Sự thần kỳ của kinh tế Hàn quốc

Nền Kinh tế Hàn quốc phát triển cực kỳ sôi động bất chấp sự can thiệp sâu của nhà nước. Thành công này đáng khâm phục song cũng dễ bị tổn thương.

 
Năm 2011, theo bảng chỉ số về tham nhũng của tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) thì Hàn quốc có điểm là 5,4 của thang điểm từ không (cao) cho đến mười (không có). Vị trí này rõ ràng tệ hơn nhiều so với nước đứng đầu là New Zealand, 9,5 điểm và Đức là 8,0 điểm. “Tham nhũng thật vô cùng bất công, người dân Hàn Quốc phải lao động cực kỳ vất vả và nhiều người trong số họ đều bị cưỡng đoạt ít nhiều vì nạn tham nhũng”, theo lời Geo-Sung Kim, trưởng ban theo dõi Hàn Quốc của TI.

Mặc dù theo nhiều nghiên cứu của các nhà kinh tế phương Tây, tham nhũng là sát thủ của tăng trưởng kinh tế, nhưng ở Hàn Quốc tham nhũng không kìm hãm nổi sự phát triển kỳ diệu của nền kinh tế. Tương tự như vậy, ở Trung Quốc tốc độ tăng trưởng kinh tế là rất cao mặc dù nạn tham nhũng còn tràn làn hơn nhiều so với Hàn Quốc. Nền kinh tế Hàn Quốc liên tục phát triển ngay cả trong thời gian khủng hoảng kinh tế thế giới mới đây. Ngay cả năm 2009, năm tồi tệ nhất, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo OECD vẫn tăng 0,3 %. Trong khi năng lực kinh tế của phương tây bị suy sụp thì Hàn Quốc đã thoát khỏi tình trạng suy thoái.

Ngoài nạn tham nhũng, một số yếu tố lẽ ra phải là trở ngại không nhỏ cho tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc, ví dụ như việc Nhà nước can thiệp sâu, mạnh mẽ vào các hoạt động kinh tế, chế độ nghĩa vụ quân sự kéo dài hai năm rưỡi cản trở giới trẻ tiếp cận với thị trường lao động, chi phí cho quốc phòng chiếm một tỷ lệ tương đối lớn của GDP, hệ thống giáo dục vừa cũ kỹ, không chịu thay đổi vừa  xơ cứng, cấu trúc theo đẳng cấp trong xã hội cũng như trong doanh nghiệp hoàn toàn không tạo môi trường  khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Thế nhưng, bất chấp những trở ngại này, nền kinh tế Hàn Quốc vẫn liên tục đi lên. Người ta dụi mắt và thắc mắc: tại sao lại có thể được như thế?

Bí mật của thần kỳ về nền kinh tế của Hàn Quốc là ở chỗ, quốc gia này có một nhà nước mạnh mẽ – nhưng tuyệt nhiên không phải là một nhà nước tồi tệ. “Hàn Quốc đi lên chủ yếu nhờ sự lèo lái của nhà nước”, theo lời Changsoo Kim, giáo sư kinh tế của Đại học Quốc gia Busan. Busan là thành phố công nghiệp ở phía nam bán đảo Hàn Quốc và là thành phố quan trọng đứng hàng thứ hai sau thủ đô Seoul. 

“Trong những năm sáu mươi nhà nước đã tạo ra một bước ngoặt có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển công nghiệp của Hàn Quốc và từ đó tạo ra sự phát triển mang tính bùng nổ”, ông Kim nói. Chính phủ đã nhận ra rằng chiến lược thay thế nhập khẩu (tức là tự cung cấp cho thị trường nội địa bằng các sản phẩm do trong nước sản xuất để tránh phải nhập khẩu) không phát huy được tác dụng. Mặc dù nhiều nước ở Nam Mỹ thực hiện được chính sách thay thế nhập khẩu này nhưng ở Hàn Quốc thị trường quá nhỏ bé, vả lại nước này lại rất nghèo tài nguyên. “Sau đó giới hoạch định chính sách đã quyết định đảo ngược, nghĩa là sản xuất để phục vụ xuất khẩu”, ông Kim cho biết.

