Tại sao giá vàng lên?

Trong năm 2005, giá vàng trên thế giới có lúc lên trên 500 đô la một “aoxơ” (ounce, 28 gram) và xu hướng biến động giá tiếp tục diễn ra vào đầu 2006. Đây là lần đầu tiên giá vàng lên trên mức 500 đô la kể từ năm 1987. Như vậy, trong năm 2005, giá vàng đã lên giá gần 20%. Nhìn lại, vào đầu năm 1980, khi mức lạm phát ở Mỹ đang trên đà tăng mạnh, giá vàng có lúc đã lên đến 850 đô la/ounce.

MỐI LO LẠM PHÁT
Tại sao giá vàng lại lên? Cũng giống như 25 năm trước đây, lý do là sợ lạm phát trong thời gian tới! Trong năm qua, giá cả ở Mỹ chỉ tăng lên khoảng 2,4%, không kể giá thực phẩm và nhiên liệu là những thứ lên xuống bất thường.
Nhưng cái gì gây ra mối lo lạm phát trong thời gian tới? Đó chính là nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh của nước Mỹ. Đơn giản vì khi kinh tế lên thì giá cả sẽ lên. Các số thống kê của Bộ Lao động Mỹ cho thấy Tổng sản lượng Nội địa (GDP) của Mỹ vẫn tăng thêm khoảng trên 4% trong quý ba và quý tư năm 2005. Kinh tế Nhật Bản cũng đang phục hồi sau hơn mười năm trì trệ. Và ở Âu Châu thì Ngân hàng Trung ương cũng đã bắt đầu lo lạm phát. Khi các nền kinh tế mạnh nhất thế giới cùng đi lên thì chắc chắn giá cả hàng hóa sẽ lên theo. Việc Trung Quốc tăng hối suất của đồng nhân dân tệ cũng gây ra hậu quả là giá hàng bán ra thế giới sẽ lên giá, dù chỉ chút ít.

Người ta bắt đầu lo lạm phát trước hết ngay trong giá thành các sản phẩm, khi các nền kinh tế đi lên. Đơn giản vì các xí nghiệp sẽ thuê mướn thêm nhân viên, người lao động sẽ đòi tăng lương. Nhiều thứ  nguyên liệu, nhất là kim loại vẫn tiếp tục tăng giá: bốn năm trước, giá đồng nguyên chất chừng 70 xu Mỹ một pound (0,454 kg), bây giờ lên 2 đô la. Chi phí sản xuất tăng thì các xí nghiệp thế giới sẽ phải tăng giá bán hàng. Vì vậy, theo thông lệ những khi nghe các tin tốt lành cho nền kinh tế là người ta lo lạm phát sẽ gia tăng.
Mối lo lạm phát xưa nay vẫn là một nguyên do khiến giá vàng lên. Khi nói lạm phát 3% có nghĩa là một món hàng trung bình năm ngoái giá 100 đồng, năm nay phải trả thêm 3 đồng nữa mới mua được. Vàng được coi là thứ bảo vệ được giá trị vững chắc nhất, cho nên thiên hạ coi việc mua vàng là một cách bảo vệ tài sản trước khi đồng tiền mất giá.
Như trong mấy tháng cuối năm qua, lúc giá vàng lên, nguyên nhân không phải vì đồng đô la xuống giá vì trong thực tế giá đô la lại lên, sau hai năm mất giá. Nguyên nhân ảnh hưởng tới vàng có thể là vì đồng Yên của Nhật đã mất giá so với đô la. Những người có tiền ở Nhật cũng đang lo lạm phát sắp tăng vì kinh tế Nhật sắp hưng phấn. Hai yếu tố đó khiến họ đi mua vàng. Có lúc ở Tokyo, giá vàng lên trước, sau đó giá lại xuống ở thị trường New York.

NGUYÊN TẮC CUNG VÀ CẦU


Đồng đôla xuống giá cũng là một nguyên nhân nhiến giá vàng tăng trên thế giới. Anh: Quốc Tuấn

Nhưng nếu chỉ có người Nhật mua vàng thì không đủ ảnh hưởng đến cả thế giới lâu như vậy. Trong chín tháng đầu năm 2005, số vàng mua để đầu tư hoặc đầu cơ tăng thêm 62%. Cuối cùng, giá vàng, cũng như giá những món hàng khác là do mức cung cầu quyết định.
Hãy nói về cung. Trong năm 2004 các mỏ vàng trong thế giới sản xuất ra 2.461 tấn, trong năm 2005 dự trù sẽ tăng lên tới 2.495 tấn, tức là số sản xuất tăng được trên 30 tấn vàng. Nhưng nhu cầu mua vàng tăng nhanh hơn. Vàng đã quý vì hiếm, nay có vẻ lại khan hiếm hơn. Năm 2004, thế giới tiêu thụ 3.840 tấn vàng, năm 2005 ước lượng sẽ lên tới 3.957 tấn, tức là tiêu thụ thêm gần 120 tấn hơn trước. Số vàng được sản xuất tăng lên nhưng khó đuổi kịp vàng được số tiêu thụ đơn giản vì việc khai mỏ đương nhiên chậm chạp hơn việc người ta bảo nhau đi mua vàng.
Một hiện tượng mới trên thị trường là gần đây nhiều quỹ đầu tư chuyên nghiệp ở Mỹ bắt đầu đi mua vàng để đầu tư. Hồi nào tới giờ, các quỹ đầu tư chỉ mua các cổ phần, mua ngoại tệ, mua các trái phiếu của chính phủ hoặc của các công ty. Bây giờ họ cũng mua vàng, một phần vì muốn phân tán các phương tiện đầu tư ra nhiều thứ để tránh rủi ro như kiểu “để tất cả trứng vào một rổ”, một phần nữa cũng vì họ lo bảo vệ giá trị quỹ. Bên cạnh đồng đô la, đồng Euro, đồng Yên Nhật Bản, bây giờ vàng trở thành một thứ “tiền thứ tư” đối với các quỹ đầu tư muốn tránh rủi ro. Ngoài ra, các quỹ đầu tư cũng ký các hợp đồng mua trước các thứ kim loại như đồng chẳng hạn, để chờ đồng lên giá lấy lời.

