Sống riêng với lũ: mần ăn nên tính lời lỗ
Mùa nước nổi 2011 ở châu thổ Cửu Long, ngoài tin vui đón lũ sau 10 năm vắng bóng như một người quen trở về thì cũng có nhiều tin thiệt hại về lúa vụ ba, ngập, sạt lở…
Người quen trở về
Mùa nước nổi ở vùng châu thổ này đã có từ ngàn đời theo chu kỳ hằng năm; lũ mang phù sa từ thượng nguồn về bồi đắp cho ruộng vườn và còn mang bao cá tôm về nuôi sống con người. Mùa nước nổi như một người quen mười năm đi vắng, nay đã quay về.
Mực nước năm nay, cho đến đầu tháng 10-2011, vẫn chưa bằng đỉnh lũ năm 2000 và cũng chưa có gì có thể gọi là “đặc biệt lớn” so với 85 năm số liệu mực nước ở Tân Châu và Châu Đốc kể từ năm 1926, mà chỉ là lớn hơn trung bình nhiều năm. Người dân ở vùng lũ, kể cả ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, đều cảm nhận rằng mực nước lúc này còn kém đỉnh lũ năm 2000 khoảng 2 tấc (20cm).
Vậy mà sao lại có nhiều tin tức về thiệt hại đến vậy? Tiện nhất là cứ đổ hết cho biến đổi khí hậu, do “thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp”. Thật ra, còn có nguyên nhân quan trọng nữa là do canh tác lúa và hoa màu vụ ba trong mùa lũ và do các đê bao chống lũ triệt để đã gây nên những thiệt hại này.
Cảnh tượng vùng lũ năm nay
Hình ảnh tiêu biểu chúng tôi vừa ghi nhận được của những vùng canh tác lúa ba vụ có đê bao triệt để là một bên thì mực nước mấp mé bờ còn bên kia đê bao là cánh đồng lúa xanh không nước ngập. Chênh lệch mực nước trong và ngoài đê khoảng 2,5-3 m. Ở những nơi đê yếu (đê đắp ngang lòng kênh mương cũ) thì đê bị vỡ và ở đó, không khí cứu đê tỏ ra khẩn trương, rộn rịp. Một vài đoạn đê khác có nước rò rỉ qua chân đê thì có máy xúc tới đóng cọc tràm để gia cố. Những đoạn sạt lở làm gián đoạn giao thông. Còn thì bao nhiêu hoạt động của cuộc sống hằng ngày của bà con vẫn diễn ra khá bình thản.
Ở những vùng không có đê bao thì mênh mông đồng nước. Chỗ nào có đường đi và đê làm cản phần lớn dòng chảy, nước ở đó chảy xiết, nhất là ở những chân cầu chỗ đầu kênh. Những căn nhà nào cất theo kiểu truyền thống của cư dân vùng lũ, tức là loại nhà “cao cẳng”, thì không bị ngập, còn những ngôi nhà bị ngập là những ngôi nhà mới cất sau năm 2000 không “cao cẳng”. Nhưng ở những nơi này, cũng không có cảnh “hoảng loạn trong cơn lũ” như là hình dung và lo lắng của người ở xa đang theo dõi tin tức báo đài.
Thiệt hại và cảnh báo
Ở những vùng đê vỡ, nhiều diện tích lúa và thủy sản nuôi không cứu kịp bị dìm trong nước gây ra thiệt hại lớn. Tuy nhiên, có lẽ thiệt hại của mùa lũ năm nay còn bao gồm những thiệt hại và chi phí khó thấy hơn và nằm ở những nơi xa hơn. Những chi phí mà xã hội phải bỏ ra bao gồm nhân lực đến vài ngàn người, được huy động để cứu đê, bơm nước cứu lúa vụ ba. Bộ máy chính quyền được huy động ngày đêm vất vả để chỉ đạo, điều hành công tác chống lũ và những công việc vận hành xã hội bình thường bị hoãn lại. Nhà nước phải chi ra những khoản kinh phí lớn từ ngân sách để phục vụ cho việc cứu đê, cứu lúa. Cây cối, bao cát, xà lan, máy xúc, máy bơm… cũng được huy động tối đa để cứu đê.
Bà Trần Thị Nở ở Tân Hồng, Đồng Tháp với hơn 5 kí cá trạch đánh được ngoài đồng nước vào trưa ngày 1-10 (mỗi kí 50.000 đồng). Ảnh Huỳnh Kim |
Đến vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long xuyên trong mùa lũ năm nay và thấy nhiều khu vực bao đê khép kín, từ chối nhận nước sông Mekong hoàn toàn vào mùa này, ta có thể giật mình khi nghĩ rằng cũng may là diện tích bao đê khép kín chưa kịp phủ hết hai vùng đất trũng rộng lớn này. Theo quy luật tự nhiên thì hằng năm, hai vùng này phải ngập sâu vào mùa lũ để tạm chứa nước và sau đó bổ sung nước cho hạ lưu trong mùa khô. Ta cũng chợt giật mình là nếu mùa lũ năm nay không về mà tiếp tục vắng bóng trong mươi, mười lăm năm nữa mới quay trở lại khi nó đã bị quên hẳn và khi hệ thống canh tác và hệ thống xã hội đã phát triển mà không hề đếm xỉa gì đến mùa lũ hằng năm, thì chuyện gì sẽ xảy ra. Vì vậy, mặc dù có những thiệt hại, nhưng mùa lũ năm nay cũng có thể được xem là một lời nhắc nhở của mùa nước nổi rằng theo quy luật, mùa nước nổi vẫn sẽ về và canh tác lúa trong mùa lũ là việc đầu tư rủi ro cao.