Kết quả là: người Hàn Quốc thu được ngoại tệ và lại càng có khả năng nhập khẩu nhiều hơn, chất lượng đời sống được cải thiện. Trong những năm bẩy mươi diễn ra bước ngoặt có ý nghĩa quyết định thứ hai  – chính phủ quyết định đẩy mạnh phát triển công nghiệp nặng và công nghiệp hóa chất. Giáo sư Kim nói: “trong nhiều thập niên chính phủ đã đóng vai trò quyết định về phát triển kinh tế.” Không những thế, chính quyền quân sự độc tài được hình thành sau khi kết thúc cuộc chiến tranh Triều tiên năm 1953 và mãi đến năm 1987 mới chấm dứt.

Cho dù có những vấn đề về nhân quyền nhưng trong lĩnh vực kinh tế chính phủ Hàn Quốc đã có những quyết định đúng đắn  – và đó chính là câu trả lời về sự thăng tiến mạnh mẽ của kinh tế Hàn Quốc, với xuất phát điểm là một đất nước nông nghiệp, các thành phố và hạ tầng cơ sở bị tàn phá nặng nề sau khi bị Nhật Bản xâm chiếm trong thế chiến thứ 2 và sau cuộc chiến tranh Nam – Bắc Triều Tiên. Khi ấy, Hàn Quốc cũng nghèo khổ tương tự như nhiều quốc gia châu Phi. Nhưng ngày nay Hàn Quốc đang rượt đuổi Đức, và đối thủ mà tập đoàn Volkswagen kiềng nể nhất không còn là hãng Toyota của  người Nhật, mà chính là Hyundai của Hàn Quốc.

Sự đối đầu triền miên với Bắc Triều Tiên đã kích thích Hàn Quốc đi lên

Có thể nói đây cũng là một yếu tố có ý nghĩa quyết định cho sự vươn lên của Hàn Quốc. Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, toàn bộ nền công nghiệp của Triều Tiên tập trung ở miền Bắc. “Miền nam phải đối đầu với một người láng giềng vũ trang  mạnh mẽ nên phải tìm mọi cách để tồn tại”, nhận xét từ chuyên gia Đông Á , ông Werner Pascha, giáo sư ĐHTH Duisburg-Essen. Ngay cả hiện nay giáo sư Pascha vẫn cho rằng “Do bị đe dọa triền miên nên người dân Hàn Quốc nung nấu ý chí vươn lên, và chính sự xung đột này buộc họ phải quan tâm nhiều hơn đến hiệu quả và năng suất.”

Ai muốn tìm hiểu bí mật của sự thần kỳ kinh tế Hàn Quốc không thể bỏ qua Chaebols. Chaebols là một sự tập hợp khổng lồ các doanh nghiệp (Firmenkonglomerate) đóng vai trò làm cốt lõi của nền kinh tế nước này. Khái niệm này hình thành từ hai từ trong tiếng Triều Tiên đó là chae và pol, cả hai từ đều khó dịch – chae có nghĩa là sở hữu, tài sản hoặc sự giầu có; pol có nghĩa là gia đình, họ tộc, nhưng cũng có nghĩa là nhóm lợi ích, phe nhóm.

Chaebols là những gã khổng lồ, mà người khổng lồ lớn nhất là Samsung. Đối với phương Tây thì Samsung chỉ chuyên sản xuất sản phẩm điện tử nhưng thực ra ngành xây dựng mới là chủ lực hàng đầu của tập đoàn này. Samsung chính là nhà thầu xây dựng tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa ở Dubai cao  828 mét. Samsung cũng đóng tàu biển, có ngành hóa chất khá mạnh, và kinh doanh cả mảng bảo hiểm. Kế đó là các tập đoàn đối thủ ngang ngửa như  Hyundai và LG.

Điều này hoàn toàn đi ngược lại những bài học của các công ty tư vấn doanh nghiệp phương Tây, đây là sự tấn công trực diện vào những môn đồ thuộc trường phái phải tập trung vào lĩnh vực kinh doanh then chốt, kiên quyết gạt bỏ những mảng kinh doanh không có liên quan. Ngoài ra cũng phải nói Chaebols với một loạt ngành khác nhau không phải là một tập đoàn có cấu trúc rõ ràng. Điều gắn bó Chaebols với nhau là một mớ liên kết huyền ảo với những mối liên hệ chính thức và không chính thức. Các băng nhóm này thường liên quan đến các dòng họ.

Tuy các Chaebols không được hoạt động kinh doanh ngân hàng nhưng Samsung là hãng bảo hiểm lớn nhất nước đã đầu tư nhiều tiền của và qua đó tìm mọi cách để gây ảnh hưởng, không những chỉ trong nội bộ Chaebol của mình mà vươn xa ra ngoài. “Thực tế là ở Hàn Quốc không thể làm gì nếu đi ngược lại lợi ích của Samsung“, theo lời Hans-Bernd Merforth, một người Đức làm ăn sinh sống ở Hàn Quốc từ cuối những năm bẩy mươi, phần lớn là làm việc cho Commerzbank. Hiện nay ông  có mặt trong Hội đồng quản trị Phòng Thương mại châu Âu ở  Seoul.

