Robot trở thành bạn đồng hành

Đến một ngày nào đó, các robot có thể trở thành bạn đồng hành hỗ trợ chúng ta trong công việc và trong cuộc sống hàng ngày được không? Khi đó chúng ta định dành cho máy móc thiết bị bao nhiêu phần trăm khả năng kiểm soát?

Vậy có nên duy trì quyền kiểm soát của con người đối với máy móc? Ngay ngôn từ của câu hỏi này đã khiến tôi cảm thấy khó chịu. Vấn đề ở đây không phải là có hay không, đen hay trắng, hoàn toàn hay không gì cả. Chúng ta phải tùy từng trường hợp mà ra quyết định phù hợp, lúc nào chúng ta trao quyền kiểm soát – và nếu trao, thì ở mức độ nào.

Ngoài ra tôi cũng không thích lắm cách diễn đạt “con người chống lại máy móc”. Điều tôi quan tâm nhiều hơn là trong tương lai, con người và máy móc sẽ hợp tác thay vì kình địch như thế nào. Vì vậy tôi quan tâm đến hoạt động của  IDC Media Innovation Lab ở Herzliya, Israel, để tìm hiểu quá trình làm việc nhóm và sự tương giao giữa con người với robot.

Ở đây thường mối quan hệ này chủ yếu diễn ra trong môi trường nghề nghiệp. Thí dụ tới đây công nhân trong nhà máy sẽ vai kề vai cùng làm việc với robot để sản xuất các bộ phận của một thiết bị hoặc cùng nhau lắp ráp; y tá ở bệnh viện giám sát các robot trong việc phân phối thuốc chữa bệnh; một nhà giáo cùng với “trợ lý” robot hỗ trợ học sinh học tập; nhân viên văn phòng có thể tương tác với robot để sắp xếp chuyển giao công văn, thư từ hoặc tổ chức các cuộc họp.

Ngoài ra, chúng ta còn có thể thiết kế những robot cùng chung sống với con người. Ở khía cạnh này, việc sử dụng robot cũng rất đa dạng. Robot có thể làm việc nhà, nấu nướng và lau chùi quét dọn. Robot có thể giúp chúng ta giải trí, cổ vũ hoạt động thể thao, hỗ trợ khi làm những công việc mà mình ưa thích. Robot cũng có thể giúp trẻ em làm bài tập hoặc trợ giúp các em chơi nhạc.

Với tư cách là các nhà khoa học, chúng tôi đều chung ý tưởng: đến một lúc nào đó, robot và con người sẽ có quan hệ cá nhân bền chặt và lâu dài với nhau, dù trong hoạt động nghề nghiệp hay trong cuộc sống riêng tư. Chúng tôi gọi lĩnh vực nghiên cứu này là sự tương tác con người – robot. 

Khía cạnh mà tôi thấy đặc biệt hấp dẫn là: các yếu tố như thời gian hay ngôn ngữ cơ thể có vai trò gì trong mối quan hệ giữa con người và robot?

Sự cảm thông và đồng cảm

Từ một loạt thí nghiệm của tôi, kết quả thu được luôn giống nhau: phần lớn người ta đều cho rằng robot cảm nhận được trước các ý muốn của họ, ngay cả khi điều này đồng nghĩa với việc robot phạm sai lầm vì luôn phải đoán trước hành động của con người.

Hơn nữa, yếu tố ngẫu hứng có vai trò quan trọng. Theo nghiên cứu của tôi, con người có thể coi robot thông minh hơn, năng nổ hơn và hoạt động có hiệu quả hơn, khi bản thân con người dám mạo hiểm làm một điều gì đó, hay nói một cách cụ thể: con người ít kiểm soát hơn và tăng cường sự ngẫu hứng.

Đối với những công việc mang tính chất lặp đi lặp lại một số kỹ năng thì con người lại muốn robot phát huy tính chủ động. Con người không muốn sử dụng một công cụ dốt nát chỉ biết “chỉ đâu đánh đấy”.

Ở một số thí nghiệm khác, chúng tôi có thể chứng minh, sức mạnh của ngôn ngữ cơ thể và cử chỉ của robot có vai trò như thế nào.  Thí dụ, chúng tôi nhận thấy, khi robot vừa hát vừa múa thì dễ làm cho người ta thích bài hát đó hơn. Nói cách khác, dường như niềm vui của robot tác động đến ý nghĩ của con người.

Chúng tôi cũng để con người chuyện trò với robot về những trải nghiệm với những tình cảm phức tạp mang tính chất cá nhân. Điều này cho thấy, con người dễ chấp nhận robot nếu nó biết đáp lại những câu chuyện của con người bằng sự đồng cảm của mình.

