Siêu cường bối rối
Sự thất vọng đang ngày một tăng ở nước Mỹ, đất nước vốn được coi là đầy tinh thần lạc quan. Người Mỹ đau đầu vì cuộc bình định ở Iraq, vì đồng USD ngày càng mất giá và một loạt vấn đề khác. Điều trớ trêu là các cử tri Mỹ muốn có một sự đổi thay - nhưng lại không muốn có một sự thay đổi thực sự.
Ai muốn biết vì sao nước Mỹ lại mất lòng tin vào sự vĩ đại của mình thì chỉ cần đọc giấy mời dự tiệc của thị trưởng thủ đô Washington. Theo lời thị trưởng Adrian Fenti thì ông ta chỉ mong muốn tất cả trẻ em ở đây nhận được sách giáo khoa ngay từ ngày khai trường chứ không phải chờ đến giữa năm học. Khi được hỏi, ông còn có các ước vọng nào khác? Ông hăng hái gật đầu và nói, mục tiêu của tôi là làm sao để tăng cường an ninh trong nhà trường để mọi học sinh sau khi tan trường có thể về nhà một cách yên lành.
Ai muốn biết vì sao cường quốc kinh tế Hoa kỳ vốn đầy kiêu hãnh giờ đây lại trở nên thiếu tự tin đến vậy thì hãy đi theo nữ nhà văn Sara Bongiorni tới một siêu thị gần nhất. Trong cuốn sách của bà mang tên “Một năm không có “Made in China” bà mô tả cảm giác bị cắn rứt mà ngày nay hầu như đã ngấm vào những người Mỹ tự coi mình là “smart shopper” (người mua hàng khôn ngoan): “Mỗi khi tôi trông thấy cái nhãn có dòng chữ “Made in China”, thì trong tôi liền hiện lên ý nghĩ: đây là sự tốt lành đối với Trung quốc. Nhưng mặt khác từ đáy lòng mình lại nổi cộm lên sự day dứt, băn khoăn dường như tôi đang bị mất đi một cái gì đó mà tôi lại không biết đích xác mình đang bị mất cái gì.”
Ai muốn biết sự lo lắng của người Mỹ về tương lai của họ thì phải tìm hiểu quá khứ của họ, thí dụ hãy đến thành phố Gary thuộc bang Indiana. Khi trụ sở tập đoàn thép lớn nhất thế giới, US Steel, còn đóng đô ở đây, nghe đâu người ta còn tếu táo đăng cả lời rao vặt: “Chúng tôi cần tuyển mộ cả người chết”.
US Steel từng thu hút biết bao nhân công trên khắp thế giới, trong đó có cả những người của dòng họ ngôi sao nhạc Pop Michael Jackson sau này. Các lò luyện thép ở đây đã thổi một luồng sinh khí đầy sức sống toả ra khắp mọi miền đất nước. Trong nước Mỹ ngày nay đâu đâu cũng vẫn còn dấu ấn của thời vàng son Gary.
Niềm lạc quan của nước Mỹ bị tổn thương
Giờ đây thành phố Gary như bị bệnh tim. US Steel đã chuyển trụ sở đi nơi khác và các nhà máy bị đóng cửa. Tình trạng của địa phương này cũng chẳng hơn gì tình cảnh của người con lừng danh nhất của thành phố (Michael Jackson ). Cả hai từng có những năm tháng huy hoàng nhất, nhưng giờ đây chỉ có một sự khác biệt, thành phố Gary thậm chí không có đủ tiền để duy trì bộ mặt của mình. Khoảng một nửa cư dân có thời đã lên đến 200.000 người của thành phố này nay đành khăn gói ra đi.
Tất nhiên Gary không phải là nước Mỹ. Nhưng nhiều người Mỹ có cảm giác chính điều này đang dẫn đến sự thay đổi. Sự lạc quan của nước Mỹ, nhiều người từng nghĩ rằng sự lạc quan này dường như là một cái gien khắc sâu trong xương cốt con người ở đất nước này, giờ đây cái sự lạc quan đó đang bị tổn thương nặng nề.
Trong con mắt của các nhà thăm dò dư luận là hình ảnh một nước Mỹ ít nhiều sầu não, cay cú, bất bình và một bộ phận dân chúng tỏ ra cay đắng tuyệt vọng, và cần phải nói rằng sự phẫn uất này không phải chỉ vì chán ghét đối với tổng thống George W. Bush mà còn có những lý do sâu xa hơn nhiều.