Tuy nhiên Samsung chỉ là một ví dụ điển hình ở một chừng mực nhất định cho một Chaebols. “Samsung được tổ chức tương đối tập trung, trái ngược với Hyundai từ năm 2001 đã có các bộ phận khá độc lập với nhau”, Merforth nói. Bên cạnh các thái cực như Samsung và Hyundai còn có một loạt Chaebols đan xen, liên kết với nhau và có sức mạnh khác nhau. Khoảng 20 Chaebols gộp lại tạo nên 80% GDP của HQ.

Số phận của Hàn Quốc nằm trong tay các tập đoàn – điều này vừa là phúc vừa là họa. Cuối những năm chín mươi chính các tập đoàn này đã đưa Hàn Quốc tới bên bờ vực thẳm trong cuộc khủng hoảng ở châu Á. Sự sụp đổ của Kia đánh dấu sự mở đầu của cuộc khủng hoảng.  Sau đó Kia sáp nhập với Hyundai. Daewoo là một Chaebols lớn nhất hồi đó bị tan vỡ. Mười năm sau đã cho thấy sự hình thành các tập đoàn hỗn hợp và rộng rãi, và đây chính là nguyên nhân vì sao Hàn Quốc vượt qua được khủng hoảng một cách dễ dàng như vậy.

“Hàn Quốc đã rút ra được bài học đúng đắn từ cuộc khủng hoảng Châu Á và do đó được trang bị tốt hơn so với nhiều nước khác trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua”, Merforth nhận định. “Hàn Quốc có đủ ngân hàng trường vốn, có sự điều tiết tốt hơn, có sự đánh giá về tín dụng nghiêm ngặt hơn. Và sau cuộc khủng hoảng châu Á các Chaebols cũng không chịu nhiều sức ép về gánh nặng nợ nần.”

Hoạt động của các Chaebols không phụ thuộc vào lĩnh vực ngân hàng. Lĩnh vực ngân hàng là điều cấm kỵ đối với các Chaebols. Mặt khác ngay cả các ngân hàng lớn nhất của Hàn Quốc vẫn là quá nhỏ để có thể cấp tín dụng cho các Chaebols. Các tập đoàn phải tìm nhà đầu tư trên thị trường vốn và nhận được sự hỗ trợ khá lớn của nhà nước.

Một sự kết nối mạnh mẽ giữa nhà nước và giới kinh tế

Samsung là một dạng Chaebols mẫu mực. Mới đây tập đoàn này, theo yêu cầu của nhà nước,  đã có thêm một trụ cột nữa là lĩnh vực hóa sinh. Đồng thời nhà nước cũng dành một khoản tiền lớn cho Samsung phục vụ nghiên cứu và phát triển cũng như xây dựng cơ sở sản xuất.

Nhà nước can thiệp mạnh vào lĩnh vực kinh tế không phải chỉ ở đây. Tuy đã ký một loạt hiệp định tự do thương mại nhưng Hàn Quốc tìm mọi cách che chắn cho thị trường nội địa thông qua các rào chắn thương mại. Nhà nước chi trả cho các cuộc điều tra, nghiên cứu thị trường ở nước ngoài vì lợi ích của các tập đoàn Hàn Quốc và có cả một tổ chức chuyên xúc tiến và quảng bá thương mại. Hàn Quốc hiện đã đứng ở vị trí hàng  đầu thế giới về sản xuất điện thoại thông minh, ô tô, chip máy tính, màn hình mỏng, tivi – và luôn có sự thúc đẩy hỗ trợ của nhà nước. Nhà nước là người quyết định hỗ trợ ngành nào, mảng nào, cho đến khi các lĩnh vực đó phát triển tới đỉnh cao nhất.

Nghe có vẻ như một nền kinh tế kế hoạch hóa, nhưng thật khó để biết ở Hàn Quốc ai chỉ đạo ai – nhà nước hay nền kinh tế. Các Chaebols là nhà nước, nhà nước là các Chaebols. Tổng thống đương nhiệm Myung-bak Lee trước đây từng làm việc nhiều năm tại tập đoàn  Hyundai. Trong vụ bê bối của Samsung cách đây mấy năm người ta mới biết trong danh sách lĩnh lương của tập đoàn này có gần 300 nhân vật đầy thế lực là chính khách, trong đó có hai thủ tướng, các nhà tư vấn doanh nghiệp, luật sư, công tố viên, công chức thuộc ngành thuế, phóng viên và các  nhà khoa học.  

