí của những con người thời ấy khi chứng kiến những đổi thay chóng mặt ngay trong đời sống hằng ngày. Hình dung về tương lai của Huxley, bởi thế, mang một nỗi âu lo chung khi đối diện với sự bành trướng của nền công nghiệp sản xuất hàng loạt và ám ảnh về điểm kết thúc mang màu sắc phản-không tưởng của quá trình “tăng trưởng” không ngừng đang được tụng ca. Theo nhiều cách khác nhau, Brave New World cảnh báo trước tư tưởng áp đặt nguyên lí sản xuất hàng loạt lên chính loài người, tham vọng đồng bộ hóa mọi cá tính, mọi gương mặt, chứ không chỉ là sự ám ảnh trước những cỗ máy. 

Brave New World được đánh giá là một trong những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng danh tiếng nhất mọi thời đại, nói đúng hơn, là một trong những cuốn tiểu thuyết mang tinh thần phản-không tưởng dữ dội nhất. Như chính tâm sự của Huxley trong bức thư gửi người bạn mình, “tôi đang viết một cuốn tiểu thuyết về tương lai, về nỗi kinh hoàng của một thế giới không tưởng kiểu H.G.Wells và cuộc nổi dậy chống lại nó”. H.G.Wells là một người bạn của Huxley, cũng là một nhà văn kiệt xuất với ý tưởng nổi danh cho rằng sự phát triển công nghệ sẽ đưa đến một tương lai huy hoàng cho toàn nhân loại; tư tưởng ấy được ông nhiệt thành gửi gắm trong cuốn tiểu thuyết Men Like Gods (Con người như là Chúa Tể) viết năm 1923. Với cùng những hình dung viễn tưởng về tương lai nhân loại – nơi nền kinh tế giữ vị trí chi phối toàn bộ đời sống, nơi kĩ thuật di truyền gene đã đạt tới những thành tựu bậc cao và nền văn hóa được thế tục hóa một cách tuyệt đối trong sự hỗ trợ đắc lực bởi công nghệ, nơi con người luôn nằm trong tầm kiểm soát và được quy định từng định mức chi tiết về tất cả những khoái cảm kiểu Freud, đặc biệt là khoái cảm tình dục – tuy nhiên, cái nhìn của Huxley ngầm ẩn một sắc độ bi quan hơn khi nhận ra “thế giới mới” ấy cũng chính là nơi con người sẵn sàng đánh đổi tự do cá nhân và nhân tính căn bản để phục tùng sự kiểm soát tuyệt đối của chính quyền. Không khó để nhận ra sự đánh mất tự do cũng là chủ đề được George Orwell đề cập tới trong 1984, nhưng trong khi các nhân vật của Huxley sẵn sàng từ bỏ tự do, trong xã hội phản-không tưởng của Orwell, quần chúng bị cưỡng chế tuân thủ theo quy định của một nhà nước pháp quyền dưới sự dẫn dắt của kẻ độc tài bạo lực tự xưng là Anh Lớn (Big Brother). Huxley dường như tự cảm thấy mình đã đưa ra một lời tiên tri chính xác hơn về tương lai khi ông tuyên bố: “Tôi tin rằng trong tương lai những kẻ thống trị khôn khéo sẽ tìm được những cách thức ít khó khăn và bớt lãng phí hơn để cai trị cũng như thỏa mãn ham muốn quyền lực của mình; và sẽ giống hơn với những gì tôi mô tả trong Brave New World”. Dù thực tế đang dần chứng minh luận đề của Orwell qua các nhà nước thống trị bằng bạo lực, những gì Huxley dự đoán cũng đang được “hiện thực hóa” khi nhìn vào cái giá phải trả cho sự phát triển vượt bậc của công nghệ sinh học trong quá trình kiểm soát sinh sản, sự sụp đổ dần khái niệm về gia đình, sự biến mất dần của ý niệm tình yêu, sự kéo dài tuổi trẻ và trục xuất kẻ già, và sự xuất hiện của những chất kích thích (hợp pháp) thay thế cho rượu, cocain và thuốc phiện hòng liên tục duy trì ảo giác về một “cuộc sống tươi đẹp”.

Trong phần 3 của Black Mirror, các nhân vật luôn bị ám ảnh phải thể hiện mình đạt chuẩn 5 sao. 

