Startup cần chuẩn bị gì về pháp lý khi hội nhập?

Với hành trình hội nhập, nếu các start-up chỉ dừng lại ở sự mong đợi hay những ý tưởng kinh doanh mà không chuẩn bị hành trang đầy đủ về mặt pháp lý, thì hành trình này cũng chỉ như một cuộc chạy đua marathon mà trong đó người chạy mới chỉ có thể lực chứ chưa có chiến lược phân phối sức trên đường chạy cũng như chưa chuẩn bị những dụng cụ bảo hộ hỗ trợ cần thiết.


Khu trưng bày của các nước có hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển tại Techfest 2018. Ảnh: BTC Techfest.

Từ tìm hiểu sân “sân khách”

Trong gần hai thập kỷ, ngành công nghiệp thuốc lá đã sử dụng những quy tắc đầu tư quốc tế để thách thức chính sách hạn chế của chính phủ các nước. Năm 1994, Công ty Thuốc lá R.J. Reynolds đe dọa sẽ khởi kiện chính phủ Canada trên cơ sở Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) để phản bác lại quy định pháp luật của nước này đối với yêu cầu đóng gói bao bì thuốc lá không có logo hoặc nhãn hiệu. Tiếp theo đó, hãng thuốc lá nổi tiếng của Mỹ – Philip Morris đã tiến hành khởi kiện chính phủ Uruguay về các hạn chế đối với bao bì thuốc lá và chính thức đe dọa chính phủ Úc bằng một yêu cầu trọng tài nhằm ép buộc quốc gia này đáp ứng các quy tắc đóng gói thuốc lá.

Những ví dụ thực tế trên cho thấy rằng cuộc chơi thương mại quốc tế bị chi phối rất nhiều bởi các hiệp định thương mại, mà cụ thể hơn là các nguyên tắc đầu tư quốc tế. Đối với một start-up Việt đang cố gắng tiếp cận thị trường nước ngoài, thì các bản hiệp định thương mại song phương/đa phương sẽ được coi là tấm “kim bài miễn tử” cho doanh nghiệp trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, cũng cần nhận định một cách khách quan rằng, đây chỉ là một công cụ hỗ trợ chứ không phải là một “tấm vé thông quan thần kỳ” cho mọi hoạt động của start-up ở thị trường quốc tế. Start-up cần tiếp cận và sử dụng các hiệp định thương mại như thế nào cho đúng cách? 

Đầu tiên các start-up cần chủ động tìm hiểu quy tắc của những sân chơi chung này để có thể định hình được chiến lược kinh doanh. Xu hướng hiện nay trong các hiệp định thương mại là hàng rào thuế quan sẽ được dần dần hạ thấp. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hàng rào khác về tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm và thậm chí là yêu cầu liên quan đến độ tuổi/đối tượng người lao động được sử dụng trong quá trình sản xuất sản phẩm. Trong 7 tháng đầu năm 2017, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã có 32 lệnh cảnh báo đối với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ do những doanh nghiệp này không nắm bắt và thích ứng được với thay đổi chính sách trong Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm Mỹ . Những rào cản vô hình kể trên hoàn toàn có khả năng dẫn đến những thiệt hại hữu hình đối với các doanh nghiệp non trẻ và thiếu sự chuẩn bị kỹ.

Sau đó, start-up cần tìm hiểu hệ thống pháp luật riêng của quốc gia mà mình muốn đầu tư. Mỗi quốc gia đều có những chính sách đặc thù liên quan đến việc quản lý hoạt động đầu tư và thương mại nội địa, do đó, nếu không tìm hiểu kỹ thì start-up sẽ tự mình cộng thêm chi phí và công sức khi tiếp cận một thị trường mới.  

Cho tới hiểu rõ chính mình

Nhắc đến hội nhập, thông thường người ta vẫn hiểu là việc các doanh nghiệp “đem chuông đi đánh xứ người” như mở chi nhánh ở Singapore, đặt trụ sở tại thung lũng Silicon hoặc xây dựng nhà máy sản xuất ở các quốc gia nước ngoài,… Nhưng hội nhập cũng không nhất thiết phải là “bay cao, đi xa” mà nhiều khi chỉ đơn thuần là “ngồi nhà” và “mở rộng cửa” đón tiếp những luồng gió mới. Đó là khi doanh nghiệp thuần Việt dám mạnh dạn kêu gọi vốn đầu tư từ những đối tác nước ngoài, thử nghiệm những công nghệ tân tiến đang được áp dụng thành công trên thế giới, hay thay đổi cơ chế quản trị để tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.

