Sản xuất lúa vụ ba – những điều cần cân nhắc

Với chương trình xây bờ bao khép kín chống lũ, diện tích lúa vụ 3 ở ĐBSCL những năm gần đây liên tục tăng mạnh. Tuy nhiên, nếu chương trình này tiếp tục được làm triệt để ở tất cả các huyện, xã thì từ góc độ quản lý vẫn còn những điều cần cân nhắc.

Kết thúc niên vụ 2011, Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt sản lượng cao nhất: 23 triệu tấn, tăng 1,5 triệu tấn so 2010, góp phần đưa cả nước đạt sản lượng kỷ lục 42 triệu tấn. Xuất khẩu 7 triệu tấn gạo, cũng là mức cao nhất. Sản xuất vụ 3 hay còn gọi là vụ Thu đông đạt sản lượng 3,3 triệu tấn, vượt kế hoạch 1 triệu tấn. Nông dân ĐBSCL một năm trúng mùa, được giá càng hăng hái sản xuất; đã và đang góp phần ổn định đời sống trong tình hình khủng hoảng tài chánh, suy thoái kinh tế thế giới mà Việt Nam không là ngoại lệ.

Sản xuất vụ 3 ở An Giang bắt đầu từ huyện Chợ Mới năm 1995 với chương trình bờ bao khép kín chống lũ triệt để, kết hợp xây dựng giao thông nông thôn. Cùng với dự án Bắc Vàm Nao – thủy lợi, giao thông, cống bửng hoàn chỉnh do Úc viện trợ và công trình Kinh T5 – Võ Văn Kiệt, năm 2000, diện tích sản xuất tăng lên gần 20.000 héc-ta. Năm 2002 có Đề án 31 của tỉnh tổng kết và qui hoạch sản xuất vụ 3 với đỉnh lũ dự kiến ở Tân Châu là 5m; bắt đầu định hình vụ sản xuất chính với các loại cây trồng, vật nuôi thích hợp trong mùa nước nổi với diện tích trên 40.000 héc-ta, trong đó có 5.000 héc-ta hoa màu. Nếu kể 10.000 héc-ta lúa vùng cao Bảy Núi, diện tích lúa-màu vụ nầy có đến 50.000 héc-ta, giải quyết việc làm cho lao động “nông nhàn”, người nghèo không cần cứu trợ, người có vốn, có kinh nghiệm cũng có dịp làm giàu. Nhờ vậy mà những lo ngại ban đầu về “đất bạc màu”, “môi trường ô nhiễm”, hiện tượng nước ngoài đê sẽ dềnh lên làm tăng ngập lụt nơi khác… cũng dần tìm ra cách khắc phục có hiệu quả. Nói lại chuyện cũ để chỉ ra cái khó của cái mới ra đời – “vạn sự khởi đầu nan” mà! Những năm đầu, nhất là lúc lên qui hoạch, thi công công trình đê bao, cán bộ huyện, xã phải chịu nhiều thử thách về tính kiên trì, lắng nghe dân và cũng tỏ rõ quyết đoán, đôi khi lôi cả lãnh đạo tỉnh, trung ương vào cuộc.

Kết quả thực tiễn có sức thuyết phục không gì bằng. Từ chỗ chưa biết, nhiều nông dân kiện thưa, cản ngăn, đôi khi thành hình sự; người ngoài cuộc châm chọc vào, truyền thông cũng phân tán dư luận v.v…; đến chỗ trúng mùa được giá, giá thành sản xuất lại thấp do ít sâu bệnh, nông dân đâm mê thì hiện tượng sản xuất tự phát xuất hiện, nhiều vùng không thực hiện được kế hoạch xả lũ luân phiên mà đành chịu ô nhiễm môi trường, thậm chí có người sản xuất ngoài đê bao, đôi khi bị thiệt hại mất trắng mà không dám than.

Năm 2011, vụ 3 nầy An Giang sản xuất trên 130.000 héc-ta lúa (không kể hoa màu và lúa ruộng trên hơn 15.000 héc-ta), năng suất trên 5,5 tấn/héc-ta, lợi nhuận trên 11 triệu đồng/ha. Hoa màu trái vụ đắc giá, xuất khẩu qua Campuchia khối lượng lớn là sức hấp dẫn nông dân và chính quyền. Nghe đâu sắp tới tỉnh sẽ được trớn làm đê bao khép kín mạnh hơn; huyện, xã nào chưa làm cũng rục rịch lên kế hoạch. Tình hình nầy ở góc độ quản lý cần cân nhắc:

* Năm 2000 đỉnh lũ ở Tân Châu 5,06m – Ở Chợ Mới 3,58m => diện tích lúa vụ 3: 18.984ha.
   
 – Diện tích lúa của Đồng Tháp: 19.797ha.

– Tổng diện tích choán mặt nước sông Tiền (Tân Châu) của hai tỉnh: 38. 783 ha.

*  Năm 2011 đỉnh lũ ở Tân Châu 4,86m – Ở Chợ Mới 3,49 => diện tích lúa vụ 3: 44.473ha, tăng 2,34 lần so năm 2000.

 – Diện tích lúa tỉnh Đồng Tháp: 98.858ha, tăng gần 5 lần so năm 2000.

 – Tổng diện tích choán nước sông Tiền của hai tỉnh: 143.331ha, tăng 3,69 lần so 2000.

