Tạo nền tảng cho đổi mới sáng tạo
Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) vừa kết thúc giai đoạn I và chuẩn bị bước sang giai đoạn II. Dự án đã góp phần tạo ra những thay đổi cơ bản trong cộng đồng những người hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế.
Đánh giá qua những con số
Phần Lan là nước đầu tiên cho rằng, cách tốt nhất để hỗ trợ các nước đang phát triển một cách bền vững là cùng chia sẻ tri thức, hỗ trợ để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành một bộ phận trong sự tăng trưởng của các quốc gia này. Trong bối cảnh Việt Nam, khoa học và công nghệ đang có nhiều chuyển đổi để thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đàm phán thành công Dự án IPP với Phần Lan. Đây là lần đầu tiên, một dự án ODA ở nước ta trực tiếp hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo.
Giai đoạn I của dự án IPP được triển khai trong vòng bốn năm (từ 2010-2014) với số vốn đầu tư từ phía Phần Lan là 7,3 triệu Euro (viện trợ không hoàn lại) và 20 tỷ đồng đối ứng từ phía Việt Nam. Sau khi giai đoạn I kết thúc, có 125 đơn vị trực tiếp thụ hưởng dự án (trong đó có 30 đơn vị đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học; 80 doanh nghiệp và 15 cơ quan quản lý nhà nước), 62 doanh nghiệp được cấp tài trợ (phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ với quy mô từ 10-15 người) để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, dự án cũng cung cấp thông tin đầu vào cho một số văn bản pháp luật và chiến lược về khoa học công nghệ như: Chiến lược Phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020, Luật Khoa học và Công nghệ 2013 và thực hiện nghiên cứu về đổi mới cơ chế tài chính cho khoa học và công nghệ. IPP cũng đưa ra bộ giáo trình mới về quản lý đổi mới sáng tạo được viết bởi các chuyên gia quốc tế và Việt Nam, hướng tới đào tạo những nhà quản lý, quản trị khoa học và công nghệ trong các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và thử nghiệm giảng dạy cho các giảng viên trong trường đại học qua hình thức học trực tuyến e-learning.
Đánh giá hiệu quả của IPP, mặc dù quy mô hỗ trợ của Dự án ở giai đoạn I còn khiêm tốn, số kinh phí trực tiếp hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ không nhiều (tối đa khoảng 400 triệu đồng mỗi doanh nghiệp) nhưng Dự án IPP giai đoạn I đã có những tác động và hiệu ứng tích cực đối với cộng đồng các các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong đổi mới sáng tạo Việt Nam. IPP giai đoạn I cũng đã tác động đến việc xây dựng các văn bản pháp luật và chiến lược về khoa học công nghệ của Việt Nam tới gần hơn các chuẩn mực quốc tế. Tuy vậy, việc quản lý dự án của các cơ quan trực thuộc Bộ KH&CN còn có một số điều chưa hợp lý dẫn đến khó khăn trong công tác giải ngân cũng như “tối ưu hóa các kết quả đạt được”.
Thay đổi nhận thức về đổi mới sáng tạo
Khi bước vào giai đoạn I, IPP đã thực hiện khảo sát trên quy mô nhỏ về hoạt động đổi mới sáng tạo với 350 doanh nghiệp trên cả nước. Khảo sát này cho thấy hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu và một trong những lí do quan trọng là hố ngăn cách giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học: một bộ phận doanh nghiệp có ý thức đổi mới sáng tạo nhưng không có được sự hợp tác với các chuyên gia nghiên cứu thị trường và tư vấn các giải pháp công nghệ. Còn các viện, trường tuy vẫn thực hiện các nghiên cứu mang tính ứng dụng nhưng các nghiên cứu này chưa có địa chỉ sử dụng cụ thể. IPP đã bước đầu phá vỡ những ngăn cách giữa Doanh nghiệp và các nhà khoa học bằng cách đi cùng với họ trong quá trình thực hiện: “Hai bên “bắt tay” với nhau, viết dự án, nhận tài trợ và cùng thực hiện và đưa sản phẩm bán ra thị trường”. Rào cản giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học vốn là chuyện không mới nhưng Dự án IPP giai đoạn I đã cố gắng đưa ra một mô hình cụ thể và cũng là cách thức hiệu quả để hai bên có thể hợp tác.
Để có thể tiếp cận với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, IPP đã tổ chức tám roadshows và thu hút hơn 1.000 người tham dự. Thông qua các hoạt động này, IPP góp phần giảm đi những e ngại trong cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong việc tiếp cận các khoản tài trợ của nhà nước.
