Ranh giới giữa con người và robot đang nhoà dần?

Đây là một robot hay là một con người? Ngày nay, khi nhìn vào một robot bạn sẽ trả lời câu hỏi này dễ dàng và nhanh chóng. Tuy nhiên trong tương lai bạn sẽ khó trả lời hơn, vì ranh giới giữa robot và con người sẽ mờ dần khi máy móc học suy nghĩ, còn con người cũng được cấy từng phần của máy móc.


Robot ngày càng giống con người

Robot Erica đến từ Nhật bản, robot Armar ra đời tại quê hương Karlsruhe (Đức) và robot Myon, sản phẩm của trường Cao đẳng kỹ thuật Beuth không “quen biết” nhau. Nhưng sẽ thật thú vị nếu được xem bộ ba này cùng các con robot giống người khác nhảy múa với nhau trong một buổi thử nghiệm để biết rằng các cỗ máy có mắt, tay và cơ thể giống con người có thể làm những gì. Ở khắp châu Âu, châu Á và ở Mỹ, các nhà nghiên cứu luôn tìm cách thiết kế các robot giống người với các cảm biến tự động nghe nhìn và có thể tự nói.

Máy móc biết “tư duy” như con người

Cái máy móc ngày nay đã khác nhiều so với những cánh tay robot được gắn cố định trước đây chúng ta vẫn thấy. Những máy móc mới này khôn ngoan hơn, “biết học” do có trí tuệ nhân tạo. Để làm được điều đó, các nhà nghiên cứu tìm hiểu sâu về quá trình hoạt động của bộ não con người. Trên cơ sở những kiến thức này, họ thiết kế, lắp đặt máy móc và sử dụng trí tuệ nhân tạo có cơ chế hoạt động tương tự như các tế bào ở trong não bộ để điều khiển máy móc. Trí tuệ nhân tạo có thể bắt chước con người: ví dụ chúng “nhìn xem” bàn tay nắm bắt như thế nào và chuyển tải mô thức đó sang máy móc – giờ đây được côi là một “sinh vật” làm bằng kim loại, giây nhợ và các khớp nối nhân tạo.

Song song với quá trình “thông minh hóa máy móc” này, sự tiến bộ của kỹ thuật y học cũng giúp cấy các bộ phận của máy tính vào cơ thể con người. Thí dụ cấy chip vào tai giữa, qua đó giúp những người bị điếc nặng có thể cảm nhận được nhiều âm thanh hơn. Hoặc gắn những con robot hỗ trợ vào cơ thể con người như một bộ xương ở bên ngoài để giúp đỡ các hoạt động của con người. Như thế, con người hoà với thiết bị này. Người bị liệt có thể nhích đi một đoạn ngắn. Những người khoẻ mạnh có thể nâng vác một vật có trọng lượng cực kỳ lớn.

Hiroshi Ishiguro, chuyên gia về robot người Nhật và nhiều đồng nghiệp luôn cố gắng tạo ra những cỗ máy giống người thật như đúc. Thí dụ con Geminoid HI-1 rất giống người. Và chính bản thân Ishiguro đã đứng ra làm người mẫu để tạo hình cho Geminoid HI-1. Sau này, robot Erica được chế tạo trông giống người hơn nữa. Ông và các cộng sự của đại học Osaka, đại học Kyoto và viện ATR đã tạo ra một cô gái robot mang mái tóc dài mầu nâu có biệt tài trong giao tiếp. Thậm chí, khi nói chuyện, biểu cảm trên khuôn mặt cô cũng rất giống với người thật.

Một số nhà khoa học khác như giáo sư Rüdiger Dillmann, ở Viện công nghệ Karlsruhe (Đức) có quan điểm khác khi cho rằng không nhất thiết phải thiết kế robot giống người. Nhưng dù có quan niệm rất khác nhau trong thiết kế hình dạng, nhưng điểm chung trong các sáng tạo của họ ở đây là không thể tách rời con người với công nghệ. Thậm chí Ishiguro còn đưa ra một định nghĩa cơ bản nhất về con người là: con vật cộng với công nghệ. Điều đó có nghĩa là: “Nếu như chúng ta không sử dụng được kỹ thuật thì chúng ta không thể là con người. Nghĩa là chúng ta không thể tách rời con người với kỹ thuật. Và robot là công nghệ tiến bộ nhất”, ông nói.

Con người và robot có thể nhích lại gần nhau đến đâu?

Bất luận robot sẽ phát triển mạnh mẽ như thế nào, cho đến nay, con người vẫn luôn là chủ thể ra quyết định về khả năng của robot. Tuy nhiên giờ đây các nhà nghiên cứu đều tìm mọi cách để những đứa con nuôi của họ ngày càng được độc lập hơn.

Con Robot điển hình cho mong muốn này là Myon, với chiều cao 1.25 m, nặng khoảng 16 kg. Trên vai Myon là một cái đầu màu đen-trắng với một con con mắt – camera. Giáo sư Manfred Hild và các đồng nghiệp trong nhóm nghiên cứu của ông ở trường Cao đẳng Beuth (Đức) đã thiết kế để robot này có thể quan sát môi trường xung quanh mình, có thể đi và biết rút ra các bài học từ những trải nghiệm của mình.

Từ hiện tượng những robot ngày càng “thông minh” và linh hoạt hơn, nhiều chuyên gia phỏng đoán, máy móc có thể khôn ngoan hơn con người. Điều đó có thể xảy ra trong nhiều lĩnh vực chứ không phải chỉ ở những lĩnh vực nhất định. Hiện tại phần mềm bác sĩ IBM Watson có thể giúp các thầy thuốc chẩn đoán bệnh thông qua phân tích cực nhanh, hoặc AlphaGo của Google đã có thể hạ gục nhưng tay cờ vaya thiện nghệ nhất thế giới. Và trong tương lai, những công nghệ này sẽ giúp giải quyết những vấn đề rất khác nhau, từ chữa trị bệnh ung thư cho đến biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ khả năng robot sẽ thông minh hơn con người. Chẳng hạn như Dillmann, một chuyên gia về robot người Đức lại tỏ ra thận trọng: “Tôi không tin rằng trí thông minh nhân tạo có thể bắt chước hoặc vượt xa tầm vóc của con người. Nếu ta xem xét các quá trình liên quan đến hoạt động sáng tạo, ví dụ do các nghệ sỹ hay các kiến trúc sư thực hiện thì sẽ thấy ngay điều đó. Hơn nữa tư duy còn bao gồm cả sự giao tiếp giữa con người với nhau trong xã hội. Điều này hoàn toàn xa lạ với máy móc. Do đó máy móc gần như không thể bắt chước con người hoặc vượt lên khỏi tư duy con người. Và nếu có thể bắt chước, thì đó chỉ là những nét phác hoạ thô như ở tranh biếm hoạ”.

Giáo sư Hild thì lại dự báo rằng còn rất lâu nữa mới tới ngày robot thật sự giống con người: “Tôi tin rằng trong vài trăm năm nữa chúng ta vẫn có thể dễ dàng nhận ra đối tượng đứng trước mặt mình là một robot hay là một con người bằng xương, bằng thịt”.

Xuân Hoài lược dịch theo “Tuần kinh tế”.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)