Sáng tạo theo trường phái TRIZ: Chông gai nhưng hấp dẫn

Lịch sử phát triển của loài người luôn gắn liền với các hoạt động sáng tạo, từ việc tìm ra lửa, chế tạo các dụng cụ săn bắn, hái lượm tới việc chế tạo các tàu vũ trụ khám phá không gian. Do đó từ lâu các nhà khoa học đã tìm cách nghiên cứu và “làm chủ” tư duy sáng tạo. Ngay từ thế kỷ thứ 3, nhà toán học Pappos đã bắt đầu nghiên cứu về tư duy sáng tạo. Tuy nhiên đối tượng “bí hiểm” này đã làm đau đầu rất nhiều nhà nghiên cứu. Nhiều người cho rằng “sáng tạo” là hoạt động hoàn toàn dựa vào các yếu tố mang tính chất cá nhân, phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tâm lý con người và bối cảnh mà người đó hoạt động. Do đó việc làm chủ và phát triển nó sẽ là “không tưởng”. Nhưng có một người đã không nghĩ như vậy.

Genrikh Saulovich Altshuller, người sáng lập trường phái TRIZ.

Một tư duy hoàn toàn mới

Chàng trai người Nga, gốc Do Thái Genrikh Saulovich Altshuller có tiềm năng rất lớn trở thành nhà sáng chế. Năm 14 tuổi, khi mới còn là một cậu học sinh, chàng trai này đã sở hữu vài bằng chứng nhận tác giả sáng chế. Sau khi tốt nghiệp Đại học công nghiệp, Altshuller hào hứng tham gia hạm đội Lý Hải với vai trò chuyên viên về patent. Khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, Altshuller đã viết thư cho Stalin và chính quyền phản đối việc Liên Xô đồng ý chuyển giao cho Mỹ toàn bộ thư viện lưu trữ sáng chế của Đức để đổi lấy thiết bị luyện thép, in ấn. Altshuller cho rằng số thiết bị kỹ thuật đó sau 20 năm sẽ chỉ còn là đống sắt vụn, trong khi đó những phát minh sáng chế kia mới bắt đầu phát huy tác dụng và nó có giá trị lâu dài. Sau lá thư này có vẻ như Altshuller đã được “ưu ái” cho vào sổ đen của KGB. Năm 1949, sau khi cùng người bạn R. Shapiro tìm ra công thức một loại thuốc nổ rất mạnh, với tinh thần cống hiến hai người đã viết thư cho lãnh tụ Stalin với mong muốn giúp tăng thêm sức mạnh cho quân đội. Tuy nhiên hai chàng trai tuổi đôi mươi không thể ngờ rằng, sau lá thư đầy tâm huyết là một sự “hiểu lầm” về một âm mưu đánh bom quảng trường Đỏ, họ đã phải nhận mức án 25 năm tù. Thật là nghiệt ngã, đó là cú đánh trời giáng cho những khát vọng của 2 chàng trai trẻ tuổi. Điều kiện sống và lao động vô cùng khắc nghiệt trong tù vẫn không làm mai một đi ý chí về một tương lai của hoạt động sáng chế. Một mặt Altshuller vẫn theo đuổi các ý tưởng về hoạt động sáng chế, mặt khác ông kiên quyết đấu tranh để đòi lại công lý cho bản thân. Sau khi Stalin chết, họ đã được trả tự do và khôi phục lại danh dự sau 5 năm ngồi tù.  Năm 1956 Altshuller và Shapiro công bố bài báo đầu tiên về vấn đề sáng tạo sáng chế với cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt so với các nghiên cứu về sáng tạo thời bấy giờ: “Sáng tạo sáng chế làm thay đổi các hệ thống kỹ thuật mà các hệ thống này phát triển theo các quy luật khách quan nhất định, không phụ thuộc tùy tiện vào tâm lý chủ quan của các nhà sáng chế. Do vậy, chỉ có thể nâng cao năng suất và hiệu quả quá trình sáng tạo sáng chế, khi nhà sáng chế nắm vững các quy luật phát triển khách quan đó và biết điều khiển tâm lý chủ quan của mình theo chúng”. Đây là bước đột phá hoàn toàn mới trong cách tiếp cận về việc nghiên cứu đối tượng rất “bí hiểm” là tư duy sáng tạo.

Đại học sáng tạo sáng chế

Đang hào hứng với những ý tưởng mới thì một điều không may lại xảy ra, người đồng nghiệp tâm đầu ý hợp Shapiro đã chuyển sang sinh sống ở Israel. Không nản chí,  Altshuller vẫn nỗ lực hết mình để xây dựng lên một lý thuyết khổng lồ mà ông đặt tên là Lý thuyết giải các bài toán sáng chế – TRIZ. Các nội dung cơ bản của TRIZ bao gồm: 40 thủ thuật sáng tạo, bảng khử các mâu thuẫn kỹ thuật, 76 chuẩn, 11 biến đổi mẫu, phương pháp mô hình hóa bài toán bằng những người tý hon và chương trình ARIZ. Sau khi xây dựng được một lý thuyết vững chắc, năm 1971 Altshuller đã cộng tác với Hội đồng trung ương Hiệp hội toàn liên bang các nhà sáng chế và hợp lý hóa Liên Xô (VOIR) thành lập Trường đại học sáng tạo sáng chế đặt tại thành phố Baku.