Trong phần mở đầu của Brave New World, vị Giám đốc Trung tâm Ấp và Bảo quản phôi vừa dẫn một đoàn sinh viên thực tập đi thăm quan Trại giống London, vừa giải thích cho họ hiểu những lợi thế vượt trội mà thế giới hiện đại đã đạt được. Ông chỉ cho họ xem những đứa trẻ chưa ra đời trong các ống nghiệm sinh sản vô tính đang được liên tục bơm đủ loại hóa chất gây tác động đến bộ não, hệ cơ và hệ thần kinh để định hình “đẳng cấp” cho từng cá nhân ngay khi chỉ mới phôi thai. Sau khi ra khỏi các “chai” nuôi bào thai, những đứa trẻ này phải trải qua một quá trình huấn luyện, học tập cùng những cơnthôi miên trong giấc ngủ để hình thành được các nhóm cộng đồng có chung một cách nghĩ, một lối cảm xúc hay một cách phản ứng trước những điều kiện tương tự nhau. Cơ thể và hệ thần kinh được “bóp méo” sao cho tương hợp một cách hoàn hảo nhất với điều kiện sinh tồn và môi trường lao động mà họ vĩnh viễn bị quy định thuộc về. Quá khứ với chiến tranh và các mối quan hệ gia đình được nhìn như một tấm gương xấu khi bạo lực và dục vọng còn chưa thể được kiểm soát, còn ẩn chứa nguy cơ bùng phát một cách vô thức và nguy hiểm. Xã hội mới này là một xã hội phi ràng buộc, nơi con người có tất cả mọi thứ trong phạm vi nhu cầu đã được quy định sẵn tới mức không ai phải lo lắng đến việc chịu trách nhiệm trước bất cứ điều gì. “Vợ chồng”, “con cái” hay “cha mẹ” trở thành những ý niệm “ghê rợn”. Đó là một xã hội phải đánh đổi tất cả những gốc rễ căn bản nhất từ gia đình, tôn giáo đến nghệ thuật bậc cao và thi ca để có được huyễn tưởng về sự ổn định và hạnh phúc. Những giá trị văn chương vĩnh cửu như tác phẩm của Shakespeare trở thành loại hình nguy hiểm và mang mầm mống lật đổ bởi nó gợi ý cho những sự nghĩ lại, những chất vấn suy tư, những trăn trở về đúng và sai, bình đẳng và bất bình đẳng, tình yêu và thù hận – những điều tối kị cho một thiết chế bất công bền vững. Trong cuộc đối thoại giữa vị thủ tĩnh tinh thần thời đại Mustaphord Mond và “người hoang dã” John – một nhân vật xuất thân từ “khu bảo tồn”, kiểu không gian đối trọng với đời sống văn minh công nghệ, nơi tất cả những phương thức đời sống cũ được bảo lưu và bị biến thành những thứ ‘dị lãm’ (exotic) cho người ta đến thăm quan, ngắm nghía như thể đang bước chân vào một dạng “vườn bách thú” – lần đầu tiên hạnh phúc được đặt lại vấn đề. Mond quả quyết rằng để duy trì sự hài hòa, xã hội cần liên tục được kiểm duyệt: kiểm duyệt nghệ thuật, kiềm chế cá tính, tránh xa tình yêu, cấm kị đổi mới. Đó là một thế giới tước bỏ sự xung đột tinh thần dưới bất kì hình thức nào, không còn mê tín nhưng cũng không còn tôn giáo tín ngưỡng, không có sự khủng hoảng kinh tế nhưng cũng mất đi tất cả những vẻ đẹp của truyền thống cũ, không bất đồng quan điểm nhưng cũng không có nổi những sáng tạo tuyệt vời. Nhưng trong khi Mond, từ luận điệu của giới cầm quyền, khăng khăng lấy nền tảng xã hội là sự ổn định trong suy trì các mối quan hệ đẳng cấp, triệt tiêu mọi say mê mà thường đi kèm với nó là tham vọng quyền lực và bạo lực, John cho rằng hạnh phúc điều mà để có được nó, con người phải chấp nhận đánh đổi bằng một cái giá quá lớn: “Nhưng tôi không muốn thoải mái. Tôi muốn Thượng đế, tôi muốn thơ ca, tôi muốn nguy hiểm thật sự, tôi muốn tự do, tôi muốn lòng tốt. Tôi muốn tội lỗi”. Brave New World của Aldous Huxley, bởi thế, không chỉ là một tiên nghiệm về sự phát triển của công nghệ mà còn phơi lộ những bàn tay quyền lực đứng đằng sau điều khiển và lợi dụng những bước tiến công nghệ ấy. Một đám đông phục tùng phi cá tính, đó gần như là kiểu mẫu công dân lí tưởng đối với mọi nhà cầm quyền. Và ở đây, sự phát triển vượt bậc của công nghệ là điều kiện lí tưởng để những tham vọng ấy được hiện thực hóa, bắt đầu từ quyền năng biến đổi gene để duy trì vĩnh cửu các kiểu hình công dân. Huxley, hơn ai hết, đưa đến một lời cảnh tỉnh về nhân tính và nhân quyền – những gì rất dễ bị bỏ qua và phủ nhận dưới sự thống trị đã được khéo léo “công nghệ hóa”, trong những xã hội nơi sự bất bình đẳng được duy trì nhân danh văn minh và tiến bộ.  