Có thể thấy khá dễ dàng rằng nếu không có canh tác lúa vào mùa này thì có lẽ mùa nước nổi năm nay cũng đã là một mùa nước nổi khá bình thường, lại mang về một lớp phù sa mới, rửa sạch ruộng đồng cho mùa sau, và mang về nhiều cá tôm.
Mần ăn cần tính lời lỗ
Một câu hỏi kinh tế đặt ra là nên chống lũ triệt để, tức là chống một quá trình tự nhiên, để tối đa hóa sản lượng lúa bằng cách bao đê và canh tác vụ ba hay nên tối ưu hóa lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường bằng cách khác. Tối ưu hóa có nghĩa là xem xét tất cả chi phí và lợi ích toàn cục đối với toàn vùng ĐBSCL như là một tổng thể, cũng tức là lợi ích quốc gia. Vì vậy cần phải giải bài toán chi phí – lợi ích của việc canh tác lúa vụ ba trong mùa lũ để xem giữa tổng lợi ích và tổng chi phí thì cái nào lớn hơn.
Lợi ích chủ yếu của phương án canh tác lúa vụ ba trong mùa lũ là thu nhập từ lúa và lợi ích tạo công việc làm. Còn lý do tăng vụ an vì ninh lương thực quốc gia đối với một quốc gia xuất khẩu lúa gạo hàng thứ hai trên thế giới thì có lẽ không thuyết phục.
Nếu xét tất cả chi phí cho xã hội, kể cả chi phí trực tiếp và gián tiếp, kể cả chi phí tại chỗ và chi phí ở những nơi khác ở ĐBSCL thì có một danh sách dài những chi phí tiềm năng bao gồm: Chi phí đầu tư đắt đỏ để xây dựng và duy tu đê; chi phí nhân lực, tài lực, vật lực cứu đê, cứu lúa; thiệt hại của những diện tích không cứu kịp; đất và con người không được nghỉ ngơi để hồi sức; phù sa không vào đồng được, mất nguồn dinh dưỡng tự nhiên, sau một thời gian đất sẽ bị kiệt dinh dưỡng và chi phí sản xuất sẽ tăng lên; giảm diện tích nhận nước vào đồng, làm cho nước chảy xiết hơn trong kênh mương, dẫn đến sạt lở, và tăng ngập ở những nơi khác, kể cả những thành phố, làng mạc ở phía hạ lưu; chi phí chống sạt lở và các biện pháp bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng con người; tăng chi phí nạo vét cửa sông Mekong phục vụ giao thông thủy vì phù sa thay vì bồi lắng trên đồng thì bị trôi xuống vùng cửa sông; mất nguồn cá và tài nguyên thiên nhiên, sinh kế mùa lũ; nước thoát ra biển nhanh hơn trong mùa lũ gây xâm nhập mặn sâu hơn trong mùa khô.
Để giải bài toán chi phí – lợi ích này, cần phải có những nghiên cứu để định lượng những rủi ro chi phí nói trên và dựa vào đó, các nhà kinh tế môi trường giải bài toán chi phí – lợi ích để so sánh giữa phương án canh tác lúa vụ 3 trong mùa lũ dựa vào đê bao khép kín và các phương án khác như không có đê, hay phương án đê lửng (còn gọi là đê tháng tám).
Dựa vào kết quả bài toán này, các nhà hoạch định chính sách có thể đưa ra quyết định và lựa chọn phương án để sống với mùa lũ hằng năm: chống lũ hay sống chung với lũ. Nhà hoạch định chính sách cần phải đứng ở tầm nhìn cao hơn tầm nhìn cục bộ địa phương của một tỉnh hay một huyện, hay của một nhóm lợi ích (ví dụ lợi ích của việc có công trình đê để thi công).
Nếu kết quả là chống lũ để canh tác vụ ba mang lại tổng lợi ích lớn hơn tổng chi phí (kể cả trực tiếp và gián tiếp; kể cả tài chính, môi trường, xã hội; kể cả chi phí ở tất cả các địa phương) thì nhà hoạch định có thể khẳng định chủ trương chống lũ triệt để là ưu việt hơn. Còn nếu kết quả cho thấy chính bao đê khép kín gây ra các chi phí nói trên và tổng lợi ích là nhỏ hơn tổng chi phí thì không nên tiếp tục dùng đê bao khép kín để canh tác vụ ba.
Một chương trình nghiên cứu để giải bài toán này không mấy tốn kém, có thể thực hiện bằng các mô hình thủy lực, thủy văn, địa chất, và sẽ làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Hay nói mộc mạc dễ hiểu như cách nói của người dân ĐBSCL là “Mần ăn nên tính lời lỗ!”.