Tạo hóa phải “ngẩn ngơ”?
Tạo hóa, nhà phát minh vĩ đại nhất khi đưa vào đời sống hằng hà sa số tác phẩm của mình, vẫn để ngỏ cho những ý tưởng “làm dáng”… Ông Trần Thanh Liêm đã nhìn thấy điều đó khi định đưa ra hình dáng mới cho những trái dưa hấu bình dị, biến chúng thành những trái dưa có hình thỏi vàng.  
Trước đó, người kinh doanh rau quả Việt Nam từng biết đến ông với cung cách đột phá kinh doanh qua hình thức mới- dưa vuông- với mức giá được thị trường chấp nhận là 2- 3 triệu đồng một cặp.
“Tôi chỉ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp với dưa hấu hình thỏi vàng còn dưa hấu vuông là “học lóm” từ Nhật Bản nên không đăng ký”, ông Liêm hiền lành nói. Khu vườn nhà ông ở khu vực 7, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy (TP.Cần Thơ) nay tấp nập thương lái săn đón, mua hàng, khác hẳn với những người trồng dưa bình thường. Càng săn đón ráo riết hơn khi ông đưa ra thị trường hàng trăm cặp dưa hấu hình thỏi vàng, xe hơi và cả dưa hình bản đồ Việt Nam.
Nếu Mai An Tiêm cho khắc chữ trên dưa và thả trôi trên biển thì Trần Thanh Liêm lại làm cho chữ nổi trực tiếp trên lớp vỏ dưa. Sau khi đã sửa hình dáng trái dưa tự nhiên để “ làm dáng”, công việc làm khuôn nổi chữ trên vỏ dưa tưởng là dễ nhưng cũng không đơn giản chút nào. Những lúc trời nắng, nhiệt độ thay đổi hoặc chỉ cần một cơn mưa rào thì tỷ lệ trái dưa còn tốt chỉ còn lại 35-45%, và mức đó được xem là thành công. Tết Giáp Ngọ 2014, dưa nổi hình bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa khiến cho nhiều người tâm đắc. Mỗi năm, cứ Tết đến, người ta chờ đợi xem ông nông dân sáng tạo này sẽ làm điều gì khác nữa để tạo ra sự khác biệt, đặc sắc?
Ứng dụng những chất liệu tạo khuôn, lấy nắng và biết bao nhiêu điều vận dụng từ công nghệ làm dưa vuông của Nhật, ông Liêm ứng dụng nhuần nhuyễn trong việc “sửa dáng” dưa như chuyện nhẹ nhàng, không có gì ầm ĩ. Tết Nguyên Đán năm rồi, dưa hấu thỏi vàng bán tại TP.HCM có giá 7-8 triệu đồng/cặp nhưng vẫn được thị trường chấp nhận. Vấn đề là làm sao tăng số lượng trái đúng chuẩn về hình dáng, cân nặng, an toàn để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tạo hóa “hóm hỉnh” đôi khi cũng gợi ra điều gì đó thật tươi tắn, mới lạ khi cho ông Võ Trung Thành tình cờ nhìn thấy quả bưởi bị kẹt giữa hai cành cây có dáng hình hồ lô, bổ ra vẫn là trái ngon dù phần vỏ bị biến dạng, đã thôi thúc ông Thành chủ động tạo ra dáng hình này cho bưởi.
Ông Thành lên Sài Gòn tìm chỗ đặt khuôn, thực ra chẳng có gì khó. Nhưng đây là con dao hai lưỡi vì người làm khuôn vẫn có thể bán khuôn đó cho người khác. Một mình không thể tự lo tra khuôn đúng mốc thời gian sinh trưởng cho bưởi vừa chống “sao chép”, ông cố nghĩ ít hơn về những bất cập nếu có ai đó lấy mẫu và thành công hơn mình. Nhưng làm ra trái bưởi hồ lô không chỉ vài động tác tra khuôn. Lần đầu tiên ông Thành nhìn thấy trái bưởi tượng hình hồ lô hoàn chỉnh, cảm giác chạm tay vào sự huyền biến của tạo hóa, từ đó ông xây dựng qui trình tra khuôn, tiếp tục bồi dưỡng cho trái bưởi lớn, ngon, tránh bị sâu đục quả cho đến khi biến thành thành phẩm.
Cảm nhận ấy rõ hơn khi không phải khuôn nào cũng thành hồ lô. Người sản xuất không thể chỉ tính chuyện tạo dáng. Giá trị của những lời khuyên, làm ra bưởi hồ lô cần nhìn xa, chọn phương pháp hữu cơ, giảm thuốc sâu để tránh giết chết sâu thiên địch, từng bước trồng theo phương pháp khoa học bền vững. Bưởi hồ lô “cháy hàng” ngay đợt hái trái đầu tiên, đắt hàng tới mức ông Thành phải giao cả cặp bưởi trên bàn thờ gia tiên cho khách để tránh tiếng thất hứa.
Nhu cầu lớn và với đặc điểm luôn “rủ rê” nhau xây dựng mô hình kinh doanh lớn, đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường, một câu lạc bộ chuyên về cuộc “tạo dáng” mới này được hình thành. CLB Sản xuất trái cây tạo hình ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, ra đời sau khi ông Thành chia sẻ thành công này cho chòm xóm. Nhiều người tra khuôn với số lượng lớn hơn, tỷ lệ trái hoàn chỉnh nhiều hơn vườn nhà ông Thành.
Khi sản phẩm được thị trường chấp nhận, lại bắt đầu xuất hiện bưởi hồ lô từ nhiều nguồn khác, chào bán ngoài thị trường. Trái không hoàn chỉnh thì người kinh doanh tìm cách che lấp, dùng sơn tô vẽ thêm.
Nghiên cứu tiếp, nay ông Thành đã chuyển sang chăm sóc 1.000 quả đào tiên dáng hồ lô, giá từ 300.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/quả. Người mua thích đào tiên hồ lô vì có thể chưng trên sáu tháng, trong khi bưởi hồ lô chỉ khoảng một tháng..
Từng hả hê nhìn thương lái từ Hà Nội vào tận vườn hái bưởi chở ra sân bay nhưng cũng từng nếm mùi thất bại do giá bưởi bấp bênh, đến nỗi có lúc nợ 10 triệu đồng không sao trả được, sau khi làm bưởi hồ lô, năm 2010-2012, ông đã thoát cảnh nợ nần và tậu được nhà mới từ cách sửa dáng trái cây trong vườn nhà.
26 thành viên của CLB cùng tổ chức sản xuất (tạo dáng) bưởi hồ lô, đào tiên dáng hồ lô đã có cuộc sống khá giả. Có người khốn khổ vì giá bưởi bấp bênh trước đây, từng bán nhà như ông Nguyễn Văn Thời, nay đã có tiền chuộc lại đất, sửa lại căn nhà. Mọi người đang chờ đợi những cú đột phá mới khiến tạo hóa lại phải ngẩn ngơ.