Theo nhận định của giới chuyên gia thì tình hình này cho đến nay vẫn chẳng thay đổi là bao. Một nhà ngoại giao phương Tây ở Seoul từng nói: “Các chính khách thì có thể thay đổi, nhưng vận mệnh của đất nước thì do một trăm ông già quyết định. Thông qua những thuộc hạ cùng dòng tộc các đại quan nhân này kiểm tra các Chaebols.” Changsoo Kim cũng xác nhận đánh giá này. Vị giáo sư ở Busan nói: “Với sự dân chủ hóa từ năm 1987, tương quan quyền lực đã xê dịch. Các chính khách đến rồi đi. Nhưng các chủ doanh nghiệp và các nhà quản lý hàng đầu thì trụ lại hàng chục năm, trong khi ảnh hưởng của các tập đoàn tăng liên tục.”

Trong khi vai trò của Quốc hội khá nhạt nhòa thì chủ tịch Quốc hội lại có một vị thế khá mạnh, kể cả với giới kinh tế. “Ông chủ tịch có thể để lại những dấu ấn của mình và có thể thông qua những việc cần làm”, và “các Chaebols không thể gây sức ép được với chủ tịch Quốc hội”, Pascha nói.

Sự đan xen, kết nối chặt chẽ giữa nhà nước và giới kinh tế là điều được hoan nghênh. Rüdiger Frank, giáo sư về kinh tế và xã hội Đông Á thuộc Đại học Vienna, nhiều năm nghiên cứu về Hàn Quốc và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Hàn Quốc nói: “Chính quyền trung ương cảm thấy phải gánh mọi trách nhiệm, và điều này lại phù hợp với kỳ vọng của người dân. Không ai nghi ngờ mô hình này bởi cho đến nay mô hình này có vẻ trôi chảy.“

Nhưng điều này có thể tồn tại được bao lâu nữa, đây là câu hỏi hiện còn để ngỏ. Sự vươn lên của Hàn Quốc bắt đầu bằng công việc sao chép một cách sáng tạo –  người Hàn sao chép các sản phẩm của phương Tây, cải tiến chúng và làm cho chúng nhuần nhuyễn hơn. Và những sản phẩm đó lại rẻ hơn. Theo giáo sư Frank thì “người Hàn rất giỏi trong việc tiếp tục phát triển, nhưng từ lâu vẫn thiếu một sự tự phát triển”. Điều này thường còn được gọi là “mô hình ưu tiên đi theo công nghệ”. Người Trung Quốc hiện cũng theo đuổi mô hình này và người Hàn đã thấy hơi thở của người Trung Quốc ngay sát gáy mình.

Pascha gọi vị thế của Hàn Quốc là vị thế bánh mỳ kẹp. “Họ gây áp lực đối với các nước phương Tây, nhưng so với phương tây họ còn có những khiếm khuyết. Đồng thời họ còn chịu áp lực từ bên dưới [tức các nước kém phát triển hơn].”

Cho dù có nhiều thành công nhưng GDP tính theo đầu người của Hàn Quốc còn dưới mức trung bình của OECD và mới đạt khoảng 60% của những nước hàng đầu. Tuy Hàn Quốc đứng hàng đầu về điện tử nhưng ở nhiều lĩnh vực khác như công nghệ sinh học hay vật liệu kết dính (Verbundwerkstoffen) thì Hàn Quốc không cạnh tranh nổi – và ngay cả trong lĩnh vực điện tử Hàn Quốc vẫn còn phải nhập nhiều loại linh kiện từ nước ngoài. Điều này đã được đề cập trong báo cáo của OECD năm 2009 về chính sách đổi mới, sáng tạo – xuất khẩu của Hàn Quốc chỉ tập trung vào một số lĩnh vực, trong khi phải nhập khẩu rất nhiều sản phẩm.

