Robot có thể tác động vào các tương tác giữa người với người

Ba người và một robot tạo thành một đội chơi. Robot mắc lỗi, khiến cả đội nhận một bàn thua. Giống như bất kỳ đồng đội tốt nào, nó thừa nhận lỗi. “Xin lỗi các bạn, tôi đã phạm sai lầm trong vòng này”, nó nói. “Tôi biết điều này có thể khó tin, nhưng robot cũng mắc lỗi”.


Trẻ em tương tác với robot Nao với hệ điều hành WoZ. Nguồn: ResearchGate

Tình huống này đã lặp lại nhiều lần trong một nghiên cứu do Đại học Yale tiến hành về tác động của robot đối với các tương tác giữa người với người. Được công bố trên PNAS, nghiên cứu cho thấy con người trong các đội chơi – bao gồm một robot biết bày tỏ cảm xúc – sẽ có trải nghiệm nhóm tích cực hơn so với những người trong nhóm có robot im lặng hoặc các robot chỉ đưa ra tuyên bố trung lập, như thuật lại tỉ số của các vòng chơi.

“Chúng tôi biết robot có thể ảnh hưởng đến hành vi của con người – những ai mà chúng tương tác trực tiếp, nhưng làm thế nào mà robot ảnh hưởng đến cách con người giao tiếp với nhau thì vẫn chưa được làm rõ”, Margaret L. Traeger, nghiên cứu sinh xã hội học tại Viện Khoa học Hệ thống Yale (YINS) và là tác giả chính của nghiên cứu, nói. “Do đó, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy robot có tác động đến sự tương tác giữa người với người.”

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thí nghiệm, trong đó 153 người được chia thành 51 nhóm, mỗi nhóm gồm ba người và robot. Mỗi nhóm chơi một trò chơi trên máy tính bảng, trong đó các thành viên đã phối hợp để xây dựng các tuyến đường sắt hiệu quả nhất có thể trong hơn 30 vòng chơi. Các nhóm được ấn định một trong ba trạng thái hành vi khác nhau của robot. Vào cuối mỗi vòng, robot sẽ giữ im lặng, thốt ra một tuyên bố trung lập liên quan đến nhiệm vụ (như điểm số hoặc số vòng hoàn thành), hoặc thể hiện sự nhạy cảm thông qua một trò đùa, kể chuyện cá nhân hoặc bằng cách thừa nhận sai lầm; tất cả các robot đôi khi để thua một vòng.

Những người cùng đội với loại robot tạo ra lời nói thể hiện sự nhạy cảm, đã dành khoảng gấp đôi thời gian trò chuyện với nhau trong trò chơi. Họ thể hiện sự thích thú với trải nghiệm này nhiều hơn so với những người trong những nhóm có robot thuộc hai loại còn lại.

Sự giao tiếp giữa con người tăng lên khi robot đưa ra những tuyên bố có cảm xúc, hơn là khi chúng đưa ra những tuyên bố trung lập. Cuộc trò chuyện giữa mọi người được phân phối đồng đều hơn khi robot chia sẻ cảm xúc, thay vì im lặng.

Các thành viên trong nhóm có robot chia sẻ cảm xúc và robot trung tính, sẽ trò chuyện với nhau đồng đều hơn so với các thành viên trong nhóm có robot im lặng, Nó cho thấy sự tham gia của robot nói chuyện sẽ khuyến khích mọi người trao đổi với nhau đồng đều hơn.

“Chúng tôi quan tâm đến việc xã hội sẽ thay đổi như thế nào khi thêm các hình thức trí tuệ nhân tạo vào giữa mọi người”, Nicholas A. Christakis, giáo sư Khoa học xã hội và tự nhiên Sterling nói. “Khi chúng ta tạo ra các hệ thống xã hội kết hợp giữa con người và máy móc, chúng ta cần xem xét cách lập trình các tác nhân robot, làm sao để chúng không ảnh hưởng đến cách chúng ta đối xử với nhau.”

Làm sáng tỏ ảnh hưởng xã hội của robot trong cộng đồng là vô cùng quan trọng, ngay cả khi robot không chủ ý thực hiện trách nhiệm xã hội, Sarah Strohkorb Sebo, nghiên cứu sinh Khoa Khoa học Máy tính và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết. “Hãy tưởng tượng một robot trong nhà máy có nhiệm vụ phân phối các bộ phận trên dây chuyền lắp ráp cho công nhân,” bà nói, “Nếu nó trao tất cả các bộ phận cho một người, nó có thể tạo ra một môi trường xã hội khó xử – các công nhân khác sẽ đặt câu hỏi: ‘Liệu robot có nghĩ rằng mình kém cỏi hơn trong công việc hay không?’ Phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng thiết kế của robot thúc đẩy gắn kết xã hội, sự tham gia đồng đều và trải nghiệm tích cực đối với những người làm việc trong nhóm.” □

Anh Thư dịch
Nguồn: https://techxplore.com/news/2020-03-robots-foster-conversation-humans.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)