Tamoxifen không giúp ích trong việc điều trị bệnh viêm màng não chết người do nấm gây ra

Một kết quả thử nghiệm lâm sàng mới đây vừa được công bố trên eLife đã dập tắt hy vọng rằng tamoxifen có thể giúp cải thiện khả năng sống sót của bệnh nhân bị viêm màng não do nấm gây ra.


Các tế bào nấm Cryptococcus neoformans. Ảnh: Phan Hai Trieu
 
Viêm màng não do nấm Cryptococcus là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người nhiễm HIV, nhưng bệnh này cũng ảnh hưởng đến cả những người không nhiễm HIV – bất kể họ có bị suy giảm miễn dịch hay không. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đều do một loại nấm mang tên Cryptococcus neoformans (C. neoformans) gây ra, và các ca bệnh thường xảy ra ở những vùng nhiệt đới, nơi người dân có thu nhập thấp. Để điều trị bệnh, các bác sĩ thường kết hợp ba loại thuốc: đầu tiên là flucytosine và amphotericin B, sau đó là fluconazole. Tuy nhiên, ngay cả với liệu pháp tiêu chuẩn vàng này, một phần ba số bệnh nhân vẫn tử vong trong vòng 10 tuần sau khi được chẩn đoán. Hơn nữa, thuốc flucytosine không có nhiều và chi phí cũng rất cao, đồng nghĩa với việc nó hiếm khi được sử dụng ở những nơi gánh nặng bệnh tật cao nhất.
 
Tamoxifen có thể là phương án điều trị thay thế hiệu quả, bởi “nó có hoạt tính kháng nấm, có khả năng kháng lại các loại nấm men khác nhau trong phòng thí nghiệm; thêm vào đó, nó phối hợp với amphotericin để kháng lại hai phần ba số chủng Cryptococcus phân lập từ kho lưu trữ của chúng tôi. Là một loại thuốc mà chúng ta hiểu rõ, không bị giới hạn hay ràng buộc bởi bằng độc quyền, giá rẻ và phổ biến rộng rãi, đây là một ứng cử viên đầy hứa hẹn trong điều trị bệnh viêm màng não do cryptococcus gây ra”, đồng tác giả thứ nhất của công bố, Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Ngân (Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford – OUCRU) cho biết. 

“Chúng tôi đã thiết kế một thử nghiệm ngẫu nhiên để xác định xem việc sử dụng kết hợp các loại thuốc này có thể giúp cải thiện tốc độ làm sạch Cryptococcus khỏi bệnh nhân viêm màng não mắc và không mắc HIV hay không”, đồng tác giả thứ nhất của công bố, Lê Thanh Hoàng Nhật, chuyên gia thống kê sinh học tại OUCRU, cho biết thêm.

Thử nghiệm gồm 50 bệnh nhân – 40 người nhiễm HIV và 10 người không nhiễm. Trong số đó, 24 bệnh nhân được điều trị theo lộ trình kháng nấm tiêu chuẩn gồm amphotericin B và fluconazole cộng với tamoxifen, và 26 người chỉ được điều trị theo lộ trình kháng nấm tiêu chuẩn. Nhóm nghiên cứu đã đo khả năng diệt nấm giai đoạn đầu (EFA) cho cả hai nhóm – tức là lượng C. neoformans trong dịch tủy sống của bệnh nhân giảm nhanh như thế nào trong hai tuần sau khi điều trị.

Dựa trên những thí nghiệm về hoạt tính kháng nấm trước đó, nhóm đã kỳ vọng sẽ thấy kết quả EFA ở những bệnh nhân đã thêm tamoxifen vào phương pháp điều trị kháng nấm sẽ cao hơn so với nhóm đối chứng. Tuy nhiên, họ không tìm thấy sự khác biệt nào trong kết quả EFA.

Sự khác biệt duy nhất giữa hai nhóm là độc tính ở tim của nhóm dùng tamoxifen tăng lên. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng cần sử dụng liều tamoxifen cao gấp 5–10 lần so với liều được sử dụng thường xuyên trong điều trị ung thư vú để có tác dụng kháng nấm. Nhưng dùng tamoxifen liều cao có thể gây tác động lên tim – và thậm chí có thể gây ngừng tim. Đã có một trường hợp đột tử ở nhóm dùng tamoxifen trong nghiên cứu, mặc dù trường hợp này xảy ra sau một thời gian dài sau khi dùng tamoxifen và nhịp tim của người đó không có biểu hiện bất thường.

“Mặc dù tamoxifen có tác dụng kháng cryptococcus và khả năng phối hợp với các thuốc khác, nhưng nó không làm tăng tốc độ thải nấm men khỏi dịch tủy sống ở những người bị viêm màng não và không có khả năng mang lại lợi ích lâm sàng”, Tác giả cấp cao Jeremy Day, Trưởng nhóm nghiên cứu Nhiễm trùng CNS và HIV tại OUCRU, và là giáo sư về Bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y học Nhiệt đới và Sức khỏe Toàn cầu, Đại học Oxford (Anh), nhận định.

“Kết quả của chúng tôi cho thấy tầm quan trọng của các thử nghiệm quy mô nhỏ như thế này, nó giúp đánh giá nhanh các loại thuốc có thể thay thế, từ đó giảm thiểu khả năng phí phạm thời gian và chi phí vào một nghiên cứu lâm sàng lớn hơn và có khả năng thất bại. Tuy nhiên, điều đáng buồn là kết quả thí nghiệm đồng nghĩa với việc chúng ta vẫn cần nhanh chóng phát triển các loại thuốc kháng cryptococcus mới, và chúng ta cũng cần đảm bảo rằng bệnh nhân có thể dễ dàng tiếp cận các phương pháp điều trị hiện có với giá cả phải chăng”, ông kết luận. 

 
Anh Thư dịch
 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)