Chúng ta định chia sẻ bao nhiêu quyền lực?

Ở một thí nghiệm khác, chúng tôi nhận thấy sự có mặt của robot đủ để ảnh hưởng tới hành vi của con người. Hãy xem, khi robot có mặt trong phòng và thỉnh thoảng nhìn những người tham gia thì những người này xử sự chân thật và đàng hoàng hơn. Sự có mặt của robot cũng có hiệu quả y như sự hiện diện của một người khác.

Từ tất cả những thí nghiệm này, chúng tôi nhận rõ một điều: con người sẵn sàng rũ bỏ hoài nghi và thiếu tin tưởng đối với robot. Con người đặt các nhu cầu xã hội và nhu cầu giữa người với robot tương tự như giữa con người với nhau.

Hơn thế nữa, khi người ta cùng làm việc càng lâu với một robot nhất định thì lại càng có mong muốn mạnh mẽ đến lúc nào đó robot biết phát huy sáng kiến, biết tự đánh giá  –  thay vì chỉ biết thụ động chờ lệnh. Điều này là một phần mong đợi của chúng tôi đối với trí tuệ nhân tạo.

Từ đó dẫn đến câu hỏi, chúng ta để cho máy móc kiểm soát bao nhiêu phần và robot đảm nhận bao nhiêu phần trong quyết định vốn dĩ là của con người. Đây không đơn thuần là câu hỏi mang tính kỹ thuật đối với kỹ sư về robot và chuyên gia tin học mà là câu hỏi với toàn thể xã hội.

Người ta phải hiểu rằng, không có ranh giới giữa cơ học và ý chí. Một cái cửa mở tự động ít nhiều biết ra quyết định mở cửa khi ai đó đến gần. Nhưng điều gì xảy ra khi việc mở cửa liên quan đến khả năng nhận diện khuôn mặt? Và khi phần mềm này dự đoán, rằng con người kia thuộc nhóm bất hảo để dẫn tới quyết định không cho người này vào nhà?

Thực ra vấn đề ở đây chỉ là một cơ chế toán học đơn giản nhưng lại can thiệp bất ngờ vào cuộc sống thật. Vì vậy chúng ta phải quyết: trong tình huống nào thì trao quyền quyết định – tức là trao bớt quyền kiểm soát, và nếu có thì trao bao nhiêu?

Những vấn đề quan trọng mang tính xã hội và văn hóa

Hiện nay chúng ta đã để cho những thiết bị điều khiển qua GPS dẫn đường đưa mình về nhà. Vậy liệu chúng ta có dám trao cho máy móc quyền quyết định lựa chọn những phương pháp điều trị kéo dài sự sống của người thân không?

Tại Israel có sáng kiến về  “Robots in Human Society” (Robot trong xã hội con người), tôi cùng với  đồng nghiệp Dan Halperin và  Lior Zalmanson đã đề xuất sáng kiến này. Hàng năm, chúng tôi đều có những cuộc thảo luận về chủ đề luôn mới mẻ  này trên diễn đàn, tuy nhiên không nên chỉ có các nhà khoa học mà cần cả toàn thể xã hội quan tâm đến những cuộc thảo luận này.

Có một số khía cạnh pháp lý về việc robot chịu trách nhiệm như thế nào với những hoạt động của mìn, trong đó có những khía cạnh về văn hóa, nhưng cũng có những vấn đề về kinh tế liên quan đến tương lai của lao động. Phần lớn các nhà kinh tế đều cho rằng, trước hết những người có thu nhập thấp sẽ bị thiệt thòi vì robot  – tuy nhiên cho đến nay vấn đề này hầu như chưa được chú ý tới.

Việc chối bỏ sự kiểm soát nhất định có thể làm cho robot trở thành đồng nghiệp tốt trong công tác cũng như là bạn đồng hành tốt trong cuộc sống. Nhưng điều này cũng có nghĩa là, những vấn đề quan trọng nhất liên quan đến trí tuệ nhân tạo và robot không phải là những vấn đề mang tính công nghệ, khoa học kỹ thuật mà là những vấn đề về văn hóa, xã hội. Vì vậy không nên  giao hoàn toàn phần công việc này cho các đơn vị liên quan đến robot.

Guy Hoffman là PGS ở ĐH Truyền thông ở Herzliya (School of Communication in Herzliya), và đồng giám đốc Phòng thí nghiệm Đổi mới sáng tạo truyền thông (Media Innovation Lab). Trước đó, ông từng nghiên cứu ở một số đơn vị khác, trong đó có Viện Công nghệ Massachusetts. Từ nhiều năm nay, ông quan tâm tới sự hợp tác giữa con người và  robot.

Xuân Hoài dịch

 

 

 

Tác giả