Sáng tạo – Giá trị cốt lõi của Thiên Long

Từ một cơ sở sản xuất bút bi nhỏ được thành lập vào năm 1981, đến nay Thiên Long đã trở thành một tập đoàn lớn nổi tiếng tại Việt Nam. Hiện sản phẩm của Thiên Long không chỉ đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia khác nhau trên thế giới. Sự thành công của Thiên Long đến từ nhiều yếu tố, trong đó không thể không kể đến vai trò của đổi mới sáng tạo.


Tinh thần đổi mới sáng tạo từ người sáng lập

Theo ông Nguyễn Đình Tâm – Phó Tổng Giám đốc thường trực của Tập đoàn Thiên Long, ngay từ những ngày đầu thành lập, Thiên Long đã mang trong mình tinh thần đổi mới sáng tạo của người sáng lập là ông Cổ Gia Thọ.

Ngay từ giai đoạn đầu đất nước mở cửa, vào những năm 1990, ông Thọ đã lặn lội tìm đến những quốc gia nổi tiếng trong lĩnh vực bút bi là Thụy Sĩ và Đức để học hỏi kinh nghiệm và mua công nghệ mới về phục vụ sản xuất. Và với đầu bút nhập từ Thụy Sĩ, mực nhập từ Đức, sản phẩm bút bi TL-07 và TL-08 đã tạo sự đột phá trong thị trường lúc bấy giờ. Những sản phẩm đến ngày hôm nay vẫn được tin dùng đó đã đủ chứng tỏ chất lượng của sản phẩm này.

Tập đoàn Thiên Long được trao Giải Bạc Chất lượng Việt Nam năm 2008, 2009; Giải Vàng Chất lượng Việt Nam năm 2011, năm 2014; Giải Chất lượng quốc tế châu Á – Thái Bình Dương năm 2015.

Ông Tâm cho biết: Nhiều người nghĩ rằng cứ phải tự mình làm tất cả các công việc thì mới gọi là đổi mới sáng tạo. Tôi nghĩ điều này không hẳn đúng, có những công nghệ mình phải nhập từ nước ngoài về vì đó là một bước đi vừa an toàn, vừa giúp chúng ta nhanh chóng tiết kiệm thời gian để bắt kịp nhu cầu của thị trường. Dĩ nhiên, bên cạnh đó cũng phải có những công nghệ, sản phẩm chúng ta tự sản xuất để có sự chủ động và tạo lợi thế cạnh tranh. Khi bạn thay đổi công nghệ cũ bằng một công nghệ mới tiên tiến hơn, cái đó gọi nôm na là đổi mới nhưng đổi mới sẽ không mang lại giá trị nếu thiếu đi sự sáng tạo. Đó là lý do vì sao chúng ta thường dùng chung cụm từ “đổi mới sáng tạo”.

Để tôi dễ hình dung hơn, ông Tâm đưa ra một ví dụ. Với một cây bút bi, bạn thử tháo rời các bộ phận ra, thông thường bạn sẽ thấy trên dưới 10 chi tiết khác nhau, tùy loại bút. Mỗi chi tiết cần một cái khuôn khác nhau để đúc tạo hình. Với công nghệ đúc cũ, bạn phải dùng các thiết bị cơ khí thô sơ mà việc sản xuất tốn nhiều thời gian và độ chính xác không cao. Nhờ đổi mới công nghệ, chúng ta dễ dàng tạo ra các khuôn mới nhanh chóng với độ chính xác cao hơn.


Ông bảo, cái đó gọi là đổi mới công nghệ. Thế nhưng công nghệ cũng chỉ là một công cụ mà thôi. Nó giúp chúng ta hiện thực hóa các ý tưởng một cách hiệu quả. Còn để có những ý tưởng xuất sắc, tạo được một sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, bạn cần phải biết thiết kế cây viết như thế nào, hình dáng, màu sắc, hoa văn ra sao… thì lại phải cần đến sự sáng tạo. Đó chính là điều tạo nên sự khác biệt, là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp này đối với doanh nghiệp kia và đây chính là điểm mạnh của Thiên Long.