60% người Mỹ cho rằng cuộc sống của các thế hệ tới sẽ tồi tệ hơn so với cuộc sống hiện nay của họ. Phần lớn dân chúng Mỹ không tin chính phủ của họ có đủ khả năng giải quyết các vấn đề khó khăn hiện nay. 62% dân chúng Mỹ cho rằng, hễ chính phủ Mỹ bắt tay vào một việc gì thì việc đó ắt không thành. Hiện nay trên thị trường Mỹ đang bày bán nhan nhản áo phông in đậm dòng chữ “Tôi yêu đất nước mình, nhưng tôi khiếp sợ cái chính phủ này”.
68% dân Mỹ cho rằng trên mọi bình diện đất nước họ đang đi sai đường. Các nhà thăm dò dư luận Mỹ thậm chí còn cho rằng ngay cả năm 1974, khi đường lối, chính sách của chính phủ Mỹ bị coi là một thảm họa tồi tệ nhất thì sự bi quan cũng không đến mức thê thảm như hiện nay. Hồi đó quân đội Mỹ buộc phải rút khỏi Việt Nam và xảy ra vụ bê bối Watergate dẫn đến việc Tổng thống Richard Nixon phải từ chức.
Quả thật trong tình hình hiện nay người Mỹ khó tìm thấy cái gì để tự hào, trừ phi người đó thu được một khoản tiền thưởng hằng năm kếch xù hoặc được giải thưởng Nobel Hòa bình. Trong bảy năm cầm quyền của ông Bush chỉ có một lĩnh vực đạt mức tăng trưởng gấp đôi đó là ngân sách quốc phòng. Trong khi đó thu nhập bình quân hằng năm của mỗi gia đình ở Mỹ trong mười năm qua hầu như dậm chân tại chỗ.
Những con số về sự phát triển nền kinh tế quốc dân ở Mỹ cũng không mấy sáng sủa. Tỷ trọng xuất khẩu của nước Mỹ trên thế giới kể từ năm 1960 đã giảm một nửa. Năm 1992 mức thâm hụt thương mại là 80 tỷ USD nhưng đến cuối năm 2007 tăng lên trên 700 tỷ. Đồng USD so với đồng Euro giảm giá trị tới 24%.
Tuy nhiên chính phủ Mỹ trấn an những người hoài nghi bằng con số tăng trưởng của nước Mỹ, dù sao tăng trưởng của Mỹ vẫn cao hơn so với châu Âu. Tiêu dùng là động lực thúc đẩy nền kinh tế Mỹ. Nhưng người ta buộc phải nêu câu hỏi có bao giờ tiêu dùng có thể làm cho một đất nước trở nên phồn vinh, thịnh vượng?
“Happy talk”- biến ngoại lệ thành thông lệ
Cái kiểu biến ngoại lệ thành thông lệ, cái kiểu luôn mồm tán tụng “happy talk” điều mà mới đây thượng nghị sỹ Hillary Clinton đã thuyết giảng trước giới kinh tế ở Chicago đã làm cho người nghe bị chết lặng.
Ngay đến cả Alan Greenspan, nguyên giám đốc Ngân hàng Nhà nước Mỹ cũng phải nhìn lại sự lạc quan trước kia của mình. Trước sinh viên một trường đại học ở Washington ông ta đã cảnh báo về một “rosy assumptions” (đại loại là tô hồng tương lai) và điều này đã làm cho người nghe không khỏi băn khoăn, lo lắng.
Người Mỹ có thể chịu đựng được tất cả trừ quan niệm không thể cải tạo để đạt được kết quả tốt đẹp hơn. “If you can dream it, you can do it” (Những điều bạn mơ ước, bạn đều có thể biến thành hiện thực) từng là động lực của những người nhập cư vào nước Mỹ. Ngược lại điều này cũng có thể hiểu là: nếu ban đêm bạn không có ước mơ gì thì có nghĩa là không lâu nữa cuộc sống thường nhật của bạn sẽ trở nên buồn tẻ, nhạt nhẽo.