Là dự án đầu tiên sử dụng ODA cho hoạt động đổi mới sáng tạo, IPP góp phần thay đổi suy nghĩ của các nhà tài trợ và cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ Việt Nam. Bên cạnh nguồn hỗ trợ ODA cho Việt Nam trong hơn 20 năm qua tập trung ưu tiên cho các lĩnh vực y tế, môi trường, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, các nhà tài trợ đang có xu hướng ưu tiên hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Sau khi IPP giai đoạn I đi vào hoạt động, năm 2011, các tổ chức khác như World Bank, DANIDA (Đan Mạch), DFID (Anh), EU cũng bắt đầu đề cập đến các hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Dự án FIRST của World Bank hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo là một ví dụ điển hình cho vai trò “tiên phong” của IPP.
Hỗ trợ bền vững
Giai đoạn II của IPP đầu tư có trọng điểm hơn với định hướng tạo ra những kết quả bền vững, tạo nền tảng cho hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam sau này.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh cho biết, giai đoạn II có bốn mục tiêu cụ thể: Hỗ trợ biên soạn bộ giáo trình về đổi mới sáng tạo ở Việt Nam để giảng dạy rộng rãi từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp đến các trường đại học; hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp spin offs (từ các kết quả nghiên cứu khoa học của các viện, trường) và các start-ups; hỗ trợ đổi mới sáng tạo ở địa phương với các dự án tạo ra các sản phẩm vùng đặc trưng, trụ được lâu dài trên thị trường và tự duy trì được sau khi dự án kết thúc; hỗ trợ việc hoàn thiện các thể chế, chính sách.
IPP giai đoạn II tập trung hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp start-ups, spin-offs, xây dựng bộ giáo trình chuẩn quốc tế về đổi mới sáng tạo và đào tạo những cá nhân xuất sắc để giảng dạy về lĩnh vực này. |
IPP giai đoạn II vẫn hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng nếu giai đoạn I hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo của những doanh nghiệp đã thành lập thì giai đoạn II tập trung tài trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp từ trước khi ra đời về mặt đào tạo kĩ năng, tư vấn thị trường và vốn. Theo đó, những doanh nghiệp được chọn sẽ được hỗ trợ theo hai bước: bước một, tập trung vào đào tạo, tư vấn, hướng dẫn về việc kết nối với các nguồn lực, tiếp cận thị trường – doanh nghiệp được lựa chọn sẽ được hỗ trợ tối đa 30.000 EUR, trong đó có 70% dành cho nguồn lực con người; bước hai, hướng tới việc kết nối các đối tác tiềm năng, kêu gọi các nguồn lực khác với tổng số vốn lên đến 300.000 EUR. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, giai đoạn II sẽ tăng tính cạnh tranh của các hồ sơ dự tuyển bằng cách công bố và quảng bá công khai các chương trình, nhiệm vụ, đồng thời sẽ lập ra một hội đồng tuyển chọn và hội đồng nghiệm thu như đối với các nhiệm vụ khoa học để đảm bảo tính khả thi của các dự án. Trao đổi với phóng viên Tia Sáng, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng thẳng thắn chia sẻ, khó khăn lớn nhất trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp spin-offs và start-ups đó là vốn đối ứng cam kết từ phía các nhóm tham gia cao (có thể lên tới 10.000 EUR).
Một sản phẩm quan trọng của giai đoạn II chính là bộ giáo trình theo tiêu chuẩn quốc tế do các chuyên gia nước ngoài hợp tác biên soạn về đổi mới sáng tạo. Cùng với đó là việc đào tạo lớp giảng viên có thể giảng dạy chuyên sâu về lĩnh vực này thông qua chương trình học bổng đổi mới sáng tạo (VIF). Các thành viên được tuyển chọn vào chương trình này sẽ tham dự một khóa học toàn thời gian kéo dài chín tháng và được cấp chi phí sinh hoạt trong suốt thời gian tham gia khóa học.
Giai đoạn II của IPP sẽ kết thúc vào năm 2018 với tổng số vốn đầu tư 11 triệu EUR, trong đó 90% là ODA viện trợ không hoàn lại. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, kết thúc giai đoạn II, điều mà ông “tâm đắc” nhất là bộ giáo trình đổi mới sáng tạo sẽ được phổ biến và giảng dạy rộng rãi cho nhiều đối tượng và hướng tới trở thành một môn bắt buộc trong các trường đại học.