* Năm 2000 đỉnh lũ Châu Đốc 4,90m – Long Xuyên 2,63m=> diện tích lúa vụ 3: 2.025 ha.

– Năm 2011 đỉnh lũ Châu Đốc 4,27m – Long Xuyên 2,81m => diện tích lúa Vùng Tứ Giác Long Xuyên: 86.895ha, tăng 43 lần so năm 2000.

Như vậy, năm 2011 mực nước Sông Tiền tại Tân Châu thấp hơn năm 2000 là 0,20m, nhưng tại Chợ Mới chỉ thấp hơn 0,09m. Tương tự, năm 2011 tại Châu Đốc thấp hơn năm 2.000 là 0,63m, nhưng tại Long Xuyên lại cao hơn năm 2.000 là 0,18m. Sở dĩ cao hơn (đáng lý phải thấp hơn tương ứng như Cà Mau) là vì diện tích lúa vụ 3 vùng Tứ giác Long Xuyên – Sông Hậu – tăng đến 43 lần, trong khi vùng sông Tiền và Đồng ThápM tăng chỉ 3,69 lần. Vậy là hiện tượng nước dềnh lên ở hạ lưu Sông Hậu rất rõ – khoảng 20 phân (không kể triều cường). Nên lưu ý: Nhờ dốc toàn lực, nhất là hàng ngàn bộ đội ngày đêm chống chọi, dù đỉnh lũ Tân Châu mới 4,86/qui hoạch 5m, nhưng thiệt hại do vỡ đê, dẫn đến mất trắng khoảng 6.000 ha là một thiệt hại không nhỏ cho những nông dân.

Nếu sắp tới An Giang tăng thêm vùng Tứ Giác Long Xuyên 100.000 ha nữa là hết diện tích đất lúa và tỉnh Đồng Tháp cũng tăng phần diện tích còn lại thì không lường hết điều gì sẽ xảy ra? Nghe anh em thủy lợi cho hay là ngành thủy lợi trung ương có ý đồ quay lại qui hoạch (cũ) là sẽ làm 7 cống đầu kinh trục theo tuyến quốc lộ 91 Châu Đốc – Long Xuyên (mà thủy lợi đã đề nghị), không hình dung khi đóng các cống vào lúc đỉnh lũ thì ba huyện cù lao sẽ trôi về đâu. Đó là chưa nói việc tính làm âu thuyền tại các cống thì là không tưởng trong điều kiện lưu thông ghe tàu xưa nay ở vùng nầy!

Từ tình hình và phân tách, người viết bài nầy đề nghị: ĐBSCL là vùng ngập hở, nước lũ thoát ra hai hướng: Biển Đông và Biển Tây; đồng bằng có độ cao so mặt biển bình quân không quá một mét, nên sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi biến đổi khí hậu làm nước biển dâng. Ngoài ra còn tác động thất thường của lượng nước mưa; năm 2011 mực nước cao nhất tại Viêng-chăn thấp hơn năm 2000 là 0,91m, trong khi Pắc-sế (hạ lưu) lại cao hơn năm 2000 là 0,23 m, đó có thể do lượng mưa tăng. Ở Campuchia năm 2011 xảy ra ngập lụt lớn cũng vì lý do đó. Vì vậy Bộ NN và PTNT phải là cơ quan chịu trách nhiệm làm nhạc trưởng chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp sản xuất nói chung, sản xuất vụ Thu – Đông nói riêng. Không thể để cho từng tỉnh mạnh ai nấy làm. Có thể làm đê bao khép kín, có cống bửng hoàn chỉnh, kết hợp giao thông nông thôn cho toàn vùng sản xuất, vì giao thông trong vùng cực kỳ quan trọng cho yêu cầu xây dựng nông thôn văn minh hiện đại. Nhưng việc sản xuất có thể từ 8 vụ 3 năm, điều chỉnh lại 7 vụ 3 năm. Nghĩa là diện tích choán nước do làm vụ 3 chỉ tương đương năm 2011. Trên một trục kinh, năm nầy phía trên nước sản xuất thì thả nước phía dưới, năm sau đổi lại. Nghĩa là không được biến dòng kinh thành máng xối.

Bài học thực tiễn dân ta có thừa, vấn đề là nghiêm túc rút kinh nghiệm và chủ trương hợp lòng dân mà cũng phải tương hợp đất trời thì mới có thể thành công. Quyết không chạy theo thành tích mà sanh hậu họa.

 

 

Năm

 

Đỉnh lũ

Tân Châu

Đỉnh lũ
Chợ Mới

Diện tích lúa choán nước Sông Tiền-An Giang

Diện tích lúa choán nước Sông Tiền -Đồng Tháp

Tổng diện tích lúa choán nước
ở 2 tỉnh

Tăng so với năm 2010

2010

 5,06m

3,58m

 18.984 ha

 19.797 ha

38,783 ha

 

2011

 4,86m

3,49m

 44.473 ha

 98.858 ha

143.331ha

 3,69 lần

 

Năm

Đỉnh lũ
Châu Đốc

Đỉnh lũ
Long Xuyên

Diện tích lúa vụ 3 ở Tứ Giác
Long Xuyên

Tăng so với năm 2010

2010

 4,90 m

 2,63 m

 2.025 ha

 

2011

 4,27 m

 2,81 m

 86.895 ha

 43 lần

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)