Tái tạo các bức họa ẩn dưới những kiệt tác của Picasso bằng AI và in 3D

Với sự hỗ trợ của một mạng thần kinh, các nhà nghiên cứu đã tái cấu trúc được hoàn toàn bức tranh ẩn dưới kiệt tác của danh họa Picasso. Phát hiện mới đã rọi thêm một góc nhìn về con người của họa sĩ ở giai đoạn chưa nổi tiếng.

Bức tranh phong cảnh của Santiago Rusiñol nằm dưới bức La Miséreuse accroupie của Picasso. Nguồn: MIT

Chúng ta đã biết khá nhiều về Pablo Picassco, một trong những nghệ sĩ ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 khi trở thành một trong hai người đặt nền móng cho trường phái Lập thể cũng như rất nhiều phong cách nghệ thuật mà ông giúp phát triển và khám phá. Tuy nhiên, chúng ta chưa biết nhiều về chàng họa sĩ tuổi đôi mươi Picasso sống ở Barcelona và Paris. Đây là giai đoạn ông ở thời kỳ Xanh (1901–1904), thời kỳ ông thường vẽ những bức tranh tăm tối, ảm đạm miêu tả những bà mẹ và những đứa trẻ gầy gò, vẻ mặt thê lương, thường được diễn tả bằng những gam màu xanh lam hay xanh lam pha lẫn xanh lá cây.

Vào năm 2018, các nhà bảo tồn nghiên cứu bức tranh La Miséreuse accroupie (The Crouching Woman) do Pablo Picasso vẽ năm 1902 khi đã thấy bức chân dung này được vẽ đè lên trên một bức tranh phong cảnh khác. Phòng tranh Ontario (AGO) lúc đó đã trưng ra một bức ảnh tia X có độ nét cao của bức tranh bị che phủ đó.

Tương tự The Old Guitarist có lẽ là bức nổi tiếng nhất ở thời kỳ này của Picasso. Nó được xác định là vẽ trong năm 1903-1904. Họa sĩ sử dụng màu lam để tái hiện nỗi đau đớn và thất vọng của chính mình. Nhưng The Old Guitarist cũng còn thú vị vì một lý do khác nữa. Các nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật đã cho biết có sự hiện diện một cách mờ ảo của một gương mặt phụ nữ nằm dưới những nét cọ này. Vào năm 1998, các nhà bảo tồn tại Viện nghiên cứu nghệ thuật Chicago, nơi treo bức họa, đã dùng tia X và tia hồng ngoại để “nhìn” hình ảnh đó.

Trước đây, người ta thường cho rằng, nguyên nhân của lối vẽ khổ hạnh này của Picasso là do ảnh hưởng của một chuyến đi xuyên Tây Ban Nha và vụ tự tử của bạn mình là Carles Casagemas. Nhưng hiện nay, các nhà khoa học cho biết, ngoài nỗi trầm cảm này, còn có những yếu tố khác ảnh hưởng đến suy nghĩ của danh họa – đó là việc họa sĩ thấy sự bấp bênh của mình trong thế giới nghệ thuật và cả sự thiếu thốn tiền bạc chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày. Do vậy, ông thường xuyên cắt giảm việc mua toan mới, vốn khá đắt đỏ với thu nhập của ông lúc đó và có “sáng kiến” vẽ những tác phẩm mới lên trên những bức cũ mà ông không thấy ưng ý.

Và đây là đất vẫy vùng của các công nghệ hiện đại.

Một cách tiếp cận mới

Phát hiện về thói quen vẽ phủ lên những tác phẩm cũ của Picasso đã thu hút sự quan tâm của thế giới nghệ thuật lẫn khoa học. Mặc dù hiển nhiên là đã “thấy” được những hình ảnh ở dưới đường cọ của Picasso, ví dụ phong cảnh trong bức La Miséreuse accroupie hay gương mặt một phụ nữ trong The Old Guitarist nhưng từ quan điểm thẩm mỹ thì những gì các nhà nghiên cứu có được thật đáng thất vọng. Hình ảnh hiển thị từ tia hồng ngoại và tia X chỉ gồm những đường viền mờ mịt. Mặt khác, những thông tin có được cũng có thể giúp tìm ra lượng sơn mà họa sĩ sử dụng nhưng chúng lại không cho chúng ta biết màu sắc hoặc phong cách. Vì vậy, cách tái tạo một cách sống động hơn bức tranh đã mất đều được quan tâm, tuy nhiên bằng cách nào làm được điều đó thực sự không dễ. Nó đòi hỏi một cách tiếp cận mới, thậm chí trước đây khó có thể tưởng tượng ra.

