Sử dụng công nghệ IoT trong mô hình trồng nấm mối đen

Mô hình này tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đồng đều; đồng thời triển khai được ở những nơi không có lưới điện.

Nấm mối đen là một loại nấm ăn khá ngon, vị ngọt thanh một cách tự nhiên, giúp nâng cao sức khỏe bởi trong nấm mối đen chứa nhiều các chất dinh dưỡng với hàm lượng cao như canxi, sắt, protein, phốtpho, chất chống ôxi hóa, kháng viêm,… Nấm mối đen còn giúp hỗ trợ điều trị bệnh trĩ, giảm lipid, tiêu chảy, tăng sức đề kháng cho người dùng, đặc biệt là người đang bị suy nhược cơ thể, mới ốm dậy, thể trạng yếu,…

Những năm gần đây, lượng nấm mối được tìm thấy trong tự nhiên ngày càng hạn chế nên chúng có giá khá cao, khoảng 1 triệu đồng/1kg. Nấm mối đen ngoài được thu hoạch trong tự nhiên thì nay còn được nuôi trồng. Nấm trồng có hương vị tương tự như nấm mối tự nhiên, nhưng với giá thành rẻ hơn. Hiện nay, nghề trồng nấm mối đen đang mang lại hiệu quả kinh tế và nhiều mô hình trồng nấm mối đen đã được nghiên cứu, triển khai. Tuy nhiên, để có sản phẩm chất lượng, người nuôi trồng nấm cần có kỹ thuật cao và phương thức chăm sóc hợp lý.

Tại sự kiện kết nối ý tưởng với chủ đề “Quy trình trồng nấm mối đen” ngày 1/12, ông Trịnh Văn Phận, Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn năng lượng 102 cho biết, mô hình trồng nấm mối đen, sử dụng công nghệ IoT và năng lượng mặt trời do Công ty triển khai có thể tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường và tạo điều kiện thích hợp cho nấm phát triển ổn định, ít bệnh.

Với mô hình này, container cũ được cải tạo lại, làm sạch, tạo lớp cách nhiệt, cách âm để nuôi trồng nấm. Nhà nấm gắn các hệ thống phun sương, quạt thông gió, máy lọc nước, khung kệ để phôi nấm, hệ thống điều khiển giám sát qua ứng dụng và hệ thống năng lượng mặt trời độc lập.

Trong đó, hệ thống điều khiển sử dụng các cảm biến được kết nối với bộ trung tâm thành mạng cảm biến để giám sát nhiều thông số trong nhà nấm như nhiệt độ, độ ẩm không khí, độ ẩm đất, cường độ ánh sáng, nồng độ khí CO2,… Người dùng có thể giám sát các thông số này qua ứng dụng được cài đặt trên thiết bị di động, máy tính, nhận cảnh báo tức thì các thông số bất thường. Ngoài ra, hệ thống còn tích hợp với công nghệ điều khiển tự động điều hòa môi trường, giúp quản lý nhà nấm hiệu quả và khoa học. Mô hình nhà nấm sử dụng năng lượng từ năng lượng mặt trời vận hành cho container nên tiết kiệm được điện tối đa.

Theo ông Phận, mô hình này giúp tiết kiệm chi phí xây dựng khung nhà nấm (đây là chi phí khá tốn kém); đồng thời tận dụng được những container cũ, không phụ thuộc vào nguồn lưới điện quốc gia nên trồng được ở những nơi không có lưới điện. Ngoài ra, việc vận hành nhà nấm theo chuỗi công nghệ IoT cho ra sản phẩm nấm chất lượng cao, đồng đều.

Sự kiện còn giới thiệu quy trình trồng nấm mối đen bằng dữ liệu số hóa với công nghệ IoT; thiết bị phục vụ sản xuất giống dịch thể và nuôi trồng nấm mối đen; và kỹ thuật nhân giống và nguyên liệu sản xuất phôi nấm, trồng nấm mối đen,… của một số đơn vị như Công ty TNHH Nông nghiệp Số AgriConnect, Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Bốn. Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam), Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường (Trường Đại học Nông lâm TPHCM).

Sự kiện Kết nối ý tưởng thuộc chuỗi hoạt động “Cà phê Công nghệ” do Sở KH&CN TPHCM tổ chức, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN là đơn vị thực hiện, nhằm đẩy mạnh kết nối cung – cầu công nghệ, góp phần nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại TPHCM và các tỉnh trong khu vực.

Tại đây, các nhà cung ứng giới thiệu những giải pháp công nghệ đáp ứng yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp lựa chọn giải pháp phù hợp để tiếp tục thương thảo hợp tác, chuyển giao công nghệ.

Đỗ Quỳnh Ngọc

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)