Nga và nhiều nước khác ở Á Châu cũng có ý định sẽ mua vàng, thay thế Mỹ kim trong kho dự trữ ngoại  tệ. Khi các nước dư tiền, gọi là quỹ dự trữ, họ có thể giữ những đồng tiền dư dưới nhiều hình thức: giữ đôla Mỹ, hay giữ đồng Euro của Âu Châu, hoặc giữ đồng Yên, hay mua vàng để trữ. Chính phủ Nga đang có chính sách chuyển bớt số đôla Mỹ trong kho dự trữ của họ, biến chúng thành vàng. Lý do ở chỗ trong ba năm qua, đồng đôla Mỹ xuống giá nhiều quá so với đồng tiền nhiều nước, đặc biệt là so với đồng Euro; bất cứ ai giữ đôla trong nhà cũng thấy mình bị thiệt hại. Họ chờ tới lúc đôla Mỹ lên được chút đỉnh thì đem mua vàng. Chính phủ Nga muốn thay đổi thành phần quỹ dự trữ, làm gương cho các nước khác bắt chước. Nếu nhiều nước cùng đổi đô la sang vàng thì Nga được lợi; vì Nga là một quốc gia sản xuất nhiều vàng.
Nhưng việc mua vàng của các Ngân hàng Trung ương cũng chỉ ảnh hưởng được một phần nhỏ trên mức cung, cầu. Chính việc tiêu thụ vàng của bàn dân thiên hạ gia tăng khiến số vàng sản xuất không kịp mới là lý do quan trọng. Người ta mua vàng để làm gì?
Phần lớn số vàng bán trên thế giới là để làm đồ trang sức, khoảng 85% số tiêu thụ. Gần đây, các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Trung Đông mua nhiều vàng hơn, vì kinh tế phát triển nhanh khiến người ta mua nhiều đồ trang sức hơn. Mặt khác, ở nhiều nước người nông dân khi có tiền dư thì không biết phương pháp nào để tiết kiệm hoặc đầu tư. Họ không quen mua bán chứng khoán, hoặc không có thị trường chứng khoán nào ở chung quanh họ. Mà họ cũng không muốn giữ tiền giấy trong nhà khi muốn đi tới một ngân hàng cũng phải đi bộ rất xa. Họ mua vàng không phải chỉ để đeo cho đẹp mà còn để dành tiền tiết kiệm nữa. Năm 2004, số tiêu thụ trang sức bằng vàng đã tăng lên 5%, năm 2005 sẽ tăng thêm 12% nữa. Đặc biệt là 70% số tiêu thụ trang sức vàng là ở các miền quê; người nhà quê ở nước nào cũng như ở Việt Nam mình, họ để dành tiền bằng các mua vàng trong khi dân các nước văn minh mới đi mua các loại chứng khoán để đầu tư.

NHÌN GẦN VÀ NHÌN XA


Nhiều nước trên thế giới đã thay thế một phần các đồng tiền mạnh bằng vàng trong kho dự trữ của họ. Anh: Quốc Tuấn

Tuy giá vàng tăng lên là do cung, cầu quyết định nhưng cung cầu chỉ có ảnh hưởng trong một thời gian có giới hạn. Hiện nay các nước có tài nguyên vàng dưới đất còn chưa khai thác thêm mỏ mới vì sợ chi phí sản xuất cao mà bán không hết. Nhưng khi giá vàng leo cao một thời gian dài thì các nước đó sẽ khai mỏ thêm để kiếm lời, giá cả sẽ bị ảnh hưởng. Trong ngắn hạn, giá vàng còn bị ảnh hưởng của những hoạt động có tính chất đầu cơ. Nhưng khi giá bắt đầu đứng lại thì chính những người đầu cơ sẽ bán ra để lấy lời ngay, khi đó giá sẽ xuống nhanh.
Về lâu dài thì giá vàng chịu ảnh hưởng của hối suất đồng đô la Mỹ. Người ta thường thấy giá vàng và giá  đồng đôla Mỹ chạy ngược chiều nhau: nếu giá trị đồng đô la xuống thì giá vàng phải lên, nếu đô la lên thì vàng xuống. Nhưng trong mấy tháng qua ta thấy điều bất thường: Giá vàng trên thế giới lên mà giá đồng đôla Mỹ cũng tăng lên, so với đồng Yên Nhật Bản và đồng Euro của Âu Châu. Vì giá đô la còn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác. Nhiều chính phủ dư ngoại tệ như Trung Quốc hay Nhật Bản vẫn chọn đem tiền cho nước Mỹ vay, để họ mua hàng. Nhiều nhà đầu tư quốc tế cũng thấy nền kinh tế Mỹ có cơ hội sinh lợi cao cho nên tiếp tục cho các công ty Mỹ vay tiền hoặc mua cổ phần Mỹ. Nhờ những dòng tiền đổ vào nước Mỹ cho nên đồng đô la vẫn lên giá mặc dù vàng cũng lên giá! Nhưng sẽ tới lúc tình trạng thiếu quân bình này phải chấm dứt, giá đồng đô la sẽ xuống trong khi giá vàng lên./.

Quý Đỗ

Tác giả