Ngoài nỗi trầm cảm này, còn có những yếu tố khác ảnh hưởng đến suy nghĩ của danh họa – đó là việc họa sĩ thấy sự bấp bênh của mình trong thế giới nghệ thuật và cả sự thiếu thốn tiền bạc chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày. Do vậy, ông thường xuyên cắt giảm việc mua toan mới, vốn khá đắt đỏ với thu nhập của ông lúc đó và có “sáng kiến” vẽ những tác phẩm mới lên trên những bức cũ mà ông không thấy ưng ý.

Đó là cơ hội để hai nghiên cứu sinh University College London (UCL) là Anthony Bourached và George Cann gặp nhau. Dù có nền tảng khác biệt, một là nhà khoa học thần kinh, học máy và một là vật lý thiên văn chuyên sâu về các khí trong bầu khí quyển sao Hỏa, cả hai đã gặp nhau ở tình yêu nghệ thuật và sự tò mò khám phá điểm mới trong nghệ thuật bằng những công cụ mới. Họ muốn dùng trí tuệ nhân tạo (AI) như một giải pháp để xem liệu nó có đem lại giá trị mới trong thế giới nghệ thuật hay không và có thì như thế nào. Từ suy nghĩ đó, họ cho ra đời Oxia Palus, một startup dùng AI để tái cấu trúc những tác phẩm nghệ thuật đã bị mất – cái tên Oxia Palus được Cann lấy từ tên gọi bản đồ tứ giác địa hình vùng Oxia Palus sao Hỏa. “Đây là vùng trên sao Hỏa được quan tâm nhiều nhất trong những cuộc truy tìm sự sống, cụ thể là dưới lớp đất bề mặt”, Cann giải thích. “Sự khám phá trong thế giới nghệ thuật của chúng tôi và cuộc tìm kiếm sự sống dưới lớp đất sao Hỏa mà khoa học đang thực hiện có nhiều nét tương đồng với nhau, chỉ khác là trong thế giới nghệ thuật thì chúng tôi tìm tòi dưới bề mặt các lớp màu vẽ”.

Bí quyết của Oxia Palus là sử dụng học máy, các mạng thần kinh sâu và các thuật toán chuyển đổi NST (Neural Style Transfer Algorithms) do Leon Gatys và đồng nghiệp ở trường Đại học Turbingen, Đức phát triển từ năm 2015 – các thuật toán NST có đặc điểm là sử dụng các mạng thần kinh sâu cho mục đích chuyển đổi hình ảnh. Các mạng thần kinh bao gồm các lớp phân tích một hình ảnh ở nhiều quy mô khác nhau. Lớp đầu tiên có thể ghi nhận toàn bộ các đặc điểm như các đường viền, lớp tiếp theo thấy cách các đường viền hình thành các kiểu hình dạng đơn giản như đường tròn, lớp thứ ba ghi nhận các mẫu hình dạng như hai đường tròn cạnh nhau và một lớp khác có thể dán nhãn các cặp tương tự nhau như cặp mắt. Các mạng lưới thần kinh này có thể phân biệt được phong cách nghệ thuật vẽ cặp mắt trong tác phẩm này phong cách nghệ thuật vẽ cặp mắt của nhiều tác phẩm khác trên một diện rất rộng, từ Leona da Vinci, van Gogh đến Picasso.

Sau đó họ phân tích nét vẽ mờ ảo bên dưới các tác phẩm nghệ thuật do tia X và tia hồng ngoại tìm ra. Trên cơ sở những hiểu biết về những tác phẩm khác của họa sĩ, máy tính có thể tạo ra một phiên bản đầy đủ màu sắc như nguyên tác của tác phẩm đã mất. Nhờ vậy, họ có thể in 3D tác phẩm cho người hâm mộ có thể ngắm nhìn mà không cần phải “phá hủy” kiệt tác phủ trên chúng.

Bourached và Cann đã đặt tên cho công nghệ của mình là NeoMasters (Những tân bậc thầy). “Đây là một công nghệ tương phản với rất nhiều loại AI hiện vẫn sử dụng trong thế giới nghệ thuật. Nếu những thuật toán AI đó có khả năng sáng tạo, đem lại cái gì đó mới mẻ thì sản phẩm của chúng tôi tìm kiếm những thứ đằng sau các nghệ sĩ nổi tiếng”, Bourached nói với Artnet News. Anh hi vọng một ngày nào đó có thể áp dụng một quá trình tương tự để tìm các tác phẩm đã mất mà ngày nay chỉ còn tồn tại trong các văn bản.