Nhiều người Mỹ từng nghĩ rằng, cuộc tranh cử tổng thống diễn ra sớm sủa năm nay sẽ xua tan sự chán chường, thất vọng ở đất nước này. Kỷ nguyên Bush càng đến gần giai đoạn kết thúc thì mọi sự sẽ ngày càng tốt đẹp hơn. Thời kỳ diễn ra cuộc tranh cử ở Mỹ luôn được coi là thời gian để chắp cánh cho những ước mơ.
“The American Dream”, một ứng cử viên trước khi bước chân vào Nhà Trắng nhất thiết phải có những lời hứa rùm beng về một tương lai huy hoàng chói lọi. Theo nhà báo William Safire thì một khi các cơ quan nhà nước là bộ xương sống của một cơ thể chính trị thì giấc mơ Mỹ chính là linh hồn của cái cơ thể chính trị đó. Người ta có thể thông qua những giấc mơ đó để nhận ra cơ thể chính trị nước Mỹ. Ronald Reagan có lần từng nói, đối với ông ta thì giấc mơ Mỹ chính là “cơ hội để mỗi con người có thể bay cao, bay xa tuỳ theo sức lực của bản thân người đó”. Cố tổng thống John F. Kennedy từng mơ ước về một “Thế giới không có chiến tranh”. Richard Nixon từng mơ ước về bản thân mình, năm 1960 tại đại hội đảng Cộng hòa khi trúng cử đại diện đảng này tham gia tranh cử tổng thống Mỹ ông ta nói: “Điều duy nhất mà đêm hôm nay tôi có thể nói với các bạn là, tôi tin vào giấc mơ Mỹ. Vì chính tôi đã chứng kiến giấc mơ đó trở thành hiện thực như thế nào đối với bản thân mình”.
Người Mỹ mơ về quá khứ
Giấc mơ của người Mỹ trong mùa tranh cử này được thêu dệt bằng những hoài niệm trong quá khứ. Tại nước Mỹ ở đâu cũng thấy nói về “restoring”, “rethinking” và “reshaping”- đó là sự phục hồi vị trí bá chủ thế giới, sự tìm lại bản sắc và sự xây dựng lại tình đoàn kết dân tộc.
Mới đây đảng Cộng hòa đã tổ chức một đại hội về giấc mơ Mỹ tại khách sạn Mayflower ở Washington nhằm mục đích nêu rõ định hướng cho tương lai. Trong phòng khiêu vũ rộng thênh thang tranh tối tranh sáng trên trần nhà hiện lên hình ảnh bầu trời đầy sao. Khán giả là những quý ông diện complê chĩnh chạc, đầu đội mũ cao bồi mầu trắng. Nhiều ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa cũng có mặt nhưng diễn giả hùng hồn nhất và thu hút được sự chú ý nhiều nhất của khán giả lại là kẻ nhai đi nhai lại thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống cộng sản trong quá khứ. Để kích động khán giả diễn giả này đã cho phóng lên tường hình ảnh chiếc xe ô tô Trabi của Đông Đức trước đây và hét toáng lên: “Điều này đã xảy ra khi nền kinh tế kế hoạch hóa giành thắng lợi”. Mọi người khoái trá cười ồ lên. Thật chẳng mấy ai có thể ngờ rằng cho đến tận ngày nay cuộc chiến tranh lạnh còn có khả năng sưởi ấm lòng người đến như vậy.
Tuy nhiên tương lai rồi đây sẽ ra sao, thì ngay cả các cử tri Mỹ cũng chẳng biết mô tê gì. Theo các nhà điều tra của NBC News thì so với cách đây một năm số người cho rằng tình trạng trái đất nóng lên hiện nay “là vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất của thế giới” đã tăng lên gấp đôi. Nhưng số người tán thành quy định hạn chế tiêu thụ xăng lại giảm đi so với trước đây.
Một điều tương tự cũng diễn ra đối với chính sách y tế. Đa số người Mỹ tán thành đề nghị của bà Hillary Clinton về việc phải bảo vệ sức khỏe cho mọi người dân. Nhưng đồng thời đa số cũng nói “không” khi phải đóng góp nhiều hơn để đạt được yêu cầu này.
——–
* Phóng viên của tạp chí “Tấm gương” từ năm 1990, hiện có mặt tại Washington DC và chuyên viết về cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2008.
Gabor Steingart*