Hệ thống giáo dục xơ cứng cần phải cải cách

Trên con đường từ bắt chước chuyển sang sáng tạo Hàn Quốc còn lâu mới đến đích. Theo các chuyên gia, trong năm năm tới người ta sẽ thấy liệu Hàn Quốc có tạo ra được một cú nhảy hay không. “Để làm được điều này Hàn Quốc phải tạo ra được một môi trường khoa học để về lâu dài tiến hành được nghiên cứu cơ bản”, giáo sư Frank nói. “Ở Hàn Quốc cái gì cũng phải vận động thật nhanh, mọi thứ đều hướng vào mục đích ứng dụng, phải chín muồi nhanh để đưa được ra thị trường.” Ở đây lại thấy vai trò của nhà nước trong việc thúc đẩy sự nghiệp nghiên cứu. Nhà nước chi tiền tỷ để xây dựng các trung tâm nghiên cứu mới và tuyển mộ các nhà khoa học từ nước ngoài.

Hệ thống giáo dục cũng cần phải cải cách. Học sinh Hàn phải học cật lực, học thuộc lòng và các em chịu một áp lực rất lớn. Tỷ lệ tự vẫn cao. Các em thiếu môi trường, không gian để phát huy khả năng sáng tạo cũng như năng khiếu văn học, nghệ thuật của mình. Ngoài ra hệ thống giáo dục hết sức tốn kém và không hiệu quả. “Cho đến nay vấn đề này chưa ảnh hưởng gì tới nhà nước, vì phần lớn chi phí là do các gia đình tự chi trả”, giáo sư Frank nói. Các gia đình buộc phải chi trả nhiều tiền cho việc học hành của con cái và sự thăng tiến của chúng lệ thuộc rất nhiều vào tên tuổi của cơ sở đào tạo.  Ai không có điều hiện học ở những trường ưu tú thì rất khó có cơ hội đi lên. 

Rủi ro lớn nhất về trung hạn có lẽ là sự phụ thuộc nặng nề vào các Chaebols và Trung Quốc. Mặc dù nhà nước mong muốn khuyến khích phát triển tầng lớp trung lưu và đã có những dự án khá tốn kém để hỗ trợ chính sách này, nhưng tầng lớp trung lưu không hình thành nổi. Theo ông Kim  thì “các Chaebols quá hùng hậu, và khi một doanh nghiệp cỡ nhỏ nào đó phát hiện được một mảng làm ăn hấp dẫn lập tức sẽ bị các Chaebols thâu tóm. Các Chaebols quyết định về các điều kiện làm ăn hết sức khốc liệt với các nhà cung cấp nhỏ.” Do đó, Hàn Quốc đã cho xây dựng một “Ủy ban Công bằng Thương mại” và các đối tác làm ăn và các nhà thầu phụ có thể đề nghị tổ chức này kiểm tra những điều khoản trong hợp đồng mà các Chaebols đưa ra.

Phúc và họa của Hàn Quốc phụ thuộc vào các tập đoàn và bản thân các tập đoàn lại phụ thuộc vào Trung Quốc. 25% xuất khẩu của Hàn Quốc là dành cho ông bạn láng giềng khổng lồ. “Việc Hàn Quốc thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng gần đây một cách tốt đẹp chính là nhờ cầu của Trung Quốc luôn ổn định và bản thân Trung Quốc cũng thoát khỏi khủng hoảng một cách khá suôn sẻ”, Pascha nhận định. “Nhưng một khi tăng trưởng của Trung Quốc giảm thì  Hàn Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.“

Đối với nhiều người Hàn Quốc thì người Trung Quốc có phần bí hiểm, Changsoo Kim nhận xét. “Chúng tôi có một cảm giác bị pha trộn trước một người láng giềng khổng lồ, đã thế họ còn bí hiểm, khó lường”, ông nói. “Song Trung Quốc cực kỳ quan trọng đối với sự tăng trưởng và ổn định kinh tế của chúng tôi. “Nếu như xuất khẩu của Hàn Quốc đa dạng hơn thì họ đỡ bị lệ thuộc vào một quốc gia nhập khẩu.

Tuy vậy giáo sư Frank hoàn toàn không nghi ngờ về khả năng Hàn Quốc sẽ khắc phục được các thách thức của mình. “Hàn Quốc đã sẵn sàng cho những bước đi triệt để”, ông nói. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á hồi cuối những năm 90 chính phủ Hàn Quốc đã cắt giảm lương đồng loạt 30%  – ở Châu Âu biện pháp này sẽ đồng nghĩa với sự tự vẫn về chính trị. “Người Hàn có trình độ rất cao, họ có động lực mạnh mẽ, họ biết về những khó khăn của mình. Tôi tin chắc rằng, họ sẽ giải quyết được các khó khăn đó để đi lên.” 

Xuân Hoài dịch theo Wiwo,

Nguồn: Handelsblatt Online

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)