Kiệt tác bao phủ kiệt tác

Một trong những tác phẩm mà hai nhà khoa học trẻ để mắt đến là La Miséreuse Accroupie. Qua hình dáng lờ mờ mà tia X và tia hồng ngoại “đào bới” thì mọi người có thể hình dung đây là một bức tranh phong cảnh, miêu tả một quang cảnh uốn lượn trong khu vườn nổi tiếng Jardin Laberint d’Horta ở Barcelona, Tây Ban Nha. Điều này có vẻ hơi kỳ lạ với Picasso bởi giai đoạn này ông thường tập trung vào các chân dung hơn là phong cảnh. Vì vậy không ai dám xác quyết đây là tác phẩm của ông.

Vậy thì bức tranh khu vườn Jardin Laberint d’Horta là của ai? Sau khi nghiên cứu kỹ và tìm hiểu phong cách của những họa sĩ đương thời có mối quan hệ thân thiết với Picasso, các nhà lịch sử nghệ thuật cho rằng người vẽ có thể là họa sĩ, nhà thơ Santiago Rusiñol, một trong những người dẫn đầu của chủ nghĩa hiện đại Catalan.

Để “vẽ” lại bức họa nguyên thủy, Bourached và Cann đã sử dụng một bản đồ cao độ ba chiều cho phép tái tạo một cách cẩn thận lớp sơn lên mặt toan theo cách nắm bắt được kết cấu bề mặt và hình thức phong cách của họa sĩ thông qua một kỹ thuật mà họ đang chờ cấp bằng sáng chế.

Trong quá trình tái tạo bức họa này, nhiều bức họa khác của Rusiñol được các nhà lịch sử nghệ thuật chọn là định hình phong cách của ông đã được Bourached và Cann lấy làm tài liệu tham chiếu. Chiều sâu, độ dày và độ dài xấp xỉ của từng đường cọ đã được phục hồi và tái kết nối với nhau để hiển hiện toàn thể bức họa. Trên cơ sở giả định này, Bourached và Cann đã huấn luyện cho AI phong cách của Rusiñol và qua đó tái tạo một phiên bản màu của bức họa nguyên thủy. Sau nhiều chỉnh sửa, 100 bản in 3 D bức họa đã mất của Rusiñol đã được in ra. “Đó là những gì chưa được thực hiện trước đây và trên thực tế là một cách tiếp cận mới đã được chúng tôi đăng ký sáng chế”, Bourached nói. “Lớp lớp sơn vẽ và mực in trên mặt toan đang hỗ trợ công nghệ in 3 D tiên tiến”.

Kết quả chụp tia X bức tranh La Miséreuse Accroupie. Nguồn: MIT

Phát hiện của họ, không chỉ đem lại 100 phiên bản được bán tại MORF Gallery, mà còn đưa ra một thông tin thú vị khác: chính xác là Picasso đã dựa theo đường lượn đồi núi của bức tranh nguyên thủy để vẽ đường viền lưng nghiêng nghiêng của người phụ nữ trong tranh của mình. Năm 2018, Marc Walton, một học giả làm về phân tích tia X tại Phòng tranh Ontario (AGO), từng trao đổi với New York Times là ông nghi ngờ vào khả năng này và so sánh nó như việc lặp đi lặp lại một tiết tấu nhạc jazz trong tác phẩm âm nhạc. Mặt khác, kết quả cũng giúp khẳng định thêm một điều: Picasso không chỉ “tiếc của” toan vẽ của mình mà còn tái sử dụng toan vẽ của người khác, những bức mà ông cảm thấy không ưng ý.

Dĩ nhiên, không có cách nào để biết được một cách chính xác là trên thực tế thì Picasso hay Rusiñol có sáng tác theo cách này hay không nhưng cả Bourached và Cann đều cho rằng mục tiêu của họ là tái cấu trúc những tác phẩm nghệ thuật còn bị lẩn khuất dưới lớp sơn. “Phương pháp của chúng tôi là kết hợp nguyên tác bị ẩn giấu, thông tin mang tính chủ quan của con người và hệ chuyển đổi NST để rọi thêm ánh sáng mới vào quá trình sáng tạo của một nghệ sĩ”, họ cho biết.

Đây sẽ là kỹ thuật mà các nhà lịch sử nghệ thuật có thể cảm nhận được tiềm năng để thúc đẩy nó đi xa hơn, hứa hẹn đem lại “một cách nhìn mới vào quá khứ chưa bao giờ được xem xét trước đây, tìm kiếm một vật thể chưa bao giờ được khám phá và bằng việc sử dụng một phạm vi công nghệ chưa bao giờ được kết hợp”, Cann nhấn mạnh. □

Tô Vân tổng hợp

Nguồn: https://www.smithsonianmag.com/smart-news/two-scientists-used-ai-reconstruct-hidden-picasso-painting-180977492/

https://www.technologyreview.com/2019/09/20/132929/this-picasso-painting-had-never-been-seen-before-until-a-neural-network-painted-it

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)