Chính nhờ sáng tạo, Thiên Long liên tục tăng trưởng cao và ổn định qua các năm, từ một công ty chuyên sản xuất bút bi, đến nay công ty đã có năm dòng sản phẩm bao gồm: Bút viết thông dụng TL, Bút viết cao cấp Bizner, Dụng cụ văn phòng FlexOffice, Dụng cụ học sinh Điểm 10 và Dụng cụ Mỹ thuật Colokit, hơn 90 chủng loại sản phẩm đang kinh doanh ở thị trường trong và ngoài nước, trong đó, người viết bất ngờ khi được giới thiệu về cây bút phấn nước CM-01, một sản phẩm mới mà Thiên Long vừa giới thiệu ra thị trường. Có thể nói CM-01 là một sản phẩm rất tiện dụng khi kết hợp giữa phấn và mực nước không bụi để có thể viết trên bảng trắng, bảng đen, kính, nhựa, kim loại, giấy, gốm…


Lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo

Tham quan một vòng các phòng thí nghiệm, nhà máy sản xuất của Thiên Long, ta có thể thấy tinh thần đổi mới sáng tạo hiện diện khắp mọi nơi. Chính với điều đó mà Thiên Long đã chế tạo được một robot tự động lắp ráp các bộ phận khác nhau để hình thành nên một sản phẩm nhanh gấp 20 lần so với lắp ráp thủ công. Với những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ tiên tiến, đội ngũ nhân viên có chuyên môn cao, Thiên Long đã được nhiều khách hàng lớn tìm đến hợp tác, trong đó có cả Nhật Bản, Mỹ và châu Âu, là những quốc gia rất mạnh về lĩnh vực văn phòng phẩm.

Khi bạn thay đổi công nghệ cũ bằng một công nghệ mới tiên tiến hơn, cái đó gọi nôm na là đổi mới, nhưng đổi mới sẽ không mang lại giá trị nếu thiếu đi sự sáng tạo.

Dĩ nhiên không ai có được quả ngọt mà không kỳ công chăm sóc. Để có được thành quả này, ngay từ năm 1994, Thiên Long đã có một nhóm kỹ thuật chuyên nghiên cứu thiết kế sản phẩm. Đây là nền tảng hình thành nên phòng Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của công ty vào năm 2000 với ngân sách dành cho hoạt động đổi mới sáng tạo mỗi năm từ 3% – 5% tổng doanh thu của Tập đoàn.

Mặc dù R&D là trái tim của đổi mới sáng tạo nhưng sáng tạo là việc của tất cả các phòng ban, của mọi nhân viên chứ không riêng gì bộ phận R&D, ông Tâm nói thêm, nếu như bạn có những thiết kế tốt từ phòng nghiên cứu mà bộ phận sản xuất không đủ đổi mới để theo kịp ý tưởng thì cũng không ổn; rồi khi mọi thứ sản xuất đã ổn mà bộ phận marketing và bán hàng không sáng tạo để đưa sản phẩm ra thị trường đến tận tay người tiêu dùng thì sản phẩm dẫu có sáng tạo cũng chỉ là một sự thành công nửa vời.


Trả lời câu hỏi làm sao để tinh thần sáng tạo lan tỏa đến với tất cả phòng ban của công ty, ông Tâm nói, “Để làm được điều đó, vai trò người lãnh đạo hết sức quan trọng. Đơn giản thế này thôi, khi anh có một ý tưởng mới, trình bày với sếp mà bị gạt ngay thì làm sao có thể có sáng tạo được. Nhưng ngược lại, anh được lắng nghe, được khuyến khích, tôi tin ai cũng sẽ ‘sung’ hơn, không chỉ lần này mà còn nhiều lần khác”.


Một điều các doanh nghiệp đều biết, đó là đổi mới luôn đi kèm với rủi ro bởi là cái mới thì làm sao biết được có thể làm được hay không? Rồi làm được, sản xuất được nhưng thị trường có chấp nhận hay không lại là chuyện khác.


Thế nhưng có một điều chắc chắn là nếu không đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp sẽ rất khó để tồn tại trong môi trường đầy cạnh tranh hiện nay.


Vậy Thiên Long có cách nào để hạn chế rủi ro trong quá trình này?


Dĩ nhiên là có, ông Tâm nói và bổ sung thêm, đổi mới sáng tạo không có nghĩa là không có kỷ luật. Chính kỷ luật, làm theo từng bước, từng bước theo qui trình sẽ giúp công ty hạn chế bớt những rủi ro trong quá trình đổi mới sáng tạo.


Dĩ nhiên không doanh nghiệp nào chia sẻ chi tiết cho doanh nghiệp nào về bí mật quy trình thực hiện đổi mới sáng tạo, thế nhưng khi làm việc cùng với các đối tác lớn, hãy để ý tại sao họ làm thế này mà không phải thế kia, bạn sẽ học được rất nhiều điều hữu ích, ông Tâm bật mí.

Tác giả