Các môn học chính được đào tạo trong trường gồm:

    + Phương pháp luận sáng tạo (gồm TRIZ là chính và các phương pháp của các trường phái khác).
    + Môn học phát triển trí tưởng tượng sáng tạo.
    + Tâm lý học sáng tạo.
    + Lý thuyết hệ thống.
    + Lý thuyết thông tin.
    + Điều khiển học.
    + Lý thuyết ra quyết định.
    + Patent học.
    + Các phương pháp dự báo.
    + Lịch sử phát triển khoa học – kỹ thuật.

Với những tư tưởng liên tục sáng tạo, đổi mới nhưng Altshuller lại bị cản trở bởi một hệ thống được vận hành theo cách vô cùng bảo thủ, trì trệ của VOIR. Không giải quyết nổi mâu thuẫn, Altshuller đã chia tay VOIR và kết thúc hoạt động của Đại học sáng tạo sáng chế sau khi hoàn thành được 2 khóa đào tạo. Mặc dù thế Altshuller vẫn cùng với các học trò xuất sắc của mình tiếp tục truyền bá TRIZ thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn. Cho tới những năm 1980, đã có hàng trăm thành phố ở Liên Xô mở các trường, trung tâm, câu lạc bộ đào tạo về TRIZ, hiệp hội TRIZ được thành lập năm 1989, tạp chí về TRIZ được thành lập năm 1990, hàng loạt sách về TRIZ được xuất bản. Một phong trào TRIZ được hình thành và phát triển mạnh mẽ ở Liên Xô. Những hoạt động của Altshuller đã góp phần cho sự ra đời của hơn 2.000 phát minh, sáng chế.

Cập bến Việt Nam

Ở Việt Nam, một chàng trai trẻ tên là Phan Dũng có một nỗi ấm ức và câu hỏi thường trực trong đầu: “Trước khi làm thì không ai dạy nghĩ cả, chỉ chờ làm sai thì mắng. Các môn Toán, Lý, Hóa đều có quy luật cả vậy trong suy nghĩ có quy luật không? Tại sao không thấy dạy ở phổ thông hay phải học lên cao nữa?, Tại sao mình không tự tìm hiểu cách nghĩ của chính mình?”. Năm 1967 Phan Dũng được cử đi học chuyên ngành vật lý thực nghiệm ở Liên Xô. Tuy được du học nhưng nỗi ấm ức đó vẫn không nguôi ngoai trong lòng. Và như một sự may mắn thần kỳ, chàng sinh viên Phan Dũng đã gặp được TRIZ. Như cá gặp nước, Phan Dũng đã lĩnh hội trọn vẹn TRIZ trực tiếp từ Altshuller thông qua khóa học đầu tiên ở Đại học sáng tạo sáng chế. Trở về Việt Nam Phan Dũng đã nỗ lực hết mình mang những kiến thức của TRIZ để phổ biến cho mọi người. Tuy nhiên ông đã gặp phải một vấn đề rất lớn, đó là TRIZ được xây dựng với mục đích chủ yếu để giúp các kỹ sư với những kiến thức kỹ thuật tương đối tốt thuận lợi hơn trong việc có được các bằng sáng chế. Vì thế việc triển khai giảng TRIZ thuần túy là không thực sự khả thi đối với điều kiện xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Vậy làm thế nào để đông đảo mọi người với những kiến thức ở mức độ phổ thông cũng có thể tiếp cận được với TRIZ? Ông đã dầy công tùy biến, chắt lọc, bổ sung những kiến thức của TRIZ để đông đảo mọi người có thể tiếp cận được. Việc thành lập được Trung tâm sáng tạo khoa học kỹ thuật (TSK) ở Đại học Quốc gia TP.HCM vào năm 1991 là điều kiện thuận lợi vô cùng lớn cho việc phổ biến TRIZ tại Việt Nam. Đồng thời PGS.TSKH Phan Dũng còn có những bước đi phù hợp để có thể hội nhập với quốc tế trong lĩnh vực này. Ông đã có nhiều công bố quốc tế, được nhiều nước mời nói chuyện, giảng dạy về TRIZ. “Tính đến hết tháng 4 năm 2003, TSK đã thực hiện được 210 khóa cơ bản và 13 khóa trung cấp PPLST với khoảng 10.000 người tham dự từ đủ mọi thành phần kinh tế, xã hội, tuổi từ 15 đến 72, trình độ từ phổ thông đến tiến sỹ, từ người bình thường đến thứ trưởng đương chức, cựu bộ trưởng”.

