Startup làm bia từ bánh mì thừa

Toast Ale muốn cắt giảm thực phẩm bỏ đi và tạo cảm hứng cho người tiêu dùng noi theo.

Hãng khởi nghiệp Toast Ale sẵn sàng chia sẻ công thức làm bia từ một phần bánh mì phải bỏ đi cho những công ty quan tâm tới phát triển bền vững.

Nếu bạn mê bia tươi và thích sống xanh, sao lại không nâng ly bia làm từ bánh mì thừa?

Toast Ale khởi nghiệp bên Anh quốc năm 2015 bằng cách giúp các lò bánh mì tái chế bánh mì không còn cách nào khác ngoài vứt đi – và giúp cho công chúng ý thức nhiều hơn về thực phẩm lãng phí. “Thực phẩm lãng phí là một trong những vấn đề môi trường tối quan trọng của thời đại chúng ta”, Joanna Ehrenreich, người đứng đầu các hoạt động của Toast Ale tại TP New York, nơi công ty thành lập cửa hàng hồi tháng 7 vừa rồi. “Chúng tôi muốn tranh thủ thêm nhiều đồng tình của người dân về việc lãng phí thực phẩm. Tôi rất bức xúc về điều đó…”

Một phần ba thực phẩm làm ra ở Mỹ bị bỏ đi, theo cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ. Cụ thể là mỗi năm có hơn 60 triệu tấn thực phẩm dư thừa bị vất bỏ, góp 18% khí thải methane từ các bãi rác. Và cũng chừng đó tỷ lệ bánh mì tại Mỹ bị dư thừa, theo Ehrenreich. Thực phẩm thừa chủ yếu được đổ ở các bãi rác, nơi đó thực phẩm hư thối và phát thải lượng lớn methane – một loại khí nhà kính tác động mạnh góp phần làm trái đất ấm lên.

Nhưng liệu một công ty nhỏ bé như Toast Ale thực sự tạo ra sự khác biệt? Emily Broad Leib, giám đốc học viện Chính sách và luật thực phẩm tại khoa Luật trường Harvard ở Cambridge, Massachusetts, chắc chắn nghĩ như thế. “Các sản phẩm từ ngũ cốc như bánh mì là những thực phẩm bị vất bỏ phổ biến nhất ở cả tại Mỹ và Anh”, Leib trao đổi với NBC News qua một email. “Các mô hình doanh nghiệp tìm được công dụng mới cho bánh mì dư thừa, do đó có tiềm năng đáng kể giúp giảm lượng thực phẩm bị đổ bỏ…”

Darby Hoover, một chuyên gia cao cấp về tài nguyên trong chương trình Thực phẩm và nông nghiệp tại hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, một tổ chức bảo vệ môi trường phi lợi nhuận ở TP New York, đồng tình với đánh giá của Broad Leib. “Chúng tôi quý trọng những công ty chuyển đổi mục đích thực phẩm bị vất bỏ một cách tích cực và biến các thứ đó thành các sản phẩm hữu ích”, bà nói và cho rằng Toast Ale là một điển hình tốt về một sáng kiến tái sử dụng thực phẩm.

Những sáng kiến đó đang ngày càng phổ biến. Chẳng hạn, nhiều siêu thị hiện nay chuyển đổi mục đích sản phẩm méo mó hoặc bị lỗi thường bị vất bỏ, và một số nhà hàng sáng tạo những món ăn bằng cách tận dụng những thứ bỏ đi như các cọng lá của củ cải. Các đối tác của Toast Ale là các hãng bánh mì đặc biệt cung cấp bánh mì thừa. Ở TP New York, bánh mì thừa cung cấp cho hãng là từ một lò bánh mì hữu cơ quy mô gia đình, Ehrenreich cho biết. Quy trình làm bia của công ty tương tự như các hãng bia truyền thống – chỉ có điều bánh mì được thay thế cho một phần ba lúa đại mạch. Và Ehrenreich cho biết, hương vị bia của Toast Ale tương tự với bia của các hãng bia truyền thống.

Ở Mỹ, bia Toast Ale được bán ở TP New York và Long Island và có thể mua trực tuyến, với lợi nhuận được cúng dường cho các tổ chức từ thiện và các tổ chức thực phẩm địa phương đang hoạt động làm giảm thực phẩm dư thừa, công ty cho biết. Nhưng Toast Ale cũng chia sẻ công thức của hãng trên mạng, nên các người làm bia tại nhà có thể chung tay chiến đấu chống lại thực phẩm dư thừa. Như Ehrenreich khẳng định: “Chúng tôi muốn tạo cảm hứng cho một phong trào trên khắp thế giới”.

Khởi Thức
Theo TGTT

Tác giả