Lợi thế “sân nhà” không phải là bất biến

Được thi đấu trên sân nhà luôn là một lợi thế về tinh thần không nhỏ cho bất kỳ doanh nghiệp nào nhưng điều này không đồng nghĩa với việc toàn bộ luật chơi đều phải tuân thủ theo luật của sân nhà. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các bên hoàn toàn có thể lựa chọn pháp luật nước ngoài để giải quyết tranh chấp miễn là việc chọn luật không xung đột với Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam . Bên cạnh đó, nhắc đến tranh chấp là người ta nghĩ ngay đến việc “lôi nhau ra tòa”, tuy nhiên, nếu các bên trong hợp đồng lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài thì các start-up Việt cần phải chuẩn bị tinh thần rằng đối tác có thể sẽ đề xuất lựa chọn các trung tâm trọng tài quốc tế như HKIAC (Trung tâm trọng tài quốc tế Hong Kong) hay SIAC (Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore). Khi đó, quá trình giải quyết tranh chấp sẽ tuân thủ theo quy tắc tố tụng riêng của từng trung tâm trọng tài đó, và những nội dung này start-up đều cần phải lưu tâm. 

Để tránh sự cố phát sinh và “mất bò mới lo làm chuồng”, các start-up cần phải chú trọng vào việc xây dựng đội ngũ pháp chế hoặc sử dụng đơn vị tư vấn luật có kinh nghiệm và am hiểu về các quy định pháp lý liên quan đến giải quyết tranh chấp nói riêng và các lĩnh vực pháp lý khác nói chung. Bước tiếp theo, start-up phải ý thức được tầm quan trọng của hợp đồng trong mối quan hệ hợp tác với đối tác nước ngoài, để từ đó, thể hiện ý chí một cách thống nhất và rõ ràng trong các giai đoạn đàm phán hợp đồng, để tránh những rủi ro phát sinh từ việc xung đột ý chí khi giao kết hợp đồng. 

Quản trị minh bạch

Việc tự điều chỉnh phương pháp quản lý nội bộ để tiệm cận hơn với chuẩn mực quản trị quốc tế cũng chính là một cách thức hội nhập mà lâu nay chưa được thực sự coi trọng. Hiện tại, những phương pháp quản trị như Kaizen – 5S hoặc Quản trị hiệu suất liên tục đã và đang được áp dụng rộng rãi không chỉ ở các tập đoàn lớn mà còn được hoan nghênh và ứng dụng tại nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp vì chưa ý thức được tầm quan trọng của một hệ thống quản trị nội bộ doanh nghiệp.Vậy quản trị nội bộ hiệu quả nói chung và quản trị minh bạch được thể hiện như thế nào?

Quản trị minh bạch xuất phát điểm từ việc chia sẻ thông tin một cách công khai và dân chủ. Thay vì giới hạn việc chia sẻ những thông tin quan trọng (ví dụ: mục tiêu kinh doanh, số liệu hiệu suất, kế hoạch sử dụng tài nguyên, …) cho một nhóm nhỏ các giám đốc điều hành, doanh nghiệp thực hiện quản trị minh bạch sẽ thúc đẩy sự tham gia của nhân viên/người lao động ở tất cả các cấp, tận dụng 100% vốn kiến thức của họ để đưa ra quyết định tốt hơn cho chiến lược kinh doanh. Sự minh bạch còn thể hiện ở chính sách phân định quyền và trách nhiệm trong các quyết định đầu tư, các quyết định kinh doanh. Khi công khai hoá các chính sách này cùng với hệ thống báo cáo và giám sát định kỳ, doanh nghiệp sẽ ngăn ngừa được các sai sót và gian lận, đồng thời nhận biết và xử lý kịp thời các rủi ro tiềm tàng khác trong hoạt động kinh doanh. 

Thực sự quản trị minh bạch không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro mà còn mang lại cơ hội huy động vốn cho các start-up. Hiện nay rất nhiều Quỹ đầu tư và đối tác đều lựa chọn những doanh nghiệp có cơ chế quản trị minh bạch để quyết định đầu tư hoặc hợp tác lâu dài. Tổng kết lại, các start-up cần luôn ghi nhớ rằng: hãy để minh bạch trở thành văn hóa của doanh nghiệp – một biện pháp “tề gia” hữu hiệu rồi start-up hãy tính đến câu chuyện hội nhập đường dài. 

Những rào cản pháp lý nói riêng và các rào cản thị trường khác nói chung là một phần tất yếu phải vượt qua trong quá trình trưởng thành của các start-up. 

—-

Chú thích: 
Matthew C. Porterfield & Christopher R. Byrnes, Philip Morris v. Uruguay: Will investor-State arbitration send restrictions on tobacco marketing up in smoke?, Investment Treaty News – International Institute for Sustainable for Development, 21/07/2011, truy cập đường lnk tham khảo tại https://www.iisd.org/itn/2011/07/12/philip-morris-v-uruguay-will-investor-state-arbitration-send-restrictions-on-tobacco-marketing-up-in-smoke/ 

Viễn Thông,Thực phẩm Việt ‘ngơ ngác’ vì bị từ chối vào Mỹ, VnExpress, 29/08/2017, truy cập đường link tham khảo tại https://vnexpress.net/kinh-doanh/thuc-pham-viet-ngo-ngac-vi-bi-tu-choi-vao-my-3634101.html 

Bộ luật Dân sự 2015, Điều 664 – Xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Luật Thương mại 2005, Điều 5 – Áp dụng điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán thương mại quốc tế.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)