Tôi có may mắn được tham gia khóa học 2 tháng chương trình sơ cấp về TRIZ với PGS.TSKH Phan Dũng. Sau đó tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thêm kiến thức về TRIZ và đã đưa thành môn học chính khóa cho các lớp chất lượng cao của một số khoa trong Trường Đại học công nghiệp Hà Nội. Các buổi học về TRIZ là những trải nghiệm vô cùng thú vị đối với sinh viên. Những kiến thức mới lạ, bổ ích cùng với cách thức thảo luận và dùng công cụ của TRIZ để giải quyết các tình huống thực tế đã tạo cảm hứng học tập rất lớn cho họ. Một trong những sinh viên có được cảm hứng lớn lao đó đã phổ thơ toàn bộ cuốn giáo trình dày tới mấy trăm trang. Bên cạnh đó, tôi đã tiến hành tổ chức nhiều buổi hội thảo giới thiệu, giảng dạy TRIZ cho cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, viện nghiên cứu và các trường đại học.

Vươn ra thế giới

Sau sự kiện Liên Xô tan rã vào năm 1991, nhiều nước đã biết đến TRIZ và tìm cách du nhập, phổ biến rộng rãi hơn. Một số trường đại học đưa TRIZ vào giảng dạy cho sinh viên. Các viện nghiên cứu, hiệp hội về TRIZ được thành lập, nổi bật trong số đó là Altshuller Institute được thành lập năm 1996 ở Mỹ. Đặc biệt, một số tập đoàn công nghệ lớn đã sử dụng TRIZ như một vũ khí lợi hại trong việc cạnh tranh về sở hữu trí tuệ. Điển hình là hãng Samsung đã áp dụng TRIZ rất thành công. Họ đã thành lập viện nghiên cứu và ứng dụng để có thể triển khai TRIZ một cách bài bản, có hệ thống. Từ năm 2001 đến 2014 họ đã đào tạo được 32.881 cán bộ, nhân viên của tập đoàn. Samsung còn khẳng định “TRIZ là kỹ năng bắt buộc nếu muốn thăng tiến tại Samsung”. Nhờ áp dụng TRIZ một cách quyết liệt, có hệ thống mà số lượng bằng sáng chế của Samsung đã tăng vọt. Năm 2016 họ có 5.518 bằng sáng chế và đứng thứ 2 trong số các tập đoàn công nghệ lớn, chỉ sau IBM với 8.088 bằng.

Câu hỏi còn bỏ ngỏ

Việt Nam đã có những lợi thế rất lớn trong việc phát triển TRIZ khi chúng ta có tới 6 người được học trực tiếp Altshuller, tất cả đều tốt nghiệp Trường Đại học sáng tạo sáng chế. Tuy nhiên có vẻ chúng ta đã để lỡ một chuyến đò quan trọng. Những thành công của PGS.TSKH Phan Dũng chỉ mang dấu ấn cá nhân. Những nỗ lực của một người dù có cố gắng đến mức nào cũng đều gặp phải những giới hạn nhất định. Nếu chúng ta có một chính sách tốt của các cơ quan quản lý nhà nước thì sẽ tạo ra những bước chuyển biến tích cực, rộng khắp hơn. Bên cạnh đó các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa ý thức hoặc không đủ nguồn lực đầu tư để sở hữu và khai thác các bằng sáng chế, từ đó có thể cạnh tranh được với những tập đoàn công nghệ lớn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Gần đây đã có những nỗ lực lớn hơn của các viện nghiên cứu, các tập đoàn công nghệ trong việc sở hữu và khai thác các bằng sáng chế. Tuy nhiên số lượng sáng chế của Việt Nam được đăng ký tại Mỹ còn rất khiêm tốn, trung bình mỗi năm chúng ta chỉ đăng ký được khoảng 1 sáng chế. Tôi luôn tự hỏi: liệu có mối tương quan gì giữa việc có ít bằng sáng chế với việc phát triển TRIZ nói riêng và các hoạt động thúc đẩy sáng tạo và đổi mới nói chung của chúng ta hay không?

Một tín hiệu đáng mừng là gần đây, một số tập đoàn lớn như FPT, Viettel, CMC đã có những bước đi đầu tiên trong việc tìm hiểu về TRIZ để triển khai cho hoạt động R&D. Tuy nhiên kết quả thế nào thì còn phải chờ câu trả lời của … thời gian.

Tài liệu tham khảo:

http://www.tienphong.vn/van-nghe/cuoc-doi-cay-dang-va-nhan-cach-doc-dao-cua-mot-nha-van-mot-nha-khoa-hoc-23892.tpo

http://www.cstc.vn

http://www.triz.edu.vn

https://www.forbes.com/sites/haydnshaughnessy/2013/03/07/why-is-samsung-such-an-innovative-company/#3ecf269e2ad7

http://www.xtriz.com/publications/ValeriSouchkov-TRIZ-in-the-World.pdf

https://www.scribd.com/document/101079483/TRIZ-Development-at-Intel-Corporation

http://www.networkworld.com/article/3155506/data-center/ibm-scores-most-patents-in-2016-apple-doesnt-crack-top-10.html

http://baophapluat.vn/kinh-te/vi-sao-viet-nam-it-dang-ky-sang-che-166577.html

Tác giả

(Visited 76 times, 1 visits today)