Sáng tạo: Tại sao “đủ tốt” vẫn là chưa đủ?
Tôi vừa có hai tháng ở Đan Mạch, “đất nước hạnh phúc nhất thế giới” theo báo cáo từ đại học British Columbia. Càng tìm hiểu về khái niệm này, tôi càng lo lắng về tính sáng tạo, và về… Việt Nam. Nhưng trước tiên, hãy nói về Đan Mạch. Người Đan Mạch nói họ có vài lý do để hạnh phúc, và ít nhất có hai nền tảng.
Thứ hai, người Đan Mạch không có những kỳ vọng hay ước muốn quá cao. Người Đan Mạch không nói đến chuyện muốn thứ gì đó lớn hơn, tốt hơn, nhanh hơn như nhà cửa, công nghệ, hay xe hơi. Họ mua những sản phẩm chất lượng, dùng trong thời gian dài và không đòi hỏi những thiết bị mới nhất, sang nhất, “xịn” nhất. Chẳng hạn vì giá xăng rất cao nên họ mua nhà gần nơi làm việc và dùng xe đạp thay vì xe hơi như người Mỹ. Hơn 50% người ở Copenhagen đi làm bằng xe đạp suốt cả năm, bất kể thời tiết.
Thay vì tập trung vào sản phẩm, nhiều người Đan Mạch cho biết họ quan tâm đến trải nghiệm cuộc sống, những kỳ nghỉ, hay dành thời gian cho gia đình và bạn bè. Họ có nhiều kỳ nghỉ lễ, nghỉ phép trong năm, và luôn tận hưởng chúng trọn vẹn. Cuộc sống của họ thế là tốt, một số sẽ nói là “đủ tốt”, vậy bon chen thêm để làm gì?
Mặc dù ý nghĩ “hài lòng với cuộc sống đủ tốt” thật đáng ngưỡng mộ, nhưng điều gì sẽ xảy ra khi thái độ “đủ tốt rồi” dẫn đến tính tự mãn? Nếu điều đó xảy ra, tính tự mãn có thể bóp chẹt sự sáng tạo.
Từ đó tôi nghĩ đến Việt Nam
Cuộc sống người Việt Nam đang nhanh chóng cải thiện nhờ kinh tế phát triển, nhiều cơ hội tiếp cận hơn, nhiều lựa chọn với nhà ở, chăm sóc sức khỏe hay giáo dục. Tuy vậy, một số đồng nghiệp Việt Nam của tôi lo ngại là sẽ chạm đến ngưỡng “sống thế đủ tốt rồi” và không cố để tốt hơn nữa.
Những nhà kinh tế học nghiên cứu về hạnh phúc (vâng, đúng là có lĩnh vực này và có người nghiên cứu 20 năm) có thể cho là đạt đến trạng thái hài lòng với hoàn cảnh của mình là điều tích cực, và đúng – có thể tích cực lắm chứ! Nhưng liệu sự hài lòng có dẫn đến thái độ “chúng ta làm theo cách đấy và đạt được kết quả vậy sao phải tìm cách khác?” Nếu không có khao khát tìm kiếm ý tưởng mới, khởi tạo công ty mới, hay tìm giải pháp cho vấn đề, thì cá nhân, công ty, hay quốc gia có thể trở nên trì trệ và tự mãn. Nếu có quá nhiều người hài lòng với hoàn cảnh hiện tại, họ sẽ mất động lực, năng lượng và trí tò mò – những phẩm chất mà tôi nhìn thấy ở người Việt Nam trong những năm qua. Nếu thế, làm sao để đất nước tiến tới trước?
Tin tốt với Việt nam là dự án về tính đổi mới đã đưa ra nhiều ví dụ về những công ty và lãnh đạo nổi bật từ chối dừng lại khi ở ngưỡng “đủ tốt”.
Dự án i2Metrix được các nhà nghiên cứu Việt Nam, Thái Lan và Mỹ phát triển, đánh giá cách thức đổi mới toàn diện trong các doanh nghiệp Việt Nam. Những thông số đa chiều trong khảo sát sẽ đánh giá những khía cạnh sáng tạo, đổi mới, hiệu quả của công ty. Kết quả ban đầu từ 19 doanh nghiệp cho thấy phần nhiều trong số họ đã làm theo những cách thức sáng tạo và đổi mới từng được nghiên cứu. Một vài trong số đó đã nhận được giải thưởng từ bộ Khoa học và Công nghệ.
Điều thú vị là, khi phỏng vấn các vị điều hành công ty (một số buổi kéo dài 5-6 giờ), 50% nhà điều hành đánh giá tính hiệu quả và đổi mới trong doanh nghiệp họ là “thấp hơn mức trung bình”. Nghĩa là dù công ty họ nhận được giải thưởng nhờ khuyến khích và áp dụng đổi mới, nhiều lãnh đạo vẫn chưa hài lòng. Chẳng hạn nữ chủ tịch một công ty trang sức có tiếng trích câu thơ bà ưa thích trong bài La Bégueule (Cô nàng cả thẹn) của Voltaire, trong đó Voltaire dẫn lời người Ý thông thái nói rằng: “Điều tốt nhất là kẻ thù của điều tốt”. Nói cách khác, trở nên hoàn hảo sẽ làm cho người ta dừng phấn đấu. Và phấn đấu không ngừng là mục tiêu của nhiều nhà lãnh đạo tìm kiếm sự đổi mới.
Bài học về Đan Mạch có thể hữu ích cho Việt Nam: niềm hạnh phúc sẽ thật tuyệt vời nếu như sự hài lòng không làm ta tự mãn. Vậy khi bạn điều hành công ty, liệu bạn có dừng lại ở ngưỡng “đủ tốt?” hay bạn vẫn tiếp tục thử làm những cách khác để giúp công ty và đất nước bạn tốt hơn nữa?
* GS. TS Nancy K. Napier là Giám đốc Trung tâm Sáng tạo & Đổi mới – COBE – ĐH Boise State (Idaho, Mỹ), học giả nổi tiếng nghiên cứu về sáng tạo trong tổ chức, doanh nghiệp.