Những hình dung viễn tưởng, như thế, đã chạm tới cái nhìn sâu nhất về một kỉ nguyên của công nghệ mà chúng ta đang bước đầu đối diện, đặt lại ý niệm nhân tính trước những thách thức và gợi mở mà thời đại hậu-nhân loại này đang đưa lại. Từ những dự cảm đầu tiên của Aldous Huxley, và sau này là George Orwell, Karel Kapek2,… các tác phẩm phản-không tưởng xuất sắc nhất gần đây như series Black Mirror (Gương đen) đã cho chúng ta cái nhìn vừa sâu sắc vừa trực diện vào nỗi ám ảnh ‘tận thế’ trong cơn khủng hoảng công nghệ mà chính chúng ta đang phải đương đầu. Dẫu vậy, điểm cốt yếu nhất mà các tác phẩm viễn tưởng có thể gợi mở cho chúng ta không chỉ là sự thức tỉnh trước bá quyền thống trì được duy trì và nghiễm nhiên hóa bằng công nghệ, mà còn là một cách tiếp cận mang tính “lỏng” hơn trước những hình dung nhân văn. Lặp đi lặp lại trong những tác phẩm ấy là sự phá vỡ liên tục những ranh giới nhị nguyên như Donna Haraway đã chỉ ra trong Cyborg Manifesto (Bản tuyên ngôn quyền người máy): giữa sinh thể với máy móc, giữa thân thể với phi-thân thể,… để từ đó xác quyết một ý niệm táo bạo hơn về “khoái cảm của sự rối loạn những đường biên” hay chính là những cách thức có thể trao tặng cho con người những khả thể tồn tại mới.

Chú thích: 

1 Phản không tưởng (Dystopia): là một thuật ngữ phái sinh từ ý niệm ‘utopia’ được Sir Thomas More đặt ra trong cuốn tiểu thuyết cùng tên năm 1516 để chỉ một nơi chốn hay một nhà nước tưởng tượng nơi tất cả mọi thứ đều hoàn hảo, vốn được Thomas More xây dựng trong ước vọng đối lập với một xã hội Anh tha hóa, xuống cấp vào chính thời ông sống. Để tạo ra khái niệm này, More đã chơi chữ, ghép từ “ou” (có nghĩa là không) và “topos” (có nghĩa là nơi chốn) trong tiếng Hi Lạp để nói về một nơi chốn “không nơi chốn”, một nhà nước văn minh hoàn hảo gần như mới chỉ tồn tại trong mơ ước. Trái lại, “dystopia” ra đời trong thế kỉ XX, gắn với sự đổ vỡ của những ảo tưởng về tính hiện đại cùng nỗi thất vọng về một nơi chốn tuyệt đối hứa hẹn sẽ chờ đón con người trong kỉ nguyên của công nghiệp, công nghệ và kĩ thuật. Nó gắn với sự hình thành của văn học phản không tưởng (dystopian literature) mà Brave New World là một trong những tác phẩm mở màn, nhắm đến khám phá những cấu trúc chính trị xã hội trong ‘một thế giới tăm tối, ác mộng’, gắn với chủ nghĩa bá quyền và sự sụp đổ hoàn toàn niềm tin vào huyễn tưởng mà kỉ nguyên hiện đại từng hứa hẹn khi nó đang từng bước đẩy con người vào những ‘nguy cơ tận thế’ mới. 
2 Với “R.U.R” đã được dịch sang tiếng Việt. Karel Kapek cũng là người đầu tiên đưa từ “robot” vào văn học.

Tác giả

(Visited 26 times, 1 visits today)